Khái niệm về tích hợp và dạy học tích hợp
Hiểu một cách khái quát nhất, tích hợp được hiểu là: sự tích lũy, sự hợp nhất, sự nhất thể hóa kết tạo thành đối tượng mới. Như vậy, có thể thấy tích hợp là một nguyên tắc của sự phát triển và cấu trúc các khoa học. Nguyên tắc này cũng chi phối quá trình đào tạo từ việc phát triển chương trình tới tổ chức thực hiện và kiểm tra đánh giá thành tích học tập của người học trong quá trình đào tạo.
Nguyên tắc tích hợp được thể hiện ngay trong xây dựng các chương trình đào tạo. Có các kiểu chương trình tích hợp sau:
Tích hợp đa môn (Multidisciplinary Integration): Các cách tiếp cận tích hợp đa môn tập trung trước hết vào các môn học. Các môn liên quan với nhau có chung một định hướng về nội dung và phương pháp dạy học nhưng mỗi môn lại có một chương trình riêng.
Tích hợp liên môn (Interdiciplinary In tegration): Tích hợp liên môn còn được hiểu như là phương án trong đó nhiều môn học liên quan được kết lại thành một môn học mới với một hệ thống những chủ đề nhất định xuyên suốt qua nhiều cấp lớp.
Tích hợp xuyên môn (Transdiciplinary Integration): Trong cách tiếp cận tích hợp xuyên môn, giáo viên tổ chức chương trình học tập xoay quanh các vấn đề và quan tâm của người học.
Vậy dạy tích hợp là gì?
Dạy học tích hợp các khoa học được UNESCO định nghĩa: là một cách trình bày các khái niệm và các nguyên lý khoa học, tránh nhấn quá mạnh hoặc quá sớm sự sai khác giữa các lĩnh vực khoa học khác nhau.
Theo Dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam: “Dạy tích hợp là quá trình dạy học mà ở đó các nội dung, hoạt động dạy kiến thức - kỹ năng - thái độ được tích hợp với nhau trong cùng một nội dung và hoạt động dạy học để hình thành và phát triển năng lực thực hiện hoạt động nghề nghiệp cho người học”.
Một số chú ý trong các khái niệm trên đây, đó là cách nhìn tổng thể về cấu trúc liên ngành của nội dung đào tạo để cấu trúc chương trình; mục tiêu đào tạo phải hướng tới là hình thành các năng lực thực hiện cho người học.
Mục đích của dạy học tích hợp
Dạy học tích hợp trong đào tạo đại học
Trên thế giới, dạy tích hợp trong lĩnh vực ứng dụng và thực hành được thực hiện từ rất lâu và trong vòng 5 năm trở lại đây giáo dục Việt Nam đã đưa vào áp dụng ở các cấp độ học tập, tuy nhiên đến nay dạy học tích hợp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ít được nghiên cứu.
Dạy học tích hợp trong đào tạo theo hướng ứng dụng/thực hành ở cấp độ đại học cũng có những dấu hiệu bản chất như dạy học tích hợp ở các bậc đào tạo khác vì đối tượng nhận thức của người học cũng là nội dung các khoa học, sự hình thành năng lực và phát triển toàn diện của người học cũng tuân theo quy luật tích hợp. Do vậy, dạy học tích hợp trong đào tạo theo hướng ứng dụng/thực hành phải là một nguyên tắc cơ bản chỉ đạo quá trình đào tạo.
Một số quan niệm cho rằng: dạy học tích hợp là dạy lí thuyết kết hợp với dạy thực hành, lí thuyết chuyên môn cần đến đâu cung cấp đến đó, thực hành được tiến hành ngay; dạy lý thuyết và thực hành trong cùng một không gian, thời gian...
Có thể nói, dạy học tích hợp trong đào tạo theo hướng ứng dụng/thực hành là dạy học định hướng vào mục tiêu hình thành năng lực thực hiện cho người học, đảm bảo sự vận dụng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết trong các hoạt động để giải quyết các nhiệm vụ học tập (công việc) mang tính dự án.
Theo quan điểm của chúng tôi, trong đào tạo theo hướng ứng dụng/thực hành có các mức độ của dạy học tích hợp như sau: tích hợp theo mô-đun, tiến độ dạy có thể dạy - học toàn bộ lý thuyết trước tiếp sau là thực hành; tích hợp theo bài, lý thuyết dạy - học trước, thực hành dạy sau khi học xong toàn bộ lý thuyết của bài; mức độ 3 là tích hợp theo từng bước công việc, trong đó kiến thức và kỹ năng thực hành được dạy học tích hợp trong từng bước công việc.
Mặt khác, quan điểm sư phạm tích hợp không những có thể vận dụng đối với các bài tích hợp trong các mô-đun năng lực mà còn có thể thể hiện trong các bài lý thuyết và bài thực hành nói riêng. Cách hiểu này tránh được sự hạn chế trong nhận thức của một số giáo viên về sư phạm tích hợp.
Dạy - học các mô đun năng lực thực hiện đòi hỏi phải tích hợp được lý thuyết và thực hành trong quá trình tổ chức dạy học, tích hợp được các miền mục tiêu, nội dung học tập. Trong thực tế, giáo viên đang thử nghiệm theo những cách hiểu riêng với những mức độ cụ thể khác nhau về tích hợp như là sự liên hệ, sự phối hợp, sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.
Các bài thực hành theo phương thức truyền thống trước đây phần lý thuyết chuyên môn được thực hiện như một bài dạy lý thuyết riêng tách biệt trong kế hoạch đào tạo/kế hoạch dạy học. Phương thức này dẫn tới hạn chế là: phần lý thuyết chuyên môn thiếu sự gắn kết liên hệ với bài thực hành, khó khăn trong thể hiện nguyên lý thống nhất giữa lý thuyết với thực hành và tính chất tích hợp của nội dung đào tạo vốn là một đòi hỏi của đào tạo nghề để nâng cao chất lượng dạy và học. Thể hiện quan điểm sư phạm tích hợp trong đào tạo nghề tránh được hạn chế này.
Như vậy có thể thấy, dạy học tích hợp trong quá trình tổ chức dạy học các bài trong mô đun năng lực thực hiện là sự gắn kết giữa dạy học lý thuyết chuyên môn ứng dụng (bài dạy lý thuyết) với hướng dẫn thực hành của giáo viên và luyện tập của học sinh nhằm hình thành năng lực hoạt động nghề nhất định.
Mặt khác, sự hình thành năng lực thực hiện căn bản phải dựa trên các hoạt động học tập của người học để giải quyết nhiệm vụ học tập (công việc) nên quá trình dạy học được thực hiện theo quan điểm dạy học định hướng năng lực thực hiện, lấy người học làm trung tâm, trong đó vận dụng các phương pháp dạy học phức hợp là chủ yếu.
Các bước của quá trình dạy học định hướng năng lực là những gợi ý cho giáo viên hoạch định chi tiết kế hoạch dạy học theo mẫu giáo án tích hợp mà Dự án phát triển đào tạo viên VTOS đã triển khai trong Dự án phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam ERTS 2006 - 2013.
Cấu trúc của giáo án tích hợp được xây dựng trên cơ sở cấu trúc dạy học định hướng năng lực thực hiện, cấu trúc giải quyết vấn đề. Các phương pháp dạy học phù hợp với bài giảng tích hợp là kiểu phương pháp phức hợp như: phương pháp tình huống, phương pháp làm việc trong và bằng dự án, phương pháp bốn giai đoạn, phương pháp sử dụng phiếu hướng dẫn.
Thiết kế bài giảng theo quan điểm dạy tích hợp
Như trên đã phân tích, vận dụng dạy học quan điểm dạy học tích hợp trong đào tạo theo hướng ứng dụng/thực hành là một đòi hỏi khách quan xuất phát từ cấu trúc chương trình, mục tiêu đào tạo là năng lực thực hiện và sự phát triển toàn diện của người học, nguyên tắc cấu trúc của các khoa học đồng thời là quy luật của lĩnh hội và hình thành năng lực cũng như các phẩm chất của nhân cách. Tuy nhiên có những biện pháp nào để thực hiện?
Thứ nhất đó là khâu lập kế hoạch dạy học các môn học chung và các mô-đun năng lực thực hiện đảm bảo mối liên hệ giữa chúng theo sơ đồ được mô tả trong chương trình đào tạo.
Tiến hành nghiên cứu sơ đồ phân tích nghề để thấy được những kiến thức, kỹ năng và các phẩm chất người học cần có để phối hợp giải quyết nhiệm vụ học tập, xác định chuẩn năng lực tương ứng với công việc, yêu cầu ở mỗi bước công việc để xây dựng các phương án và phương tiện kiểm tra đánh giá.
Việc hình thành năng lực thực hiện đòi hỏi các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho việc lên lớp lý thuyết và hướng dẫn thực hành phải đủ và thuật lợi cho việc triển khai ý đồ phương pháp như học tập theo nhóm, học tập theo hình thức cá nhân, dạy học bằng sử dụng phiếu hướng dẫn và dạy học bằng dự án... Số lần luyện tập phải đủ để người học thực hiện hoạt động đến mức độ tự tin trong các tình huống thực.
Đa dạng hóa các kênh thông tin đặc biệt là sử dụng đa phương tiện trong truyền thông dạy học.
Áp dụng các phương pháp dạy học định hướng vào tính tích cực của học sinh như: dạy học nêu và giải quyết vấn đề, dạy học bằng tình huống điển hình, dạy học bằng dự án và học tập theo nhóm...
Cấu trúc bài giảng cần có sự linh hoạt và hài hòa, xen kẽ với các tình huống nhận thức mới là các tình huống củng cố, vận dụng để nâng cao sự chú ý tích cực và hình thành năng lực thực hiện cho học sinh.
Vận dụng quan điểm dạy học định hướng năng lực thực hiện trong xây dựng cấu trúc các bước lên lớp và trong hoạt động phương pháp.
Nhiều nghiên cứu và thực tế giáo dục trên thế giới đã chỉ ra rằng, có rất nhiều phương thức dạy học khác nhau để đạt được mục tiêu giáo dục đề ra trong đó dạy học tích hợp là phương thức dạy học duy nhất có thể đạt được mục tiêu giáo dục là phát triển năng lực cho người học nhằm phục vụ cho các quá trình học tập sau này hoặc giúp người học hòa nhập vào cuộc sống lao động. Như vậy, để dạy học tích hợp thành công chúng ta phải vận dụng quan điểm tích hợp từ khâu xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa đến khâu tổ chức dạy học (nhất là lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức dạy học) đưa học sinh vào trong những tình huống thực để các em tìm tòi và tự phát hiện, giải quyết vấn đề qua đó phát triển năng lực vận dụng kiến thức cho các em. Và một khi phương pháp tích hợp được sử dụng đúng nghĩa của nó năng lực của người học nhất định sẽ được tăng cường bởi lẽ năng lực đó đã được thực hành, củng cố, tôi luyện và luôn được sự hỗ trợ từ giảng viên.
Trong thời buổi cạnh tranh giáo dục rất quyết liệt hiện nay, chất lượng đào tạo luôn là yếu tố quyết định sự thành bại của nhà trường. Thực tế này đòi hỏi các trường phải đổi mới quá trình đào tạo nhằm phát triển năng lực của người học và đáp ứng nhu cầu xã hội về chất lượng nguồn nhân lực. Trong bối cảnh chung đó, Trường Đại học Đại Nam đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường và đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó phương pháp dạy học tích hợp đã được nhà trường áp dụng và đạt được những hiệu quả tích cực.
Tài liệu tham khảo
1. Hà Thị Lan Hương, Xu hướng tích hợp trong xây dựng chương trình các môn khoa học tự nhiên của các nước trên thế giới và khả năng áp dụng vào thực tiễn giáo dục Việt Nam. Tạp chí Giáo dục và xã hội. Số 29 (90), tháng 8 năm 2013, tr.44-47.
2. Karen Lawson, The Trainer’s handbook, 2nd Edition, Pfeiffer, 2006…
Trần Sỹ Nguyên
(Khoa Du lịch - Trường Đại học Đại Nam)