Giải pháp đẩy mạnh hoạt động marketing trực tuyến trong kinh doanh du lịch
Thực trạng hoạt động marketing trực tuyến trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam
Marketing trực tuyến đã và đang ngày càng thu hút sự quan tâm của ngành Du lịch trong hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh điểm đến ở cấp quốc gia cũng như địa phương. Cho dù xúc tiến quảng bá hình ảnh điểm đến không trực tiếp song có vai trò gián tiếp quan trọng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh du lịch. Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở cấp trung ương và địa phương đều thành lập website du lịch và coi đây là hình thức marketing trực tuyến chủ yếu cho mục đích này.
Marketing trực tuyến đang ngày được chú trọng trong hoạt động kinh doanh du lịch ở Việt Nam bởi tính hiệu quả của hình thức marketing này mang lại. Các hình thức marketing trực tuyến chủ yếu trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam hiện nay, theo thứ tự phổ biến bao gồm: Display (chủ yếu bằng website), SEO & SEM và Email marketing. Các hình thức marketing trực tuyến khác như Mobile marketing và Content marketing còn được ứng dụng rất hạn chế trong thực tế hoạt động kinh doanh du lịch.
Cho dù hoạt động marketing trực tuyến trong hoạt động kinh doanh du lịch tại Việt Nam đã bắt đầu được chú trọng và đẩy mạnh, tuy nhiên hoạt động này còn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn và còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu được phân tích dựa trên những yếu tố ảnh hưởng đến mức độ sử dụng marketing trực tuyến: hệ thống chính sách của các địa phương có du lịch phát triển nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin với trọng tâm là môi trường mạng để phát triển hoạt động marketing trực tuyến du lịch còn rất hạn chế và thiếu đồng bộ; tình trạng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tại điểm đến du lịch khác nhau còn rất khác nhau, ảnh hưởng đến khả năng ứng dụng marketing trực tuyến của các doanh nghiệp du lịch ở các địa phương khác nhau; do hạn chế về nguồn lực, phần lớn các doanh nghiệp du lịch chưa chú trọng đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, khả năng kết nối, nguồn lực vật chất và nhân lực chuyên trách của doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động marketing trực tuyến trong hoạt động kinh doanh; năng lực của bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ marketing trực tuyến ở những doanh nghiệp du lịch có hoạt động này còn hạn chế về kỹ năng quản lý thông tin, khả năng làm chủ được công nghệ thông tin, khả năng sáng tạo về kinh doanh trên nền tảng công nghệ và khả năng xử lý thông tin để đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp du lịch.
Giải pháp đẩy mạnh hoạt động marketing trực tuyến trong kinh doanh du lịch
Nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là của các cấp quản lý về vai trò marketing trực tuyến trong kinh doanh du lịch
Để phát triển du lịch với tư cách là một ngành kinh tế, hoạt động marketing du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, sự nhìn nhận của xã hội, đặc biệt là của các nhà quản lý còn hạn chế. Vì vậy, đầu tư cho marketing du lịch nói chung và marketing trực tuyến nói riêng còn rất hạn chế cả về tổng vốn đầu tư lẫn các điều kiện để phát triển. Cho dù số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam tăng nhanh, song hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông còn hạn chế, ảnh hưởng đáng kể đến việc đẩy mạnh marketing trực tuyến trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Nhằm khắc phục tình trạng này, việc nâng cao nhận thức xã hội về marketing trực tuyến trong kinh doanh du lịch, đặc biệt là của các cấp quản lý là rất quan trọng bởi các doanh nghiệp du lịch không thể có năng lực đầu tư cho marketing điểm đến và phát triển hạ tầng công nghệ - viễn thông.
Đồng thời, cần chứng minh tính hiệu quả của marketing trực tuyến trong hoạt động kinh doanh du lịch thông qua các buổi tọa đàm, đối thoại giữa các nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch; thông qua các cuộc khảo sát thực tế ở những địa phương, các điểm đến trong khu vực nơi có ứng dụng rộng rãi marketing trực tuyến trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Giải pháp về chính sách
Cần có những chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp du lịch ứng dụng rộng rãi marketing trực tuyến trong hoạt động kinh doanh. Một số chính sách cần được chú trọng như: nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư cho hoạt động marketing nói chung và marketing trực tuyến nói riêng được cho phép trong tổng số vốn kinh doanh đầu vào của doanh nghiệp du lịch; ưu đãi về thuế đối với những doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển marketing trực tuyến trong hoạt động kinh doanh; cho vay ưu đãi với doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư phát triển marketing trực tuyến trong hoạt động kinh doanh; hỗ trợ đào tạo đội ngũ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ marketing trực tuyến trong hoạt động kinh doanh ở các doanh nghiệp du lịch.
Giải pháp về đầu tư
Đối với các trung tâm du lịch, các đô thị du lịch đã được xác định trong quy hoạch phát triển du lịch ở cấp quốc gia và địa phương, cần có kế hoạch đầu tư nâng cấp hoặc phát triển mới hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông. Ưu tiên đối với những nơi có du lịch phát triển. Vốn đầu tư cho mục đích này có thể nguồn vay ưu đãi, vốn ODA hoặc xã hội hóa.
Các doanh nghiệp du lịch cần có kế hoạch đầu tư phát triển marketing trực tuyến, đặc biệt chú trọng việc đầu tư phát triển những website du lịch có giao diện tốt và hiệu quả trên thiết bị di động với ba tiêu chí: thân thiện với giao diện di động, tốc độ của trang web nhanh, mức độ thuận tiện cao nhất cho khách hàng sử dụng.
Giải pháp về liên kết
Để có thể phát triển và ứng dụng có hiệu quả marketing trực tuyến trong hoạt động kinh doanh du lịch, cần chú trọng liên kết giữa doanh nghiệp du lịch, nhà cung cấp dịch vụ công nghệ viễn thông và nhà quản lý để có được lộ trình hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung trên địa bàn và nhu cầu tìm hiểu thông tin du lịch của thị trường tại điểm đến. Điểm quan trọng để hoạt động liên kết đi vào thực chất và có hiệu quả là việc xác định trách nhiệm đi kèm quyền lợi của các bên tham gia.
Việc thực hiện một số giải pháp trên sẽ cho phép đẩy mạnh hơn việc ứng dụng có hiệu quả hoạt động marketing trực tuyến trong hoạt động kinh doanh du lịch ở Việt Nam, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 như tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tài liệu tham khảo
1. Xuân Lan (2017). Người Việt tìm kiếm thông tin du lịch qua smartphone nhiều gấp đôi người Mỹ, Báo Viettimes.vn. Truy xuất từ http://viettimes.vn/ 119474.html
2. Phạm Trung Lương (2016). Marketing du lịch với phát triển du lịch bền vững. Tài liệu giảng lớp QLNN về du lịch, tháng 8/2016.
3. Vũ Thanh Tùng (2016). Chiến lược Digital Marketing của Cocacola & Pepsi - bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo Quốc tế đại học Đà Nẵng “Marketing in the connected age”. Tháng 3 năm 2016…
|
ThS. Phan Thị Hải Yến