Hòn Sóc sắp “trọc đầu”!
Thổ Sơn thuộc huyện Hòn Đất (Kiên Giang) là xã Anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Theo Hội Nông dân xã Thổ Sơn, toàn xã có 2.551 hộ, 13.129 nhân khẩu với 4 dân tộc Kinh, Hoa, Tày và Khmer cùng nhau sinh sống, trong đó bà con Khmer chiếm hơn 47%, gần 40% hộ nghèo. Đa số những người thuộc diện nghèo đều thiếu hoặc không có đất sản xuất. Hiện nay, dân trong xã có khoảng 50% là người dân địa phương còn lại hầu hết từ Núi Sập (huyện Thoại Sơn – An Giang) đến làm nghề đục đá.
Cô giáo Lê Thị Liễu, Phó Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Thổ Sơn, nói vui: “Hòn Sóc sắp bị người ta “hớt trọc” rồi! Vắt cạn tài nguyên thiên nhiên, rồi đây, núi đồi sẽ không còn nữa, nói chi đến phát triển du lịch (!?)”
Học trò ở đây đi học về lại tranh thủ đập đá giúp gia đình kiếm tiền. Học sinh lớp 4, lớp 5 đã có thể tham gia công việc này. Mỗi ngày, một em có thể lượm đá bán cho các chủ ghe buôn đá, được trả công thấp nhất là 10 - 15 ngàn đồng, cao nhất là 20 - 30 ngàn đồng. Cá biệt có những em học lớp 9 tranh thủ ngày chủ nhật làm thêm cũng kiếm được cả trăm ngàn đồng.
Qua tìm hiểu được biết có đến 80% học sinh ở 2 ấp Hòn Sóc và Hòn Me sống được nhờ nghề đập đá. Tuy nhiên, theo các thầy cô giáo, do nghề đập đá dễ kiếm tiền nên đã ảnh hưởng đến việc học tập của các em.
 |
Hòn Sóc "trọc đầu" |
Biết ra sao ngày nào?
Anh Nguyễn Văn Hoàng, 42 tuổi, quê ở thị trấn Núi Sập làm nghề đập đá đã 31 năm cho biết: cách đây 10 năm, chính quyền sở tại Núi Sập đã có chủ trương ngừng khai thác đá để phát triển du lịch khu vực văn minh Óc Eo, nhưng gia đình anh đến Thổ Sơn vẫn tiếp tục nghề đập đá cũ nuôi gia đình.
Cánh tay anh thoăn thoắt, từng đường nét thước nẻ mực rất chuẩn, sử dụng ống thổi bụi 6 tấc trông rất linh hoạt. Bình quân cứ 01mét, người thợ được trả công 4 ngàn đồng, mỗi lao động sức vóc mạnh khỏe có thể kiếm được 80-90 ngàn đồng/ngày là chuyện bình thường. “Cực khổ nhưng thu nhập đỡ hơn làm ruộng, có đồng vô đồng ra tiêu xài trong nhà.” - Hoàng bộc bạch. Trước đây, cha anh, cụ Nguyễn Văn Quang, năm nay đã 80 tuổi, cũng là thợ đá, bây giờ đến lượt 2 đứa con của anh kế nghiệp, như vậy đã là 3 thế hệ lưu truyền. Hiện có hơn 100 hộ ở Thoại Sơn đến Hòn Sóc làm nghề khai thác đá. Lê Quang Tuyến, chủ doanh nghiệp tư nhân (DN) Quang Tuyến, mua một “vườn đá” của bà con Khmer địa phương, sau đó thuê người chẻ ra. Theo chính quyền địa phương, tại đây có hàng chục doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Xây dựng Kiên Giang, Công ty Suối Tiên, đơn vị kinh tế của huyện đội Hòn Đất... khai thác đá, vì vậy ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng!
Trước mắt chúng tôi là cảnh bụi đá bay khắp nơi và tấp nập trên bến dưới thuyền hàng chục chiếc ghe, trọng tải 15-30 tấn đậu san sát nhau chở đá. Người dân từ khắp nơi về đây làm ăn đông như ngày hội. Các dịch vụ nhà trọ, ăn uống… cũng lần lượt mở theo.
Trên bến, hàng chục xe tải cũng liên tục ngược xuôi nối đuôi nhau, chở đá đi bỏ mối cho các doanh nghiệp, cửa hàng hoặc đại lý vật liệu xây dựng tiêu thụ khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Theo anh Nguyễn Văn Cả, huyện Phú Tân - An Giang: mỗi đợt 2 tuần lễ chở ghe 15 tấn, kiếm lời chục triệu như chơi. Chị Nguyễn Kim Huệ, chủ ghe ở Đồng Tháp đến đây “ăn hàng”, xởi lởi: “Mỗi tháng hai lần từ Hòn Sóc chở 20 - 30 tấn đá về U Minh-Cà Mau bán kiếm lời, sẵn tiện coi như đi du lịch luôn cũng sướng!”
Lẫn trong đội quân làm thuê, chúng tôi bắt gặp một hình ảnh hết sức cảm động. Một anh trung niên bị cụt một tay vẫn khuân đá xuống ghe đều đều nhịp bước như những thanh niên lành lặn. Hỏi ra mới biết anh là Trần Văn Ba, 47 tuổi, quê ở huyện Thoại Sơn, một vợ ba con, định cư ở đây từ năm 1976, anh phải khuân đá nặng để kiếm tiền nuôi vợ con!
- Ở đây có nghệ nhân nào làm mộ bia hay các đồ vật khác bằng đá không?, tôi hỏi.
- Không có, chỉ đục cột đá làm nhà hoặc lát thềm thôi. Đá hòn nơi đây để lâu dễ bay màu. Chỉ có núi Bà Đội, Chi Lăng, miền biên giới An Giang mới làm điêu khắc được - một thợ đá nhanh nhảu đáp.
Rời Hòn Đất, những ngọn núi đá khuất dần, trong lòng chúng tôi cảm thấy ray rứt vì những cảnh tượng phá đá kiếm tiền của người dân. Cảnh quan môi trường đã bị chính bàn tay con người phá hủy.Chúng tôi nhớ lại câu nói của bác Tám Quang - một lão nghệ nhân có thâm niên trong nghề thợ đá “Không có núi non, cảnh trí tiêu điều, quạnh hiu còn chi nói đến quy hoạch phát triển du lịch các ngành chức năng đã đi sau nhà thầu xây dựng rất lâu thì làm sao các dự án mang tính khả thi được?”
NGUYỄN HÀ PHƯƠNG