Vĩnh Long có ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa cùng sinh sống, nên có nhiều lễ hội truyền thống lớn nhỏ được tổ chức vào các mùa trong năm. Mỗi lễ hội đều có nguồn gốc riêng, gắn với những câu chuyện lịch sử sâu sắc hay truyền thuyết lý thú bởi thế mang những nét đặc thù và bản sắc văn hóa độc đáo. Ngoài các lễ hội truyền thống, tại Vĩnh Long hiện có một số lễ hội đã vượt ra khỏi phạm vi của tỉnh và trở thành lễ hội của nhiều địa phương lân cận, trong đó Lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn thu hút hàng vạn du khách thập phương và đồng bào các dân tộc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (Kinh, Hoa, Khmer) tới tham dự.
Trong tâm thức của nhân dân huyện Trà Ôn, Đức Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn là đấng linh thiêng, bởi thế cầu phước trong ngày giỗ của Đức ông sẽ giúp nhân dân trong vùng có được mùa màng bội thu, hoa quả tươi tốt, làm ăn phát đạt, gia đình yên vui và xóm ấp bình an. Ông được người dân địa phương xem là vị thần linh bảo hộ, một vị tiền hiền, được người Hoa tôn là Ông Bổn và thờ cúng dưới dạng “Báo hổ tư nguyên”.
Lễ hội Lăng Ông vừa mang yếu tố tâm linh, vừa mang tính truyền thống lịch sử.
Lễ hội diễn ra liên tục trong ba ngày, từ ngày mồng 2 cho đến hết ngày mồng 4 Tết Nguyên đán. Nếu như phần lễ trang trọng với nghi thức cổ truyền của đình miếu Nam Bộ xưa thì phần hội rôm rả với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân gian như: ngày hội gói bánh tét, ẩm thực truyền thống dân tộc, biểu diễn võ thuật, thi đấu bóng chuyền và các trò chơi dân gian (đấu cờ ốc, đá gà ép, đá bóng mù, nhảy bao, đập nồi, đẩy gậy, kéo co...). Không khí càng thêm sôi động với lễ dâng bông, dâng rượu cúng rước thần linh của đội nhạc lễ tại các đình làng vào ngày lễ kỳ yên trong năm. Khi màn đêm buông xuống, các câu lạc bộ đờn ca tài tử ở vùng Trà Ôn biểu diễn văn nghệ nhân ngày đầu năm mới, khiến tâm hồn mọi người lắng xuống cùng những giai điệu âm nhạc cổ truyền thiết tha của vùng đất phương Nam. Vì Đức Tiền quân Thống chế Điều Bát Nguyễn văn Tồn là người dân tộc nên lễ giỗ Ông luôn có các đoàn nghệ thuật Khmer ở địa phương đến biểu diễn dàn nhạc ngũ âm và các điệu múa dân gian như múa “rô-băm”, múa trống “sa-dăm”, hát “dù-kê”...; ngoài ra còn có liên hoan múa lân nghệ thuật và hát “lầu cấu” của bà con người người Hoa; biểu diễn nghệ thuật hát tuồng, xây chầu, hát bội của người Kinh… Tất cả tạo nên một không gian lễ hội rộn ràng, ấm áp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong dịp đầu xuân mới của ba dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa cùng đoàn kết sống hòa thuận trên vùng đất Trà Ôn ngày nay.
Đức ông Dung Ngọc hầu - Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn sinh năm Quý Mùi (1763) tại làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, tên thật là Thạch Duồng. Vì có công với triều Nguyễn nên ông được mang “Quốc thích” và được lấy họ nhà vua làm tự danh. Đời nhà Nguyễn, ông được phân công thành lập và lãnh nhiệm vụ thống quản đội quân người dân tộc Khmer. Trong thời kỳ trấn giữ đồn Trà Ôn thuộc Trấn Giang (Cần Thơ), kiêm quản xuất hai phủ Trà Vinh và Mang Thít thuộc Vĩnh Trấn (vào năm Gia Long thứ nhất - 1802), ông đã có công giúp nhà Nguyễn dẹp loạn ngoại xâm, nội phản ở biên giới Tây Nam. Vào năm Gia Long thứ bảy (1808) và thứ mười (1811), ông được triệu về kinh hai lần để nhận ban thưởng và thăng chức Thống Chế, tước Dung Ngọc hầu. Vào năm 1819, ông được triều đình bổ vào chức Điều bát Nhung vụ phân công trông coi dân phu, cùng giúp Thoại Ngọc Hầu đào kênh Vĩnh Tế. Ông đã giúp dân vùng Trà Ôn, Trà Vinh, Măng Thít khai khẩn đất hoang, thành lập xóm làng. Do tận tâm quá sức với công việc nên ông lâm trọng bệnh và qua đời vào ngày mồng bốn tháng giêng năm Canh Thìn (1820), nhân dân ở Trà Ôn thương tiếc tôn kính ông là vị phúc thần của ba dân tộc Kinh, Hoa và Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Lăng Ông Thống chế Điều bát tọa lạc ven quốc lộ thuộc ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996, là địa chỉ du lịch văn hóa lễ hội nổi tiếng của Vĩnh Long. Đến với Lễ hội Lăng ông, du khách và nhân dân luôn được tham gia vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian độc đáo trên mảnh đất phương Nam.
Lễ hội Lăng Ông diễn ra từ ngày 11 - 12/2/2016 ở huyện Trà Ôn - tỉnh Vĩnh Long nhân kỷ niệm 196 năm ngày mất Đức Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn. Đây là một trong những sự kiện đầu tiên hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long.
|
PV