Đại dịch COVID-19 đã gây ra sức tàn phá lớn cho ngành kinh tế nói chung, trong đó du lịch được xem là ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2020, ngay khi dịch bùng phát đợt đầu tiên đã khiến hoạt động du lịch ngừng trệ. Doanh nghiệp (DN) càng lớn thì thiệt hại càng lớn, bởi lượng tài chính đã đổ vào đặt cọc cho các khoản dịch vụ của cả năm 2020 như: vé máy bay, phòng khách sạn, vận chuyển… gần như đọng vốn không có khả năng rút ra, doanh thu không có trong khi vẫn phải cố gắng duy trì hoạt động DN nên khó khăn chồng chất. Nhiều DN lữ hành, lưu trú, vận chuyển… phải ngừng hoạt động.
Những DN cố gắng bám trụ chấp nhận chịu lỗ sau đợt dịch đầu tiên với niềm tin dịch sớm đi qua để hồi phục hoạt động thì tiếp tục bị “gáo nước lạnh” bởi đợt dịch thứ 3, thứ 4 với những biến thể nguy hiểm hơn bùng phát. Một lần nữa, du lịch rơi vào trạng thái ngủ đông. 95% số DN đóng cửa hoặc cho nhân viên nghỉ việc không thời hạn. Số đông nhân sự ngành Du lịch đã chuyển sang làm các nghề khác, bỏ nghề du lịch để mưu sinh.
Trước tình thế đó, Hanoi Tourism đã phải lên hàng loạt các kịch bản dự phòng để ứng phó qua từng giai đoạn.
Đã có thời điểm, để tránh tình trạng nhân sự chán nản vì tâm lý, Hanoi Tourism đã triển khai nhóm sản phẩm ngắn hạn ở mảng ẩm thực sạch, để nhân sự có việc làm, có thu nhập và không bị trì trệ mất tinh thần.
Tiếp đó, triển khai hàng loạt hoạt động cụ thể: một mặt tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi phí ở mức tối đa, mặt khác có các chính sách hỗ trợ nhân sự nghỉ việc tạm để động viên, giữ chân người lao động. Đồng thời, vẫn phải duy trì hoạt động công ty, vừa xử lý các thủ tục lùi ngày, hoàn hủy, vừa ráo riết chuẩn bị cho các kịch bản dự kiến khi dịch bệnh được kiểm soát, vừa tranh thủ thời gian để tổ chức huấn luyện, đào tạo nâng cao chuyên môn cho nhân sự, vừa xây dựng các sản phẩm điểm đến nội địa an toàn, phù hợp tình hình mới để chuyển đổi tour cho du khách, góp phần vào củng cố doanh thu duy trì hoạt động cho bộ máy. Bên cạnh đó, công ty đã mạnh dạn tái cơ cấu toàn bộ, cải tạo quy trình, chú trọng những yếu tố cốt lõi. Việc kết nối và liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng du lịch đã được các đơn vị chú trọng và thúc đẩy mạnh mẽ. Sự hợp tác chặt chẽ này giúp cho các sản phẩm du lịch phong phú, tối ưu và mang lại những giá trị lợi ích lớn cho du khách, phát huy tác dụng ngay khi du lịch nội địa được kích hoạt.
Từ chỗ là đơn vị lữ hành với thế mạnh outbound phục vụ hàng chục ngàn du khách đi nước ngoài, công ty nhanh chóng chuyển đổi phục vụ khách du lịch nội địa. Bằng kinh nghiệm, chuyên môn của mình, công ty đã khẳng định niềm tin với khách hàng. Du khách tin tưởng và đồng hành nhiều chương trình tour kích cầu khám phá vẻ đẹp Việt với tiêu chí đảm bảo an toàn nghiêm ngặt về phòng, chống dịch bệnh. Nhân sự vẫn bám trụ với nghề và tập trung cho dài hạn. Có thể tự hào nói rằng, từ khi xảy ra dịch COVID-19, công ty không phải đóng cửa. Đến nay, Hanoi Tourism đã dần ổn định và có kinh nghiệm xử lý các tình huống bất thường, luôn sẵn sàng các kịch bản dự phòng cho tương lai…
Dịch bệnh đang từng bước bị đầy lùi. Hoạt động du lịch nội địa đang được kích hoạt trở lại, cho dù khó khăn phía trước còn rất lớn.
Khủng hoảng do đại dịch COVD-19 gây ra với du lịch là một bài học cực kỳ đắt giá mà các cơ quan quản lý nhà nước, các DN cần khắc phục – đó là năng lực dự phòng thiếu và yếu; đó là sự manh mún, dàn trải; sự liên kết mang nặng tính hình thức…, những điểm yếu này lẽ ra cần phải được xử lý từ lâu để hình thành “năng lượng” dự phòng khi xảy ra sự cố...
Thực tế, những DN chống chọi, trụ vững trước đại dịch COVID-19 đều là những DN năng động, linh hoạt và chắc chắn sẽ phát triển bền vững khi dịch bệnh qua đi. Đại dịch mang đến khó khăn, giáng đòn chí tử vào DN nhưng cũng là bài học để ngành Du lịch phải làm mới mình, các DN du lịch nhìn nhận lại và nâng cấp năng lực vận hành, thay đổi cách làm hiện đại hơn, chú trọng chất lượng chiều sâu hơn và trân trọng giá trị lõi hơn.
Sau đại dịch COVID-19 sẽ là một ngành Du lịch xanh, sạch và mang chiều sâu vào từng sản phẩm dịch vụ cho khách hàng hơn, đặc biệt là ứng dụng thông minh sẽ được áp dụng phổ biến và hiệu quả hơn. Sự định hướng và hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng là hết sức cần thiết để tạo động lực thúc đẩy du lịch nhanh chóng phục hồi và phát triển./.
Nhữ Thị Ngần