Lễ hội đền Và diễn ra mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu. Hội mùa xuân vào dịp rằm tháng giêng kéo dài từ ngày 13 - 15 (âm lịch) với nghi lễ trung tâm là rước long ngai bài vị "Tam vị Đức Thánh Tản" từ đền Và qua sông Hồng sang tả ngạn ở đền Dội (xã Vĩnh Linh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), là nơi theo truyền thuyết Thánh Tản Viên đã tắm để tế lễ, diễn lại sự tích này rồi quay trở lại đền Và. Cứ vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì hội rằm tháng giêng được tổ chức lớn hơn gọi là hội chính. Hội mùa thu tổ chức vào rằm tháng 9, từ ngày 14 - 15 (âm lịch) với nghi thức chính là đánh bắt cá ở sông Tích để chọn ra 99 con cá trắng to chế biến thành các món tế Thánh. Việc tế cá xuất phát từ truyền thuyết Thánh Tản Viên dạy dân kéo vó và bắt được 100 con cá, sau đó ngài phóng sinh một con cá trê đang có mang, về sau con cá này sinh được 9 con, đều hoá đá, đầu chầu về hướng Đông Cung - đền Và.
Trước khi diễn ra lễ hội, nhân dân các làng xung quanh đã tề tựu đến đền Và – Đông Cung, đền chính thờ Tản Viên Sơn Thánh để tu sửa, dọn dẹp, trang trí. Và từ sáng sớm 15 tháng Giêng, các làng đã chuẩn bị kiệu rước bài vị Tản Viên Sơn Thánh từ các đình về trung tâm Đông Cung để làm lễ. Hàng vạn người dân và du khách thập phương về trẩy hội và dâng lễ lên đức Thánh Tản Viên, vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử theo quan niệm của người Việt.
Vào các năm lễ hội lớn, ở đền Và có lệ tục rước nước do dân làng Di Bình thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đảm nhiệm. Cũng vào năm tổ chức lễ hội lớn, các làng có liên quan tín ngưỡng cùng nhau tổ chức một cuộc rước lớn. Tất cả có 8 làng tham gia, gồm: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai thuộc xã Trung Hưng; làng Phù Sa, Phú Nhi (Bần Nhi) thuộc xã Viên Sơn (Hà Nội) và làng Di Bình (tỉnh Vĩnh Phúc).
Đền Và nằm ở vị trí giữa đồi Và, một đồi cây với diện tích rộng lớn, có nhiều cây lim cổ thụ. Cả khu đồi có hình con rùa đang bơi về phía mặt trời mọc. Đền Và còn được gọi là Đông Cung trong hệ thống tứ cung của xứ Đoài (Bắc Cung thuộc xã Tam Hồng, huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc; Nam Cung thuộc xã Tản Lĩnh, Tây Cung thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) thờ thần núi Tản Viên, vị thần đứng đầu trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Đền Và phụng thờ Thánh Tản Viên, vị thánh được sắc phong là "Thượng đẳng tối linh thần", "Đệ nhất phúc thần", "Nam thiên thần tổ", cũng là người anh hùng văn hóa sáng tạo trong tư duy nông nghiệp, người anh hùng trị thủy, chống giặc, biểu tượng của khối đoàn kết bộ tộc. Khi hóa, Tản Viên trở thành phúc thần trừ tai họa cho dân. Từ thời Hậu Lê, nơi có đền Và là lỵ sở của huyện Tùng Thiện cũ, đền Và trở thành trung tâm tín ngưỡng hàng huyện nên người dân quan niệm ở đó thiêng hơn những nơi khác cũng thờ Thánh Tản Viên.
Hiện, tại đền Và đang lưu giữ 5 bản thần tích "Tản Viên Sơn Thánh"; 18 đạo sắc phong của các đời vua, trong đó có 17 bản chính có dấu ấn; 47 đôi câu đối được chạm khắc, viết trên vách cột, trên gỗ và 18 bức hoành phi viết trên gỗ hoặc đá. Nơi đây còn có 2 bia đá, 3 chuông đồng, 4 tấm biển gỗ. Trên những hiện vật đó khắc ghi thời gian xây dựng, tu sửa, ca ngợi cảnh quan, uy linh của Thánh Tản Viên với nhiều nét trang trí có giá trị mỹ thuật cao, thể hiện nét văn hóa tâm linh độc đáo.
Hạ Phong