Tiềm năng phát triển du lịch bền vững du lịch sinh thái đảo Phú Quốc
Phú Quốc là điểm đến du lịch lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long với những sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, Phú Quốc có vị trí giao lưu thuận lợi nên có nhiều lợi thế phát triển các ngành kinh tế, trong đó đặc biệt là du lịch sinh thái.
Nằm trong vịnh Thái Lan, án ngữ phía Tây Nam của lãnh thổ Việt Nam, cách thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) 125km, cách thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) 46km, và cách thành phố Hồ Chí Minh 350km; gần với các nước láng giềng trong khu vực, nằm trên đường hàng hải quốc tế Xihanucvin (Campuchia) - thành phố Hồ Chí Minh, Bangkok (Thái Lan) - thành phố Hồ Chí Minh, nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương qua bán đảo Malaysia, Phú Quốc rất thuận lợi cho phát triển đường hàng không và đường biển, thuận tiện giao lưu kinh tế, nối tuyến du lịch với các đảo vùng vịnh Thái Lan và các tỉnh thành phố phía Nam Việt Nam.
Bên cạnh đó, đảo Phú Quốc có địa hình rất phong phú và đa dạng, là điều kiện cho phát triển du lịch sinh thái. Nét chung nhất của địa hình đảo Phú Quốc là núi thấp xen các đồng bằng nhỏ hẹp phân bậc. Các đỉnh núi cao, tuy không phải là các dãy núi hùng vĩ nhưng với những đỉnh cao và với hai bờ bất đối xứng cũng là những vị trí đặc thù để du khách khám phá, thưởng ngoạn và thử sức chinh phục với các đỉnh cao, sườn dốc, vách đá, thác nước, đèo cao, khe sâu, các bãi đá đổ… Địa hình bờ biển xen lẫn với những bãi cát trắng dài, độ dốc thoải vừa phải, chất lượng nước biển tốt tạo nên những bãi tắm đẹp lý tưởng thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế.
Phát triển du lịch sinh thái huyện đảo Phú Quốc
Tài nguyên du lịch sinh thái ở huyện đảo Phú Quốc
Hệ sinh thái biển - đảo
Phú Quốc có đường bờ biển bao quanh đảo dài khoảng 150km, có nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ, điển hình là bãi Giếng, bãi Khem, bãi Sao, bãi Vòng, bãi Thơm, bãi Dinh Cậu, bãi Dài... Đây là những bãi tắm lý tưởng có bờ cát vàng trải dài với nước biển trong xanh, êm đềm, cùng nhiều loài tảo biển mang màu sắc hấp dẫn, tạo cho du khách sự thích thú lạ kỳ.
Bên cạnh đó, vùng biển Phú Quốc ấm, là môi trường thuận lợi cho các loài hải sản sinh sôi, phát triển nên sản vật biển của Phú Quốc rất phong phú như: cá heo, cá mú, cá cơm, cá trích, các loài cá thu, tôm các loại, ghẹ, tôm tích… Một số được dùng làm dược liệu (hải mã, hải long…), hàng mỹ nghệ (đồi mồi, san hô, trai…). Tiềm năng to lớn này có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách trong và ngoài nước.
Trong vùng biển quanh đảo Phú Quốc có nhiều rạn san hô có giá trị du lịch. Đặc biệt đây cũng là một trong hai vùng biển ở Việt Nam hiện còn tồn tại loài bò biển (Dugon) thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khách du lịch và các nhà khoa học.
Hệ sinh thái núi - rừng nguyên sinh
Phú Quốc có nhiều dãy núi chạy từ Nam đến Bắc với 99 ngọn núi đồi. Theo thống kê, Vườn quốc gia Phú Quốc có một hệ thực vật, động vật phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong sách Đỏ.
Đối với thực vật, có nhiều loại gỗ quý như sao đen, dầu rái, kim giao, cẩm lai, mun, giá tỵ… cùng hàng trăm loài dược liệu quý hiếm như kim trọng, hà thủ ô, kỳ nam, đỗ trọng… Đặc biệt, rừng nguyên sinh Phú Quốc còn có cây dó bên trong có lõi trầm hương và kỳ nam rất quý. Bên cạnh đó, còn có nấm tràm có thể chế biến thành một món ăn ngon đặc sản của Phú Quốc. Động vật có nhiều loài quý hiếm như: sói rừng, khỉ bạch, sóc chân vàng, sóc đỏ, mển…
Rừng nhiệt đới thường xanh ở Vườn quốc gia Phú Quốc là nơi lý tưởng cho các hoạt động du lịch sinh thái như: tham quan học tập về rừng nhiệt đới, cắm trại, thể thao leo núi, nghiên cứu khoa học kết hợp nghỉ ngơi...
Hệ sinh thái nông nghiệp
Ngoài hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nông nghiệp với diện tích gần 7.000ha, chủ yếu là hồ tiêu, điều, dừa... là một dạng tài nguyên du lịch tự nhiên đặc biệt, hiện rất hấp dẫn khách du lịch đến tham quan. Hiện nay, các vườn tiêu đã được đưa vào danh mục những điểm đến trong các tour Phú Quốc.
Các giá trị văn hóa bản địa
Huyện Phú Quốc có các giá trị văn hóa đặc sắc được hình thành từ lâu đời như nghề làm nước mắm, nghề làm khô, nghề nuôi cấy ngọc trai làm đồ mỹ nghệ. Với đặc tính là vùng biển đảo cùng với rừng núi và sự đa dạng về dân cư nên Phú Quốc có một nền văn hóa tâm linh khá phong phú đó là tục thờ “Bà Cậu”, tục thờ Cá Ông, cúng Đình. Các giá trị văn hóa bản địa mang lại sức hút mạnh mẽ đối với du khách khi đến với Phú Quốc và đây cũng là điều kiện khá lý tưởng cho sự phát triển loại hình du lịch sinh thái theo hướng bền vững.
Giải pháp phát triển bền vững du lịch sinh thái trên đảo Phú Quốc
Với quan điểm cần tập trung phát triển Du lịch Phú Quốc nhanh và bền vững, có trọng điểm; phát triển du lịch đồng bộ trong mối quan hệ liên ngành chặt chẽ; phát triển cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; phát triển du lịch kết hợp chặt chẽ với an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội; đặc biệt, phát triển Du lịch Phú Quốc theo hướng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển chất lượng cao, tương xứng với tiềm năng và vị thế của Phú Quốc, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Phát triển sản phẩm du lịch mới, du lịch gắn với cộng đồng: Việc đầu tư vào mô hình homestay cũng là hướng để Phú Quốc phát triển du lịch cộng đồng, để người dân có thể trực tiếp hưởng lợi từ du lịch. Để mô hình này hoạt động hiệu quả, rất cần sự liên kết hỗ trợ từ các công ty lữ hành.
Phát triển du lịch sinh thái các rạn san hô: Du lịch sinh thái ngầm luôn gắn liền với sự phát triển của các rạn san hô. Muốn phát triển tốt du lịch sinh thái ngầm thì phải đầu tư nghiên cứu bảo tồn rạn san hô, bảo vệ những loài sinh vật quý hiếm, bảo vệ tính đa dạng sinh học, giữ gìn sự cân bằng của hệ rạn san hô.
Để đưa rạn san hô vào khai thác du lịch sinh thái ở Phú Quốc thì phải đạt các tiêu chí sau: có sự đa dạng cao về loài của tất cả các nhóm sinh vật rạn, đặc biệt là san hô tạo rạn, cá san hô; san hô có độ phủ cao, kể cả san hô mềm và san hô sừng; có nhiều loài cá màu sặc sở, hình thù kỳ dị, các nhóm sinh vật đáy có mật độ cao, kích thước lớn.
Phát triển thị trường: Cần nghiên cứu nhu cầu của du khách trong và ngoài nước; đồng thời, hướng tới thị trường các quốc gia không có biển, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm du lịch biển, những quốc gia không có rừng để tạo ra sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Đầu tư: Kêu gọi, xây dựng chính sách phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trong nước và quốc tế.
Phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng đội ngũ có trình độ nghiệp vụ về hoạt động phát triển bền vững du lịch sinh thái, là nòng cốt cho phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn tiếp theo.
Quảng cáo - tiếp thị: Cần đẩy mạnh công tác quảng cáo, giới thiệu hình ảnh, điểm đến Phú Quốc tại thị trường trong nước và quốc tế thông qua các tờ rơi, pano, áp phích, video, các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông; thiết lập hệ thống văn phòng đại diện du lịch ở một số tỉnh, thành phố lớn trong nước và nước ngoài…
Bảo tồn tự nhiên và môi trường du lịch: Cần giáo dục môi trường thường xuyên trong hoạt động phát triển bền vững du lịch sinh thái ở Phú Quốc. Cùng với đó, sự tham gia của cộng đồng địa phương cũng là nội dung quan trọng trong việc phát triển du lịch sinh thái trên đảo Phú Quốc...
Tài liệu tham khảo
1. Trương Minh Chuẩn (2009), Nghiên cứu đặc điểm tài nguyên môi trường và cảnh quan địa lý trong việc phát triển bền vững du lịch sinh thái trên đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Luận án Tiến sĩ, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
2. Trương Minh Chuẩn (2009), Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang - tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái đảo Phú Quốc, Chuyên đề Luận án Tiến sĩ, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
3. Phạm Trung Lương (2002), Du lịch sinh thái, NXB Giáo dục.
4. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - Tổng cục Du lịch, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đảo Phú Quốc, thời kỳ 2006 - 2020.
|
ThS. Trần Thanh Thảo Uyên