Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long
Tuy nhiên, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp nước ta mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống của du khách ở mức đơn giản. Phần lớn hoạt động du lịch nông nghiệp hiện nay ở nước ta nói chung và tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp hoặc chưa quan tâm hoặc không đặt mục tiêu sản xuất gắn với phát triển du lịch. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao.
Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long
Tiểu vùng duyên hải phía Đông nói riêng và ĐBSCL nói chung là vùng nông nghiệp lớn nhất và là một trong 7 vùng du lịch của Việt Nam. Nơi đây được coi là “vựa lúa”, “vựa tôm cá” và “vựa trái cây” của cả nước. Hơn nữa, cảnh quan sông nước hiền hòa, người dân thân thiện và mến khách cũng là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp. Hiện nay, ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh đã hình thành nhiều điểm du lịch nông nghiệp. Đến đây, du khách có thể vào vai người nông dân tự tay hái quả, làm vườn, được nghỉ ngay tại nhà dân và xung quanh là những vườn cây trái trĩu quả. Ngoài ra, du khách còn có dịp tham quan những làng nghề truyền thống, các lò bánh, lò gốm, hoặc đi thăm các chợ nổi truyền thống, trong đó có chợ nổi Cái Bè… Mô hình này đã bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực, tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân, kích thích sự sáng tạo trong các hoạt động kinh tế và kinh doanh ở khu vực nông thôn.
Loại hình du lịch nông nghiệp ở tiểu vùng duyên hải phía Đông ÐBSCL phát triển song song với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và đều gắn với nông nghiệp, nông thôn. Mỗi địa phương đã tận dụng tốt lợi thế so sánh để phát triển du lịch gắn với nền nông nghiệp bền vững, gắn với làng nghề truyền thống. Đó là các tour canh nông, tham quan vườn rau, hoa, trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tham quan các vườn cây ăn trái, làng nghề, làng hoa…
Dù hoạt động du lịch nông nghiệp của tiểu vùng duyên hải phía Đông ÐBSCL có cải thiện đáng kể, nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chính là do sản phẩm du lịch nông nghiệp ÐBSCL trùng lắp, chưa độc đáo, không đặc thù trong phát triển tour, tuyến... Khách đến và đi chủ yếu chỉ trong ngày, thời gian lưu trú ngắn, chi tiêu ít, khiến doanh thu thấp; cùng với đó, việc liên kết giữa các địa phương chưa thật sự chặt chẽ khiến tiềm năng du lịch của vùng chưa được khai thác xứng tầm.
Một số giải pháp để phát triển bền vững du lịch nông nghiệp ở tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long
Một là, phát triển các tour gắn với nông nghiệp. Trước mắt, vận động các cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương tổ chức triển khai một số mô hình, mở các tour, tuyến, điểm du lịch như tham quan vườn cây ăn trái, canh tác nông nghiệp, làng nghề truyền thống, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Tiền Giang, Bến Tre, Trà vinh và Vĩnh Long…
Hai là, lãnh đạo địa phương cần tăng tính liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp lữ hành; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch; có chính sách phát triển nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế du lịch cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp triển khai thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp; triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các mô hình du lịch nông nghiệp được lựa chọn, khuyến khích nông dân tham gia đi đôi với nâng cao chất lượng từng điểm du lịch theo mô hình này.
Ba là, xây dựng bộ tiêu chí cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt chuẩn mô hình phát triển du lịch gắn với nông nghiệp: giữ môi trường xanh, sạch, an ninh và an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm (không sử dụng hóa chất trong sản xuất). Muốn thực hiện điều này, các Sở, Ban, ngành có liên quan cần hướng dẫn cho các hộ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trở thành điểm đến tham quan của du khách. Ngoài ra, tạo điều kiện cho du khách tham gia cùng người nông dân thu hoạch, gieo trồng, chăm sóc cây trồng trên đồng ruộng là dịp để thư giãn, giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.
Bốn là, có giải pháp đào tạo và tập huấn cho người nông dân có những kiến thức cơ bản về du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Bên cạnh đó, để phát triển du lịch nông nghiệp, không thể thiếu được vai trò của các doanh nghiệp lữ hành nhằm tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp mới lạ, có sức hút, hình thành và xây dựng đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp cho chính người nông dân.
Năm là, khi phát triển du lịch canh nông, cần có ý thức tốt trong việc bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm phát triển mô hình du lịch gắn với phát triển nông nghiệp một cách bền vững, đồng thời, cần quan tâm khai thác những nguồn lực tài nguyên sẵn có của địa phương.
Sáu là, cần xây dựng một số sản phẩm du lịch gắn liền với nông nghiệp trên cơ sở khai thác những thế mạnh đặc trưng của từng địa phương của tiểu vùng trong không gian văn hóa chung, tránh trùng lắp hoặc sao chép từ các địa phương khác; tăng cường xây dựng hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất nông nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch về du lịch nông nghiệp và đào tạo kiến thức du lịch cho nông dân. Song song đó, kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, trang trại theo đúng tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường mở rộng thị trường và tuyên truyền quảng bá cho các chương trình du lịch nông thôn theo hướng bền vững.
Bảy là, xây dựng thương hiệu cho du lịch nông nghiệp tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL cần được đầu tư bài bản trên cơ sở đặc trưng vùng miền, theo mùa nông nghiệp, sản vật địa phương; xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp, tăng cường khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại hiệu quả để quảng bá du lịch nông nghiệp.
Tài liệu tham khảo
1. Dương Văn An (2018), Thêm một hướng đi mới của du lịch tỉnh Bình Thuận; http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=51926&print=true, truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2018.
2. Lê Huy Bá (2005), Du lịch sinh thái, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Đào Ngọc Cảnh (2016), Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, Hội nghị khoa học Địa lý toàn quốc lần thứ 9, tr.361-367.
4. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
5. Tổng cục Du lịch (2011), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Võ Văn Sơn
Phan Thị Khánh Đoan