Hiện trạng mạng lưới giao thông đường bộ ở nước ta hiện nay
Mạng lưới giao thông đường bộ được phân bổ đều khắp trên toàn quốc, tổng số km đường bộ cả nước là trên 200 nghìn km, trong đó quốc lộ (QL) có 16.716 km chiếm 5,74% trên tổng số mạng lưới đường bộ toàn quốc. Các quốc lộ chính dẫn đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính mà khách du lịch thường xuyên qua lại bao gồm:
- Quốc lộ 1: điểm đầu cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), điểm cuối Năm Căn (Cà Mau), chiều dài toàn tuyến là 2301 km.
- Quốc lộ 7: Diễn Châu - Nậm Cắn, 225 km.
- Quốc lộ 217: Đò Lèn - Na Mèo (Thanh Hoá), 194 km.
- Quốc lộ 8: Bãi Vọt - Keo Nưa, 85,3 km.
- Quốc lộ 9: Đông Hà - cửa khẩu Lao Bảo, 96,4 km.
- Quốc lộ 12A: Quảng Bình - cửa khẩu Cha Lo, 122 km.
- Quốc lộ 18: Hà Nội - cửa khẩu Móng Cái, 342,5 km.
- Quốc lộ 22: TP. Hồ Chí Minh - cửa khẩu Mộc Bài, 58,6 km.
- Quốc lộ 22B: Tây Ninh - cửa khẩu Xa Mát, 80 km.
- Quốc lộ 91: Cần Thơ - cửa khẩu Tịnh Biên, 167,8 km.
- Quốc lộ 279: Đồng Đăng - cửa khẩu Tây Trang, 623 km.
- Quốc lộ 19: Hàm Rồng - cửa khẩu Bờ Y, 247 km.
Nhìn chung, các tuyến quốc lộ trên đã được hình thành và phân bố khá hợp lý trên toàn quốc tạo ra được sự kết nối liên thông với toàn bộ mạng lưới đường bộ và nối đến các khu du lịch, điểm du lịch tại các địa phương mà các tuyến đường đi qua. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng (KCHT) giao thông đường bộ hiện nay còn tồn tại một số vấn đề:
- Trên toàn bộ các tuyến quốc lộ dẫn đến các cửa khẩu quốc tế chưa có đường cao tốc. Đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao (đường cấp I, II) chiếm tỷ lệ thấp.
- Còn nhiều tuyến chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, ở một số vùng, đặc biệt là vùng miền núi, vùng xa.
- Dịch vụ trên tuyến chưa đồng bộ (trạm dừng, nghỉ, cung cấp xăng dầu, bảo dưỡng sửa chữa…).
- Đường nối từ các khu du lịch, điểm du lịch đến các quốc lộ chưa được xây dựng đồng bộ theo quy hoạch thống nhất.
- Hành lang bảo vệ an toàn giao thông chưa đảm bảo đúng quy định, bị lấn chiếm, hai bên đường quốc lộ có nhiều khu dân cư, công nghiệp, các công trình khác. Việc giải phóng mặt bằng để cải tạo, mở rộng đường tiến hành rất chậm, khó khăn, khối lượng đền bù lớn.
- Nhiều cầu, cống trên tuyến đường hoặc một số đoạn tuyến được xây dựng trước đây có khẩu độ cầu cống, cao độ nền đường không còn phù hợp với chế độ thủy văn hiện nay nên trong mùa mưa lũ, cầu cống bị hư hỏng, nhiều đoạn đường bị ngập và sụt lở, đặc biệt khu vực miền trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Các tuyến có lưu lượng lớn khách du lịch quốc tế thường qua lại như tuyến QL1, QL 18, QL7, QL8, QL 9, QL 22, QL12 chưa có hệ thống các biển báo, hướng dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế và bằng hai thứ tiếng gây khó khăn cho việc hướng dẫn khách du lịch (đặc biệt là các tuyến QL8, QL9, QL22 khi có đoàn khách du lịch carnavan đi bằng đường bộ từ Thái Lan và Campuchia sang Việt Nam).
Định hướng phát triển KCHT giao thông đường bộ phục vụ phát triển du lịch
Để mạng lưới giao thông đường bộ phục vụ tốt hơn cho quá trình phát triển du lịch, hai ngành GTVT và Du lịch cần tiến hành một số giải pháp:
- Hoàn thiện và nâng cấp các tuyến quốc lộ đưa vào đúng cấp kỹ thuật theo quy hoạch.
- Các tuyến quốc lộ có lưu lượng lớn khách du lịch quốc tế thường qua lại như tuyến QL1, QL 18, QL7, QL8, QL 9, QL 22, QL12 cần phải có hệ thống biển báo, hướng dẫn theo đúng tiêu chuẩn quốc tế và bằng hai thứ tiếng (đặc biệt là các tuyến QL8, QL9, QL22 khi có đoàn khách du lịch carnavan đi bằng đường bộ từ Thái Lan và Campuchia sang Việt Nam).
- Hai ngành GTVT và Du lịch cần nghiên cứu để đưa ra bộ tiêu chuẩn cho các phương tiện vận chuyển khách du lịch nhằm chuẩn hoá chất lượng vận chuyển khách du lịch trong nước và quốc tế.
- Ngoài việc nâng cấp KCHT, các phương tiện vận tải đường bộ cần có điều kiện phục vụ tiện nghi, trang bị vui chơi giải trí, chế độ thông tin... nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách. Người điều khiển phương tiện cần được đào tạo, có thái độ giao tiếp văn minh lịch sự.
- Trong quá trình quản lý các phương tiện phục vụ khách du lịch cần công bố và thực hiện mức giá dịch vụ vận chuyển theo chất lượng phương tiện, tiến tới thống nhất một mức giá giữa khách nội địa và khách quốc tế.
- Đẩy mạnh thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Thái Lan về việc cho phép xe du lịch của Thái Lan vào Việt Nam và xe du lịch của Việt Nam vào Thái Lan và ngược lại (nay là Thoả thuận giữa ba Chính phủ Việt Nam – Lào – Thái Lan) và tổ chức thí điểm các đoàn xe caravan của Thái Lan vào Việt Nam qua các cửa khẩu đường bộ.
Để phát triển ngành Du lịch nói chung và vận tải du lịch nói riêng cần phải có những cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý phù hợp, bổ sung cho nhau, kết hợp chặt chẽ nhằm vượt qua những khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển du lịch bền vững, tăng lợi ích kinh tế cho hai ngành GTVT và Du lịch. Phát triển Du lịch cũng chính là phát triển GTVT, ngược lại, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải cũng chính là nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
KS. LÊ ĐỖ MƯỜI
Viện Chiến lược và Phát triển GTVT
* Chi tiết xem Tạp chí DLVN tháng 9/2007