Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết: Đợt dịch COVID-19 thứ tư khiến ngành Du lịch gần như "chạm đáy", nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Với diễn biến phức tạp của đợt dịch này, các đơn vị kinh doanh du lịch xác định hoạt động du lịch sẽ còn gặp nhiều khó khăn và cần tìm giải pháp phù hợp trong bối cảnh "tình hình mới" khi dịch có thể vẫn kéo dài, còn xuất hiện những ca F0. Theo ông Thắng, hiện nay, nhiều tỉnh, thành, trong đó có Thủ đô Hà Nội, diễn biến dịch đã được kiểm soát tốt hơn, nhiều hoạt động giãn cách đã được nới lỏng, không ít địa phương đã đẩy mạnh hoạt động du lịch nội tỉnh, chuẩn bị phương án đón khách ngoại tỉnh và khách quốc tế. Đó là cơ sở để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch bắt tay chuẩn bị kế hoạch phục hồi thị trường, từng bước kích hoạt các hoạt động dịch vụ đã bị "đóng băng". Chương trình hành động "Du lịch xanh – xanh" nhằm xây dựng những sản phẩm du lịch xanh cũng như điều kiện đưa - đón khách Hà Nội đến các tỉnh, thành phố an toàn phòng, chống dịch và ngược lại. Theo kế hoạch mà Hội Lữ hành Hà Nội xây dựng, để du lịch hoạt động trở lại bảo đảm an toàn, cần đáp ứng các tiêu chí "xanh": Khách du lịch phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2; doanh nghiệp "xanh" (lực lượng lao động kinh doanh du lịch của đơn vị đã được tiêm đủ vaccine, có năng lực tổ chức tour an toàn); chuỗi dịch vụ "xanh" (các sản phẩm, dịch vụ như: hình thức du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển, điểm đến bảo đảm khép kín, biệt lập, an toàn)... Đối với du khách dưới 18 tuổi, chưa được tiêm vaccine thì bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Thảo luận tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội và các địa phương đã đề cập đến những khó khăn, bất cập, những tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với ngành Du lịch nói chung và du lịch các địa phương nói riêng. Chính trong các đợt thực hiện giãn cách xã hội, các địa phương cũng như các doanh nghiệp du lịch đã chuẩn bị các điều kiện để có thể tiếp tục hoạt động sau khi dịch được kiểm soát.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho hay, Hà Nội đang hoàn chỉnh kịch bản hoạt động kinh tế theo diễn biến dịch COVID-19, trong đó có hoạt động du lịch. Sở Du lịch Hà Nội đã có chủ trương xây dựng điểm "lưu trú xanh" dành cho khách cách ly tại các khách sạn được lựa chọn làm nơi cách ly tập trung. Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ triển khai việc kết nối các "điểm du lịch xanh" với những "doanh nghiệp lữ hành xanh" để thực hiện "hành trình du lịch xanh" cho du khách đủ điều kiện về tiêm vaccine.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Giang Nguyễn Hồng Hải cho biết, địa phương đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 và lên kế hoạch đón du khách ngoại tỉnh đủ điều kiện du lịch tới Hà Giang vào tháng 10/2021. Hà Giang sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội thực hiện đón khách an toàn, đủ điều kiện.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, Ninh Bình sẽ triển khai thí điểm mở rộng đón khách với một số tỉnh lân cận. Việc chuẩn bị của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội là cơ sở để địa phương cân nhắc thêm phương án phối hợp để phục hồi du lịch.
Tại hội thảo, các đơn vị lữ hành, tiêu biểu như Hanoitourist, VietFood Travel, VietTrantour, Asia Sun Travel... đã giới thiệu những sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Nổi bật Hanoitourist xây dựng nhiều chương trình du lịch an toàn mang tựa đề: “Du lịch bình thường mới”, gồm 5 nhóm sản phẩm: Trải nghiệm du lịch Caravan an toàn; du lịch MICE an toàn; du lịch mùa Thu an toàn; đặt phòng khách sạn an toàn; homestay an toàn. Giám đốc VietFood Travel Phạm Duy Nghĩa cho biết: Công ty xây dựng và giới thiệu dòng sản phẩm xe đạp, khi sử dụng phương tiện giao thông bằng xe đạp khách được đi khám phá, trải nghiệm các điểm tham quan đẹp trong không gian mở, đồng thời tăng thêm sức khỏe cho du khách.
Cũng tại hội thảo, các đơn vị lữ hành bày tỏ mong muốn các tỉnh, thành phố có chính sách cụ thể hơn trong việc liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến các vùng xanh, công bố danh sách những đơn vị cung cấp dịch vụ được phép đón khách để thuận tiện trong việc kết hợp, xây dựng sản phẩm, tạo sự yên tâm cho du khách. Cần xây dựng thí điểm các điểm đến an toàn, hấp dẫn, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình. Các doanh nghiệp cũng đề xuất, kiến nghị cần sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội du lịch cùng các địa phương trong việc nghiên cứu, xây dựng tiêu chí điểm đến xanh, nhà hàng xanh, kết nối các điểm đến vùng xanh. Nhiều ý kiến cùng đề cập: Để khôi phục và phát triển du lịch, đồng thời phải đảm bảo an toàn cho du khách, cho cộng đồng địa phương là một nhiệm vụ khó khăn. Để thực hiện không chỉ đặt lên vai doanh nghiệp hay một địa phương mà cần sự nỗ lực, chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Hướng tới xu hướng du lịch sau đại dịch là du lịch xanh cùng với các giải pháp an toàn màu xanh.
Tuấn Sơn