Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp huyện Lâm Bình trong cách mạng công nghiệp 4.0
Tiềm năng phát triển du lịch và du lịch nông nghiệp tại huyện Lâm Bình
Huyện Lâm Bình nằm ở phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, cách thành phố Hà Nội khoảng 280km, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 120km; cách cao nguyên đá Hà Giang khoảng 150km; cách hồ Ba Bể, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn khoảng 130km và cách hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên 180km.
Huyện có trên 12 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số (Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn và các dân tộc khác) chiếm trên 95%. Đặc biệt, tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, có người Thủy (Mông Nước) hiện còn 54 hộ, 105 khẩu, là tộc người ở nước ta sinh sống duy nhất tại địa phương. Hiện nay, dân tộc Thủy có tiếng nói, trang phục, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, nguồn gốc riêng biệt.
Các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện cơ bản còn giữ nguyên vẹn được những nét văn hóa truyền thống, đa dạng, đậm đà bản sắc của mỗi dân tộc, như: tiếng nói, phong tục cưới, hỏi, ma chay; kiến trúc nhà ở (nhà sàn của người Tày, nhà đất của người Dao, Pà Thẻn, nhà trình tường của người Mông…); trang phục, lễ hội (Lễ hội Lồng Tồng, xuống đồng của người Tày; Lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn); các làn điệu dân ca: hát then, hát páo dung, hát cọi, múa khèn… Nhiều làng nghề tryền thống: trồng bông, dệt thổ cẩm, đan lát mây, tre, giang, sản xuất gạch không nung… Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, Lâm Bình còn được thiên nhiên ban tặng với nguồn tài nguyên thiên nhiên rất đa dạng và phong phú. Trên địa bàn huyện có rất nhiều khu vực được các dãy núi đá vôi trùng điệp bao quanh những thung lũng rộng lớn, rất kỳ vĩ. Đặc biệt, có hồ Na Hang với diện tích trên 8.000ha, quanh hồ là những dãy núi đá vôi xen kẽ rừng nguyên sinh, kết hợp với hệ thống hang động, những thác nước cao và có nhiều động, thực vật quý hiếm sinh sống, như: pơ mu, thông tre, thông đỏ, trai lý, lan kim tuyến, cây một lá, thất diệp nhất chi hoa, voọc đen má trắng, lợn rừng, mèo rừng, cu li, cá dầm xanh, cá anh vũ, cá lăng, cá tầm… Đây sẽ là cơ hội lớn để Du lịch Lâm Bình phát triển.
Có thể nói, Lâm Bình là vùng đất có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước, hòa quyện cùng bản sắc văn hóa, phương thức canh tác độc đáo, nông sản đa dạng… đã tạo cho địa phương các thế mạnh để phát triển du lịch, nhất là du lịch nông nghiệp.
Thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp của huyện Lâm Bình
Để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số trên nguyên tắc phát huy, bảo tồn và bền vững những giá trị thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc, chính quyền và nhân dân Lâm Bình nói riêng và Tuyên Quang nói chung luôn xác định những tiềm năng của địa phương là một lợi thế để phát triển du lịch và ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ nhu cầu du lịch. Theo đó, ngành khuyến khích các địa phương, tổ chức, cá nhân chủ động xây dựng, quản lý nhãn hiệu sản phẩm, hình thành nên thương hiệu riêng. Đây chính là bước đi hiệu quả để mỗi địa phương định hình phong cách, bản sắc du lịch.
Huyện Lâm Bình có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề khai thác phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp. Trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nông nghiệp, nhiều sản phẩm du lịch được tạo ra từ sản xuất nông nghiệp có sức thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Các tour tham quan cánh đồng chè, cánh đồng bông, trang trại (lợn đen, lợn tên lửa)…, tham gia sản xuất cùng nông dân trồng và thu hoạch rau (giảo cổ lam, bò khai, ngót rừng) và một số cây dược liệu, tổ chức tham quan các làng nghề truyền thống, sử dụng dịch vụ homestay và thưởng thức các món ăn ngon (bánh trứng kiến, thịt gác bếp, nộm da trâu, mắm cá ruộng, cá chua) ở Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà… được đầu tư phát triển và ngày càng hấp dẫn du khách. Mô hình này đã mang lại những tín hiệu tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, cải thiện môi trường sinh thái, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Thời gian qua, huyện Lâm Bình đã đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và sản phẩm du lịch của huyện trên các trang mạng xã hội, trang website Du lịch Lâm Bình, Cổng thông tin điện tử Lâm Bình… qua đó đã thu hút đông đảo khách du lịch đến với Lâm Bình tham quan, trải nghiệm.
Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nhưng huyện Lâm Bình vẫn chưa thể khai thác hết “mỏ vàng” nhiều tiềm năng và vị trí của mình. Nguyên nhân là hoạt động du lịch nông nghiệp của Lâm Bình vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đơn điệu, trùng lặp; sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn và chưa được chú trọng về thương hiệu. Các hộ gia đình vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp mà chưa có đủ các kỹ năng phục vụ du lịch. Phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản mà chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách qua khai thác các dịch vụ bổ trợ khác. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp cũng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nhiều nơi thậm chí không có nhà vệ sinh. Thêm nữa, tính liên kết giữa điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành còn hạn chế, dẫn tới khả năng thu hút khách chưa cao.
Một số giải pháp để phát triển bền vững du lịch nông nghiệp huyện Lâm Bình
Huyện Lâm Bình có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nông sản đa dạng, phương thức sản xuất đặc sắc, cư dân chất phác, hiếu khách, ẩm thực ngon, thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch nông nghiệp kết hợp sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Những tiềm năng này phải biến thành sản phẩm thực tế để thu hút du lịch thì mới tăng nguồn thu cho du lịch. Để phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, Tuyên Quang nói chung và huyện Lâm Bình nói riêng cần triển khai, đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, xác định các thế mạnh trọng tâm, xây dựng quy hoạch chi tiết du lịch nông nghiệp, phát huy lợi thế sản phẩm truyền thống đặc trưng địa phương; kiểm soát được đầu vào và đầu ra của sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đảm bảo sự hài lòng và đáp ứng được sự mong đợi của du khách; phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hai là, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp từ ngân sách nhà nước và cộng đồng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt tiêu chuẩn.
Ba là, nâng cao việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp dựa trên việc mở rộng các loại hình đào tạo, mở các lớp tập huấn ngắn hạn, kết hợp với việc học hỏi và phổ biến kinh nghiệm về phát triển du lịch nông nghiệp trong nước và thế giới cho các nông hộ, chủ trang trại tham gia làm du lịch.
Bốn là, nâng cao chất lượng và phát triển đa dạng hơn nữa các sản phẩm du lịch nông nghiệp; kết hợp các loại hình du lịch gắn liền với hệ sinh thái, văn hóa và tín ngưỡng; xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù, tạo lợi thế so sánh của huyện Lâm Bình nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung so với các địa phương khác.
Năm là, để du lịch nông nghiệp phát triển bền vững cần phải có sự gắn kết với du lịch cộng đồng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp làm du lịch và cộng đồng dân cư tham gia vào chuỗi giá trị của chương trình; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch mở nhiều phòng trưng bày bán sản phẩm làng nghề, sản vật địa phương đã được chọn lọc, sáng tạo thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách nội địa và quốc tế.
Sáu là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế và hệ thống chính sách cũng như các ưu đãi nhằm thu hút hơn nữa việc đầu tư vào phát triển du lịch nông nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đẩy mạnh việc quảng bá xúc tiến du lịch nông nghiệp.
Bảy là, xây dựng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới trong phát triển nông nghiệp hiện đại như: công nghệ nhà kính, nhà lưới, công nghệ sinh học, công nghệ thủy canh, tự động hóa, công nghệ robot và nano; ứng dụng di động trong cung cấp thông tin về thời tiết, nông học, phát triển thị trường, kiểm soát giá cả, thanh toán.
Tám là, áp dụng đúng quy trình VietGAP, GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương, ứng dụng công nghệ cao ở tất cả các khâu, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, tính năng vượt trội, thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, xây dựng các khu tập trung xử lý rác thải và các bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, các phế thải trong sản xuất và xử lý theo quy trình. Hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, tăng cường sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc (thuốc trừ sâu sinh học, thuốc trừ sâu vi sinh).
Chín là, để du lịch nông nghiệp phát triển bền vững thì rất cần sự chung tay góp sức của doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học; sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và những quyết sách mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn mới, tạo cho du lịch nông nghiệp có không gian hoạt động và phát triển bền vững. Xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp, tăng cường khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại hiệu quả để quảng bá và thu hút đầu tư du lịch nông nghiệp.
Mười là, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các cấp, các ngành, xác định phát triển du lịch nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Mười một là, phát triển du lịch nông nghiệp cần hài hòa với xây dựng nông thôn mới; coi trọng lợi ích của người dân, của cộng đồng. Khi phát triển du lịch nông nghiệp, chính quyền địa phương cần quan tâm xem xét đến các yếu tố cốt lõi như yếu tố cộng đồng, bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc; quan tâm đến hiệu quả kinh tế, tuân thủ các quy luật của thị trường với tư cách là một ngành kinh tế gắn với các lợi ích về xã hội và môi trường.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Văn Minh (2009), Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.
2. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
3. Tổng cục Du lịch (2012), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Trần Thị Phương Thùy
Võ Văn Sơn