Từ một ý tưởng “ngông”…
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống múa rối nước ở làng Rạch, tỉnh Nam Định, niềm đam mê và tình yêu với môn nghệ thuật dân gian này đã được hun đúc trong nghệ sỹ Phan Thanh Liêm. Cha anh chính là nghệ sỹ múa rối nước nổi tiếng Phan Văn Ngải – người đã sáng tạo ra mô hình thủy đình đang được sử dụng trong tất cả các nhà hát múa rối nước hiện nay, đồng thời, ông cũng là chủ nhân của tượng chú Tễu được trưng bày tại bảo tàng Louvre (Pháp). Còn ông nội của anh chính là cụ trùm hội Phan Văn Huyên. Đến nay, gia đình anh đã có 7 đời theo nghề múa rối nước.
Tuổi thơ của Phan Thanh Liêm là những năm tháng anh cùng cha sản xuất những con rối bằng gỗ rồi rong ruổi gánh ra chợ Viềng bán. Niềm đam mê và tình yêu với rối nước của anh lớn dần lên sau những lần xem đoàn múa rối của cha biểu diễn ở thủy đình làng rồi đi lưu diễn khắp trong Nam, ngoài Bắc. Tuy nhiên, trong ký ức của anh, múa rối nước khi ấy là một nghề lắm vất vả, gian truân và phải rất tâm huyết mới có thể theo được. Các nghệ sỹ không chỉ phải dầm mình trong nước hàng tiếng đồng hồ mà còn phải có đôi tay hết sức khéo léo, rắn rỏi mới có thể điều khiển được những con rối gỗ khá nặng, tuy vậy, thu nhập của họ lại không đáng kể. Nghệ sỹ Phan Văn Ngải là người đầu tiên thành lập đoàn rối tư nhân mang tên Sông Ngọc để đi trình diễn khắp cả nước. Đến tỉnh thành nào, đoàn của ông cũng nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ rất nhiệt tình của bà con địa phương, nhưng thu vẫn không đủ chi do chi phí vận chuyển cả khối lượng đồ nghề biểu diễn và số lượng nghệ sỹ tham gia quá lớn.
Lớn lên, Phan Thanh Liêm quyết định chọn con đường múa rối nước để lập thân. Sau 20 năm biểu diễn múa rối nước truyền thống, anh đã trăn trở với việc làm sao để loại hình nghệ thuật này có thể được phổ biến rộng rãi hơn và gần gũi hơn với người thưởng thức. Bằng kinh nghiệm, sự tự mày mò, sáng tạo và tâm huyết với nghề, anh đã “cải tiến” những con rối và thủy đình để hình thành một sân khấu lưu động, tiện cho việc đưa rối nước đi lưu diễn, quảng bá khắp mọi nơi. Trong múa rối nước truyền thống, con rối được làm bằng gỗ sung, nối với một cây sào dài để điều khiển, mỗi người chỉ có thể điều khiển được một con rối, như vậy, trò diễn có bao nhiêu nhân vật thì cần bấy nhiêu người điều khiển; thủy đình truyền thống có đường kính lên tới 10m và rất nhiều phông bạt để trang trí nên việc di chuyển đến các địa điểm để biểu diễn là hết sức khó khăn. Khắc phục những nhược điểm này, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm đã thiết kế ra những con rối mới nhẹ và linh hoạt hơn, một mình anh có thể điều khiển được nhiều con rối cùng lúc. Do vậy, sân khấu biểu diễn cũng nhỏ hơn và làm bằng chất liệu cao su, có thể gấp gọn, di chuyển dễ dàng.
Ban đầu, ý tưởng “độc diễn rối nước” này của anh vấp phải không ít sự phản đối, ngăn cản vì nó quá viển vông và khó hình dung, thậm chí có người còn cho rằng đó là… phá vỡ truyền thống. Nhưng với quyết tâm cao, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm đã cho ra đời mô hình biểu diễn rối nước thu nhỏ được đánh giá là độc đáo nhất trong làng rối Việt Nam. Năm 2000, anh chính thức ra mắt mô hình rối nước thu gọn của mình và đã nhận được phản hồi rất tích cực từ phía người xem. Qua nhiều năm thực hiện, vừa làm vừa đổi mới, rút kinh nghiệm, đến nay, “Độc diễn rối nước” của anh đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc được nhiều công ty du lịch đưa vào chương trình giới thiệu với du khách khi tới Hà Nội.
…Đến địa chỉ du lịch văn hóa đặc sắc
Sau khi sân khấu của anh ra đời, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm được mời đi lưu diễn ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, thậm chí ở các vùng sâu, vùng xa. Một mình anh và hòm “đồ nghề” nặng tới 100kg đã “chu du” qua nhiều quốc gia, đưa múa rối nước truyền thống của Việt Nam tới quảng bá tại Festival Múa rối Quốc tế, sau đó là lưu diễn tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Italia, Ba Lan, Đức, Thái Lan, Malaysia, Canada, Pháp, Nhật Bản… tới đâu, nghệ thuật múa rối nước cũng được người dân yêu mến và đón nhận.
Kết thúc những chuyến lưu diễn, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm trở về với ngôi nhà nhỏ của mình, nơi được anh thiết kế giống như một “bảo tàng” múa rối nước thu nhỏ để đón khách du lịch trong và ngoài nước với đầy đủ các tư liệu lịch sử giới thiệu về nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Du khách tới đây không khỏi trầm trồ khi giữa phố thị, họ bỗng “lạc bước” vào một không gian đậm chất dân dã, gợi nhớ tới những nét đặc trưng thân thuộc của làng quê Bắc Bộ với hình ảnh những khóm tre ngà, đám lục bình dập dềnh trong ao nước nhỏ và mái đình cổ kính… Trong căn phòng nhỏ chỉ xếp được chỗ cho khoảng 20 người ngồi xem, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm say mê biểu diễn những tích trò và khán giả cũng say sưa thưởng thức, dường như không còn khoảng cách giữa người biểu diễn – những con rối với khán giả. Không chỉ biểu diễn, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm còn trò chuyện, giới thiệu lịch sử và những đặc trưng văn hóa của đất nước, con người Việt Nam ẩn sau những tích trò. Du khách sau khi xem xong màn trình diễn, có thể lội xuống nước, cùng người nghệ sỹ thử điều khiển các con rối, sự đối thoại gần gũi ấy đã đem lại những trải nghiệm thú vị và khó quên cho họ.
Ngoài những buổi biểu diễn, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm còn cùng người thân sản xuất các con rối và tượng nhỏ để phục vụ cho các đoàn múa rối trong và ngoài nước, hoặc làm quà lưu niệm để bán cho du khách. Căn nhà của anh ở số 1, ngõ 260 ngách 17/18 phố chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội đồng thời cũng là một xưởng sản xuất rối. Du khách có thể tham quan khu xưởng nhỏ của anh và tự mình học cách làm rối, vẽ rối… Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, du khách có thể ở lại cùng gia đình anh đi chợ, nấu và thưởng thức những món ăn truyền thống, chia sẻ những câu chuyện thú vị, qua đó, du khách không chỉ được xem, được tận tay sờ vào những con rối mà còn được tìm hiểu về cuộc sống của gia đình nghệ sỹ, giúp họ hiểu hơn, yêu hơn và muốn quay trở lại.
Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm đã góp phần giới thiệu loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc ra thế giới, đồng thời quảng bá tích cực về vẻ đẹp của con người và đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa.
|
Trang Đào
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)