Hội thảo đã thu hút 300 nhà khoa học, nghiên cứu, nghiệp trong lĩnh vực địa chất, du lịch và văn hóa của các nước trên thế giới và Việt Nam, trong đó có 175 đại biểu quốc tế của 17 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương tham gia Hội nghị quốc tế về công viên địa chất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cao nguyên đá Đồng Văn
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, phát triển bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm và chính sách của Chính phủ Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên Địa chất toàn cầu và là công viên địa chất thứ 2 của Đông Nam Á, là sự kiện đánh dấu Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu. Qua đó, Việt Nam tiếp tục hội nhập với thế giới trong một xu hướng mới. Đó là bảo tồn và phát huy tổng thể mọi giá trị di sản, trong đó các di sản địa chất đóng vai trò chủ đạo, dưới hình thức xây dựng các công viên địa chất, khuyến khích du lịch địa chất cùng các hoạt động kinh tế vững chắc khác.
Công viên địa chất Đồng Văn, Hà Giang là một trong những cao nguyên đá vôi hùng vỹ nhất Việt Nam; diện tích trên 2000km2, độ cao trung bình trên 1.000m so với mặt nước biển và có 17 dân tộc cùng chung sống. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Sèn Chỉn Ly nhấn mạnh: việc xây dựng “Công viên địa chất” chính là mô hình được tỉnh Hà Giang lựa chọn để tạo hướng đi mới trong việc bảo vệ, gìn giữ, khai thác tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Tỉnh Hà Giang đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động của Công viên Địa chất Đồng Văn nhằm bảo vệ, gìn giữ, khai thác tài nguyên thiên nhiên, và cũng là một nhân tố mới góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân địa phương, mở ra hướng đi mới và tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch địa chất cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc giữ gìn phong tục tập quán, truyền thống, kiến thức, lối sống của đồng bào các dân tộc. Vì vậy, điều quan trọng là tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ di sản.
Để phát huy hiệu quả của Công viên địa chất đầu tiên này của ViệtNam, GS. Ibrahim Komoo - Trường Đại học Kebangsaan Malaysia cho rằng: Cao nguyên địa chất Đồng Văn (Hà Giang) về địa điểm và vị trí là một công viên rất đẹp về phong cảnh, vị trí địa lý cũng như có giá trị cao về mặt địa chất. Tuy nhiên, Hà Giang nằm khá xa so với Trung tâm Hà Nội hoặc các vùng lân cận nên khó tiếp cận. Để phát triển cao nguyên đá Đồng Văn, cách tốt nhất là nên phát triển các gói du lịch có giá trị cao, sau đó chú trọng phát triển mạng lưới giao thông, dịch vụ và có giá trị cao hơn...
Theo bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, mô hình Công viên địa chất đặc biệt có ý nghĩa đối với khu vực nông thôn, miền núi - nơi đời sống của phần đông dân cư còn nhiều khó khăn. Việc thành lập Công viên địa chất và phát triển các hình thức du lịch địa chất sẽ mang lại cơ hội phát triển bền vững mới cho cộng đồng dân cư. Vì vậy, các dân tộc thiểu số và cộng đồng địa phương cần được tham gia vào quá trình quản lý khu vực mà họ sinh sống cũng như tiếp tục được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của khu vực đó. Công viên địa chất giúp cho người dân địa phương hiểu được giá trị của nơi mà người ta đang sinh sống. Người ta có thể cầm hòn đá lên và biết được giá trị của nó như thế nào và nó mang lại những giá trị trong lịch sử cũng như văn hóa tại địa điểm đó. Sự phát triển của kinh tế của vùng đó đóng góp vào sự phát triển của mục tiêu phát triển thiên niên kỷ…
Hồng Thu