Tham dự Hội thảo có đại diện Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Hà Giang, các Sở VHTTDL của 11 tỉnh miền núi phía Bắc, đại diện các doanh nghiệp trong ngành Du lịch cùng cán bộ của Phái đoàn EU tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo xây dựng kế hoạch hoạt động Dự án ESRT tại Hà Giang
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Quốc Trí – Giám đốc Dự án ESRT cho biết, Chương trình ESRT hướng tới mục tiêu đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào ngành Du lịch Việt Nam nhằm tăng cường tính cạnh tranh và góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam.
Chương trình ESRT bao gồm 28 hoạt động chính, tập trung trong ba hợp phần: hỗ trợ chính sách và tăng cường thể chế; năng lực cạnh tranh sản phẩm và quan hệ đối tác công - tư; giáo dục và đào tạo nghề. Với tổng ngân sách của dự án là 12,1 triệu EURO, trong đó EU đóng góp 11 triệu EURO và Chính phủ Việt Nam đóng góp 1,1 triệu EURO, đây là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch lớn tiếp theo hết sức quý báu và kịp thời của EU dành cho Du lịch Việt Nam sau khi Dự án thứ nhất về Phát triển nguồn nhân lực du lịch đã kết thúc rất thành công vào năm 2010. Dự án lần thứ hai này sẽ được triển khai trong vòng 5 năm. Nội dung của Chương trình ESRT được thiết kế để lồng ghép các hoạt động du lịch có trách nhiệm vào tất cả các khía cạnh của chính sách, quy hoạch, quản lý điểm đến, hoạt động kinh doanh, giáo dục và nâng cao nhận thức ở cấp quốc gia, khu vực và tỉnh.
Theo ông Jan Bjarnason - Trưởng Nhóm tư vấn Chương trình ESRT, Dự án tập trung vào các nguyên tắc du lịch có trách nhiệm tạo cơ sở để ngành Du lịch đạt hiệu quả cao hơn, có tính cạnh tranh và bền vững hơn; quan tâm hơn đến vấn bình đẳng giới, mở rộng các cơ hội cho người nghèo và các nhóm thiệt thòi khác như phụ nữ và đảm bảo sự tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số trong Dự án. Các kết quả chính được mong đợi từ việc triển khai Chương trình ESRT là: đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý du lịch từ trung ương đến địa phương có đủ năng lực trong việc hoạch định chính sách, quy hoạch và quản lý du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; tính hiệu quả của mối quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong hoạt động du lịch được nâng cao; hệ thống đào tạo nghề du lịch, bao gồm hệ thống Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) tiếp tục được duy trì và mở rộng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra những ý kiến đóng góp vào các hoạt động của Dự án, đặc biệt tập trung vào các vấn đề liên quan trực tiếp đến du lịch các tỉnh miền núi phía Bắc và cộng đồng dân tộc thiểu số. Theo đó, tiếp sau hội thảo tại Hà Nội, Ban Quản lý dự án sẽ tiếp thu và tối ưu hóa những ý kiến thảo luận từ hội thảo này kết hợp với các hội thảo tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới để tổng hợp, xây dựng kế hoạch tổng thể cho giai đoạn 2011 - 2015 và xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm phù hợp nhất với yêu cầu phát triển của Ngành, nhằm chuẩn bị cuối tháng 8/2011 báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét phê duyệt, sau đó đệ trình lên Phái đoàn EU tại Việt Nam phê duyệt để vận hành, triển khai các nội dung của Dự án.
Trong dịp này, ông Nguyễn Lê Huy, Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn cũng khẳng định, Hà Giang mong muốn được tham gia vào chương trình hoạt động của Dự án EU để có cơ hội phát triển thế mạnh của khu vực là du lịch và hơn nữa được mang tài sản văn hóa quý báu của tỉnh là Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tới bạn bè quốc tế trên khắp năm châu.
Hạ Tinh