Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: Là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, Du lịch Việt Nam gần 2 năm qua đã vô cùng khó khăn để tồn tại nhưng luôn sẵn sàng vươn lên khi có điều kiện để khôi phục lại ngành kinh tế đang được cả xã hội kỳ vọng. Từ đầu năm 2020 đến nay đã 4 lần dịch COVI-19 bùng phát nhưng vẫn có hàng loạt chương trình kích cầu du lịch mỗi khi dịch được kiểm soát, thể hiện sự quyết tâm cao của những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh này đòi hỏi ngành Du lịch phải thay đổi. Khái niệm “du lịch an toàn” đã xuất hiện, tuy không phải là mới, nhưng nội dung lại hoàn toàn mới. Yếu tố an toàn đã trở thành một yêu cầu, một nội dung bắt buộc trong hoạt động du lịch. Do đó “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc” nhằm đáp ứng nhu cầu khôi phục lại du lịch Việt Nam, trước tiên là khôi phục du lịch nội địa, trên cơ sở phù hợp một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến thực tế của dịch bệnh, từng bước chuyển du lịch theo khái niệm mới “du lịch an toàn”, tiến tới khôi phục du lịch trong bối cảnh “sống chung với COVID-19”.
Tại lễ phát động, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy nhấn mạnh: Sau một thời gian bị đình trệ, việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới. Nhiều ý kiến cho rằng chính sách hỗ trợ tốt nhất đối với doanh nghiệp du lịch là được hoạt động trở lại, đặc biệt trong bối cảnh sức chống chịu của doanh nghiệp đang dần cạn kiệt. Yêu cầu đặt ra là bảo đảm mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng, chống dịch và hoạt động du lịch, lữ hành. Giải pháp phục hồi thị trường du lịch nội địa và quốc tế đều đã được đặt ra trong Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, ngành Du lịch sẽ triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn”; đồng thời, thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang). Trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước như: Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng). Phương châm “khởi động lại hoạt động du lịch - chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn” đã đến lúc phải thực hiện khi đã an toàn về y tế, phải an toàn trong quản trị, điểm đến, điểm vui chơi và các sản phẩm du lịch.
“Tổng cục Du lịch đã xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ nhằm tái khởi động ngành Du lịch với các hoạt động như: xây dựng chính sách xúc tiến, quảng bá, kích cầu phục hồi du lịch, triển khai kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc dự kiến bắt đầu từ tháng 11/2021; tổ chức làm việc với các địa phương, đặc biệt là các địa bàn du lịch trọng điểm; chuẩn bị nguồn nhân lực, đảm bảo an toàn sẵn sàng đón khách; đề nghị các địa phương quan tâm, tổ chức tiêm phòng vaccine với lực lượng lao động của Ngành; ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số du lịch; đẩy mạnh các hình thức quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch thông qua các trang mạng xã hội…” – Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết thêm.
Nội dung “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 lần thứ 4” với định hướng chuyển hoạt động du lịch sang trạng thái bình thường mới, xây dựng một ngành kinh tế du lịch an toàn và đưa nội dung an toàn vào trong tất cả các hoạt động của du lịch.
Với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”, mục tiêu của chương trình gồm 3 nội dung chính: xây dựng khung quy trình tổ chức hoạt động du lịch phù hợp với bối cảnh chung và đáp ứng cao nhất yếu tố an toàn trong dịch bệnh; hướng dẫn cho các Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp du lịch địa phương linh hoạt áp dụng vào tình hình thực tế, chi tiết hóa các nội dung phù hợp, để thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả tại các tỉnh thành trên cả nước; xây dựng tiêu chí an toàn ở các vị trí làm việc trong chuỗi dịch vụ du lịch cung cấp cho khách nhằm đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch phù hợp.
Tại lễ phát động, các đại biểu đã bày tỏ sự hưởng ứng nội dung lễ phát động “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19”. Tuy nhiên, do chương trình được xây dựng và tổ chức triển khai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 chưa chấm dứt nên khái niệm về du lịch an toàn chưa được các đại biểu hoàn toàn thống nhất, sẽ khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Vì vậy, cần có sự chung tay không chỉ của ngành Du lịch, các doanh nghiệp mà còn cần sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành liên quan và các địa phương để chương trình thực sự được phát huy hiệu quả.
Cũng tại lễ phát động, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan đã công bố Quyết định thành lập Ban điều hành “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19” gồm 17 thành viên, do ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam làm Trưởng ban.
Tuấn Sơn