Giải pháp phát triển với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam thời kỳ đại dịch Corona Virus
Các giải pháp ngắn hạn
Hạn chế khai thác các tour có điểm đến hoang dã và các loại hình du lịch đông người tập trung ở Việt Nam
Đại dịch Covid-19 có nguồn gốc từ chủng virut trong động vật hoang dã, do vậy những chương trình du lịch cung cấp cho khách của các doanh nghiệp như: các hang dơi (Hạ Long Bay); hang Dơi, chùa Mía (Hà Nội); các tour wildlife, eco tour cũng cần tránh tối đa khai thác và đưa vào các chương trình du lịch trong giai đoạn này để an toàn hơn cho du khách. Bên cạnh đó, các food tour và cooking tour cũng nên hạn chế trong giai đoạn này để tránh nguy cơ lây nhiễm từ thực phẩm tươi sống ở các vùng có khả năng lây nhiễm cao. Đặc thù Covid-19 dễ phát tán mạnh trong môi trường đông người, qua tiếp xúc giao tiếp nên cần tránh đưa khách tới những điểm du lịch đông người như thường niên ở Việt Nam như các đền, chùa, lễ hội… Doanh nghiệp cần tránh cho khách du lịch việc tập trung thành những đám đông bằng việc chia nhỏ các giờ phục vụ dịch vụ du lịch…
Có những biện pháp kiểm soát mạnh mẽ và xử phạt hữu hiệu hơn với hiện tượng đầu cơ, bán giá cao các dụng cụ phòng dịch cá nhân nơi công cộng cho du khách (nếu có thể phổ biến phát miễn phí cho khách mua tour)
Một trong những nguyên nhân làm giảm lượng khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam là tình trạng không ứng xử với khách du lịch một cách công bằng khi mua hàng hóa và khi đi du lịch ở Việt Nam. Những tình trạng như: chặt chém hàng hóa, bán phá giá, lừa đảo khách du lịch đã được quan tâm xử lý trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong thời gian đại dịch Covid-19 gần đây bùng phát, ở Việt Nam có tình trạng: nhiều cơ sở thu mua khẩu trang, nước rửa tay khô và tích trữ, sau đó độc quyền phân phối với giá cao gấp từ 5 đến 10 lần ngày thường. Phó Thủ tướng Việt Nam đã đề qua quy định niêm phong và xử phạt các cơ sở kinh doanh này, tuy nhiên trên thực tế tình trạng “đầu cơ bán phá giá các dụng cụ dự phòng y tế du lịch Corona” vẫn chưa thực sự được kiểm soát. Do nhu cầu mua của người dân và khách du lịch cao nên nhiều cửa hàng vẫn chui lủi duy trì tình trạng bán phá giá đó. Cơ quan hữu quan chỉ kiểm soát và phạt được một số ít cơ sở, còn lại tình trạng này vẫn “hoạt động bí mật”, gây tâm lý hoang mang, khó khăn cho người tiêu dùng và khách du lịch muốn mua những dụng cụ y tế phòng dịch Covid-19, tiêu biểu ở hai mặt hàng là: khẩu trang y tế dùng 1 lần và nước rửa tay khô ở Việt Nam hiện nay.
Các doanh nghiệp du lịch cần dự trữ và phát miễn phí cho du khách các dụng cụ như: cồn rửa tay 70 độ, xà phòng an toàn, nước rửa tay khô, găng tay, khẩu trang y tế theo ngày tour, giấy khô và giấy ướt y tế, thuốc hạ sốt, nước uống theo tour… Những dụng cụ y tế sơ cứu cơ bản này cần được đóng gói trong 1 túi y tế nhỏ cho từng cá nhân theo tour miễn phí, để tạo cảm giác an toàn và thoải mái cho khách du lịch ở Việt Nam.
Doanh nghiệp cần lựa chọn các nhà hàng và món ăn có nguồn gốc an toàn, các cơ sở lưu trú được kiểm định bởi các cơ sở y tế uy tín, vệ sinh an toàn
Theo bậc thang nhu cầu của Maslow, một trong những nhu cầu của khách du lịch là cảm giác được an toàn. Đối với đại dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện nay, con đường có thể lây lan qua ăn uống khi đi du lịch là rất cao. Do vậy, việc các doanh nghiệp chọn lọc hơn các nhà hàng và món ăn có nguồn gốc an toàn, được các cơ sở uy tín kiểm dịch đóng vai trò quan trọng.
Trong khi đặt các món ăn, dịch vụ ẩm thực cho chương trình du lịch của khách, điều hành tour và hướng dẫn viên cần chú ý hơn các món ăn có nguồn gốc động vật hoang dã được bày bán công khai ở Việt Nam; những côn trùng và động vật dễ gây dị ứng hay tác động tiêu cực đến sức khỏe của khách trong giai đoạn hiện nay để tránh sự lây nhiễm hay tác động tiêu cực đến cảm nhận của khách như: thịt rùa, trứng vịt lộn, chim đồng, rươi, rắn, thịt chuột đồng… Các món rau tươi sống và cách chế biến tươi sống phổ biến của khách quốc tế như: salat, dưa chuột, trái cây, bò tái, sườn tái… cũng cần hạn chế và chắc chắn về nguồn gốc được kiểm định ở Việt Nam trong thời kì đại dịch hiện nay.
Khách du lịch quốc tế thường lựa chọn các điểm du lịch ở các bản làng xa, các điểm đến xa trung tâm thành phố nên nơi lưu trú của họ là trong các nhà sàn (Mai Châu), lều ngủ đêm (Cúc Phương, Ninh Bình) hay ở các vùng dân tộc thiểu số… Các doanh nghiệp, nhà điều hành du lịch cần chọn lựa các cơ sở lưu trú đảm bảo được các điều kiện an toàn vệ sinh nhất định. Bên cạnh đó, cũng cần yêu cầu vệ sinh bằng cồn các tay nắm cửa, thang máy và các dụng cụ cá nhân khách du lịch thường sử dụng tại các cơ sở lưu trú hơn để tránh việc lây lan Covid-19 cho du khách.
Xây dựng khung ứng xử doanh nghiệp với khách quốc tế thời kỳ đại dịch
Ở Việt Nam tháng 1/2020 có một lễ tân nhân viên khách sạn, qua tiếp xúc với 2 khách du lịch Trung Quốc nên đã bị nhiễm Covid-19, có kết quả xét nghiệm dương tính và bị cách ly điều trị. Từ đó cho thấy việc tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch của nhân viên ngành Du lịch, dù không phải là nhân viên thường xuyên trong tour (hướng dẫn viên du lịch) cũng có thể gây ra tình trạng lây nhiễm virut corona.
Trong du lịch, cách giao tiếp, tạo cảm giác thân thiện và hòa ái với khách du lịch là yếu tố tích cực cho du khách. Tuy nhiên, trong bối cảnh lây lan virut ngày càng nhiều hơn ở Việt Nam hiện nay, đòi hỏi các cung cách ứng xử này cần được giới hạn và thiết lập chung hơn. Để tránh lây lan cho các nhân viên ngành dịch vụ, du lịch, cần cung cấp thường xuyên và liên tục các khẩu trang y tế và dụng cụ phòng hộ khi giao tiếp với khách; tránh bắt tay, ôm hôn khách du lịch khi đón và tiễn với nhân viên phục vụ trực tiếp trong giai đoạn này. Cần duy trì khoảng cách an toàn với khách du lịch và khoảng cách xa hơn với những khách có các biểu hiện ho, sốt và mệt mỏi trong tour. Khi có khách du lịch có biểu hiện nghi ngờ corona, cần cách ly khách và đưa tới các cơ sở y tế kiểm dịch để xác minh và điều trị ngay; tránh tối đa việc lây lan trong cộng đồng.
Trong khung ứng xử ngành với các nhân viên trong ngành dịch vụ tại Việt Nam cũng cần bổ sung yêu cầu bắt buộc cơ bản như: ho, hắt xì hơi dùng khuỷu tay che miệng, mở cửa ra vào bằng khuỷu tay… Người có dấu hiệu sốt, ho và mệt mỏi được nghỉ để kiểm tra nguy cơ bệnh ngay rồi mới được quay trở lại làm việc; đo nhiệt độ cơ thể với các nhân viên trong ngành trước khi vào làm việc và sau khi ra về.
Hỗ trợ tối đa khách hàng và các nhà cung ứng hữu cơ trong du lịch trong trường hợp khách hủy tour và hủy dịch vụ đã đặt trước
Do lo ngại tác động của đại dịch Corona Vũ Hán, nhiều khách du lịch đã chủ động hủy tour, thậm chí chấp nhận mất toàn bộ tiền cọc hay tiền đã đóng cho các doanh nghiệp du lịch. Về lý và theo hợp đồng đã ký kết giữa doanh nghiệp với khách du lịch, doanh nghiệp không sai, tuy nhiên trong chiến lược lâu dài về việc “xây dựng thương hiệu doanh nghiệp du lịch thân thiện, vì khách hàng” việc làm này cũng ảnh hưởng nhất định đến tâm lý du khách, dù tác động do bối cảnh khách quan. Do vậy, các doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ tối đa cho khách hàng đã đặt tour và các cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan để xây dựng quan hệ phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên (Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist): Do sự lo lắng của khách hàng đã đặt tour đi Trung Quốc, công ty đã quyết định hủy toàn bộ tour đến Trung Quốc trong dịp Tết Canh Tý 2020. Khách hàng mua tour này được chuyển sang các tour khác có giá tương đương mà không phải chịu bất cứ khoản phí nào. Với những người không muốn đi tour, công ty sẽ hoàn trả chi phí sau khi tính toán các chi phí phát sinh với các đối tác.
Trên thực tế, ở Việt Nam hiện nay vẫn có nhiều vùng còn tương đối an toàn cho du lịch thời kỳ Covid-19 như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Ninh Thuận, Phú Quốc, Côn Đảo. Doanh nghiệp có thể tư vấn cho khách du lịch chọn những điểm du lịch này để thay đổi chương trình du lịch đã chọn trước đó.
Kiểm tra tình trạng sức khỏe của khách du lịch từ Trung Quốc và sẵn sàng các phương án chuyển tiếp theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện
Sau dịp tết Nguyên Đán, người Trung Quốc trở lại Việt Nam làm việc nên cũng đang có nhiều người Trung Quốc bị cách ly, theo dõi. Hàng năm, lượng khách Trung Quốc này đi du lịch nội địa khá đông, do vậy các công ty du lịch Việt Nam cần có các phương án kiểm tra tình trạng của họ và có các phương án dự phòng, ứng phó với tình trạng nghi bệnh Covid-19 ở họ.
Kêu gọi sáng kiến, cải tiến từ các nhân sự cụ thể của từng doanh nghiệp trong công ty để cùng vượt qua giai đoạn khủng hoảng chung
Đối sách phù hợp với từng doanh nghiệp du lịch, nhân sự trong doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Để phát huy sáng kiến, cải tiến hữu ích cho các doanh nghiệp vào từng mảng nghiệp vụ của mình, đòi hỏi các lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần có những cuộc họp thường xuyên và khẩn cấp; lãnh đạo cần khuyến khích các nhân sự thuộc các phòng ban khác nhau đề ra sáng kiến để phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng đại dịch…
Vệ sinh thường xuyên văn phòng và các dụng cụ văn phòng bằng các chất tẩy rửa y tế, vệ sinh an toàn
Lượng khách du lịch Việt Nam đang suy giảm nặng nề, tuy nhiên đây cũng là thời điểm tốt cho các văn phòng để thực hiện việc phòng dịch Covid-19. Do vậy, các doanh nghiệp cần tận dụng thời gian dọn vệ sinh và các dụng cụ văn phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cơ quan phòng dịch; để xây dựng hình ảnh doanh nghiệp đạt chuẩn cơ bản về vệ sinh, an toàn trong mắt du khách. Cần để ý các dụng cụ công cộng như: các nắm cửa, nút bấm thang máy, các máy tính cá nhân, thiết bị trong văn phòng… là các dụng cụ thường xuyên sử dụng; và nhắc lại công tác vệ sinh văn phòng này thường xuyên.
Thông báo và hướng dẫn khách du lịch quốc tế chuẩn bị tốt về tình trạng đại dịch ở Việt Nam trước khi vào Việt Nam
Đối với khách du lịch quốc tế inbound vào Việt Nam, họ vẫn có thể chưa có nhiều thông tin thực tế về tình hình bệnh Covid-19 và cách xử lý cụ thể ở Việt Nam khi mới đến du lịch, do vậy đối với các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam, việc thông tin trước với khách du lịch Việt Nam là cần thiết, để du khách có sự chuẩn bị trước, ứng phó kịp thời với tình hình y tế Covid-19 ở Việt Nam. Khi có tâm lý chuẩn bị trước, chuyến đi của họ sẽ trở lên an tâm và chuyên nghiệp hơn.
Các giải pháp chiến lược
Phát triển sản phẩm du lịch mới sau giai đoạn khủng hoảng
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đến tháng 2/2020, số lượng khách du lịch của Việt Nam đã giảm mạnh. Nhiều địa phương, lượng khách sụt giảm 20 - 30%, thậm chí có địa phương giảm tới 60 - 70% do dịch Covid-19. Trong bối cảnh khách quan này, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần có tầm nhìn chiến lược, phát triển các sản phẩm du lịch để phát triển và thu hồi vốn trong những giai đoạn tiếp theo, cụ thể là những giai đoạn nắng nóng hơn ở Việt Nam từ sau tháng 4 - khi Covid-19 suy yếu trên 25 độ.
Một số sản phẩm du lịch mới có thể tập trung phát triển, dựa trên ưu thế về tài nguyên du lịch Việt Nam như: sản phẩm du lịch biển (Nha Trang, Khánh Hòa, Phú Quốc), du lịch tâm linh (Chùa Hương, Chùa Dâu, Bút Tháp), du lịch văn hóa (Bắc Ninh, Ninh Bình), du lịch sự kiện (thể thao, văn hóa…), du lịch khám phá và trải nghiệm thiên nhiên (SaPa, Y Tý, Phan Thiết…)
Nâng cao chất lượng nhân sự trong thời kỳ khủng hoảng
Trong giai đoạn khách du lịch hạn chế đi du lịch Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp cần nâng cao chiến lược phát triển nhân sự cho doanh nghiệp mình. Do vậy, người đứng đầu các doanh nghiệp cần có sự phân loại nhân sự dựa trên năng lực và nguyện vọng công tác của nhân sự và chiến lược phát triển của doanh nghiệp để sau thời kỳ khủng hoảng do đại dịch này, doanh nghiệp đã có sẵn các bước đà để phát triển trở lại nhanh hơn, sẵn sàng và có những kết quả cao hơn.
Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp an toàn, thân thiện và chuyên nghiệp
Đặc thù của Covid-19 là sẽ suy yếu khi ở nhiệt độ cao. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8, trong dịp hè ở Việt Nam, khí hậu rất nắng nóng nên vi rút sẽ bị suy yếu và chết… cũng sẽ là thời gian phục hồi doanh thu cho các doanh nghiệp du lịch. Do vậy trong giai đoạn vắng khách này, các doanh nghiệp có thời gian để xây dựng các giải pháp dài hơi như: nâng cao trình độ nhân sự theo chuẩn nghề chung quốc tế, vệ sinh văn phòng, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp an toàn, chuyên nghiệp; phát triển các sản phẩm và sự sẵn sàng đón tiếp, phục vụ của doanh nghiệp trong thời kỳ tới.
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành Du lịch do vấn đề đại dịch toàn cầu: Covid-19 Vũ Hán, việc đề ra một chính sách triệt để, có tính chất kích cầu tối ưu về kinh tế du lịch hay cho sự hài lòng, an toàn tuyệt đối cho du khách là không thể. Tuy nhiên, chúng ta cần có thái độ lạc quan, đúng đắn; hiểu biết về Covid-19 để giảm thiểu những rủi ro không đáng có, để đảm bảo một lượng khách yêu du lịch vẫn có thể tiếp tục mong muốn trải nghiệm của mình trong sự an toàn và một chiến lược phát triển nhất định cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong một tương lai không xa, sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh Corona Vũ Hán này.
Tài liệu tham khảo:
1. http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/30905 truy cập ngày 4/2/2020
2. http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/tags/chua-Huong
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2018), Báo cáo tổng kết tổ chức năm du lịch quốc gia
TS. Đỗ Hải Yến
TS. Nguyễn Thị Ngọc Anh