Những lợi thế trong phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La
Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La là khu vực tập trung số lượng lớn nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn độc đáo, có chất lượng cao như: công trình thủy điện Sơn La, cầu Pá Uôn, nhà máy thủy điện Nậm Giôn...; các kỳ quan tự nhiên độc nhất vô nhị: khu vực lòng hồ thuộc địa phận huyện Mường La giống như vùng Biển Hồ mênh mông sóng nước và ngút ngàn nắng gió, khu vực lòng hồ thuộc địa phận thị trấn Quỳnh Nhai kéo dài đến tỉnh Điện Biên được ví như vịnh Hạ Long trên núi...; hệ sinh thái bán sông nước độc đáo, riêng có với quần thể sinh học đặc trưng mà đa dạng; bề dày lịch sử và văn hóa độc đáo. Tất cả đã tạo nên cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp, mang lại những sản phẩm du lịch hấp dẫn có tính cạnh tranh cao trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Tài nguyên du lịch phong phú đa dạng của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La sẽ là tiền đề thuận lợi để phát triển du lịch tham quan, ngắm cảnh, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch nghiên cứu khảo sát khoa học, tìm hiểu về hệ sinh thái và lịch sử, văn hóa của các dân tộc bản địa và cả du lịch truyền thống với việc thưởng ngoạn, trải nghiệm văn hóa, cuộc sống, ẩm thực của người dân tộc bản địa.
Những hạn chế trong phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La
Điều kiện giao thông khó khăn
Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La chủ yếu liên kết với các tỉnh trong khu vực bằng đường bộ và đường thủy. Tuy nhiên, phương tiện vận tải cũng như tuyến giao thông vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đều chưa được quy hoạch và quản lý một cách khoa học, thống nhất, gây ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả khai thác du lịch vùng lòng hồ.
Hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch thiếu và yếu
Sự đầu tư thiếu đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch dẫn đến kết nối giữa du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và thị trường nguồn khách hết sức khó khăn. Ngoài ra, sự đơn điệu, nghèo nàn, lạc hậu, kém vệ sinh của các cơ sở lưu trú, ăn uống và các dịch vụ khác ở khu vực vùng lòng hồ thủy điện Sơn La cũng gây khó khăn trong việc kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao mức chi tiêu của khách du lịch, và thu hút khách du lịch.
Chất lượng dịch vụ kém, sản phẩm du lịch không bền vững
Khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La hầu như chưa có một điểm du lịch, điểm vui chơi giải trí hay một khu du lịch được quy hoạch, xây dựng và quản lý một cách hoàn chỉnh và quy củ. Hoạt động du lịch chủ yếu dừng ở tham quan nhà máy thủy điện Sơn La, lòng hồ thủy điện Sơn La, cầu Pá Uôn, tắm suối nước nóng và tham dự lễ hội đua thuyền. Hiện tượng bê tông hóa, đô thị hóa ở các làng bản ven hồ thủy điện Sơn La ngày càng phổ biến, không chỉ phá hỏng cảnh quan kiến trúc làng bản truyền thống, mà còn làm mai một bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc. Vì vậy, các sản phẩm du lịch còn thiếu những sản phẩm đặc sắc mang bản sắc riêng, khó cạnh tranh.
Sức ép cạnh tranh của các khu du lịch khác trong khu vực Tây Bắc
Hiện nay khi du lịch ở một số vùng lòng hồ ở trong nước như hồ thủy điện Hòa Bình, hồ Đại Lải, hồ Ba Bể... đã được khai thác trong thời gian khá dài, đã định vị được thương hiệu trên thị trường du lịch trong và ngoài nước, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế xã hội nhất định, thì du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La vẫn đang ở giai đoạn quy hoạch và định hướng phát triển; số lượng khách du lịch, hình ảnh điểm đến và sức ảnh hưởng trên thị trường du lịch vẫn còn hạn chế, trong khi năng lực đầu tư có hạn.
Mặt khác, do nguồn tài nguyên du lịch có nhiều điểm tương đồng, nên các sản phẩm du lịch của khu vực phụ cận vùng lòng hồ thủy điện Sơn La sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các điểm đến truyền thống của du lịch miền núi Tây Bắc như Mộc Châu, Mù Căng Chải, Sapa, Điện Biên Phủ...
Ngoài ra, tuy nằm ở vị trí trung tâm khu vực Tây Bắc nhưng vị trí địa lý của tỉnh Sơn La nói chung và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La nói riêng tương đối cách biệt và cách xa các thị trường nguồn khách lớn trong khu vực. Khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La không nằm trên các tuyến du lịch chính, thậm chí chỉ là một điểm dừng chân trên các tuyến du lịch theo quốc lộ 6 và quốc lộ 279 kết nối tỉnh Sơn La với các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Điều này, không chỉ hạn chế sự phát triển và mở rộng thị trường du lịch mà còn là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến hiện tượng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Du lịch.
Một số kiến nghị về giải pháp khai thác du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La
Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La có tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, nhưng đến nay vẫn nằm ở dạng tiềm năng. Dù cho du lịch hứa hẹn sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường to lớn, nhưng trước mắt, cuộc sống của người dân sống quanh vùng lòng hồ vẫn hết sức khó khăn. Một số giải pháp đề xuất dưới đây nhằm khai thác và phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường của du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.
Thứ nhất, tập trung mọi nguồn lực xây dựng và phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.
Thứ hai, quy hoạch khai thác tài nguyên du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và vùng phụ cận một cách thống nhất và khoa học.
Thứ ba, ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, đào tạo nhân lực và thu hút nhân tài trong ngành Du lịch cho vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.
Thứ tư, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La với thị trường du lịch trong và ngoài nước.
Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, nếu được khai thác hợp lý và khoa học, sẽ mang lại những sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường du lịch trong nước và quốc tế, từ đó xây dựng và định vị thương hiệu du lịch vùng lòng hồ nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội và môi trường khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La phát triển toàn diện.
Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La nằm trên địa phận các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La thuộc tỉnh Sơn La, thị xã Mường Lay thuộc tỉnh Điện Biên và huyện Sìn Hồ thuộc tỉnh Lai Châu, với diện tích lưu vực là 43.760km² và dung tích hồ chứa 9,26 tỷ m³. Với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên cũng như tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, độc đáo, nếu được đầu tư khai thác bài bản và toàn diện, vùng lòng hồ thủy điện Sơn La hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn trên tuyến du lịch khám phá thiên nhiên và con người khu vực Tây Bắc bộ nói chung và tham quan bộ ba công trình thủy điện thế kỷ trên sông Đà: Thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu nói riêng. |
TS. Trần Hạnh Nguyên
Lê Thị Thu Hòa