Việc tổ chức trồng cây xanh phải theo kế hoạch, công tác chăm sóc, bảo vệ sau trồng cây phải đặc biệt được quan tâm và gắn trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây sau khi trồng đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân. Việc tổ chức thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức; đẩy mạnh xã hội hóa để từng bước giảm dần việc sử dụng kinh phí Nhà nước trong tổ chức trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh.
Sau khi thực hiện trồng cây, các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt; báo cáo kế hoạch tổ chức và kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để theo dõi và chỉ đạo thực hiện.
Về chỉ tiêu trồng cây xanh: Trồng khu vực hành lang an toàn hệ thống đường địa phương (đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường khác thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn) là 209 nghìn cây; trồng khu dân cư, công cộng, công sở, trang trại, trường học, nhà máy, khu công nghiệp, khu văn hóa - lịch sử, khu du lịch... là 387 nghìn cây; trồng khu vực vườn đồi, vườn nhà, đất lâm nghiệp nhỏ lẻ, phân tán (có diện tích nhỏ hơn 0,3 ha): 4.504 nghìn cây. Trồng rừng phòng hộ tập trung là 400 nghìn cây (không bao gồm diện tích trồng rừng thay thế).
Theo Kế hoạch, chủ yếu là trồng cây xanh phân tán bao gồm cây xanh đô thị, cây lâm nghiệp trồng phân tán và một phần diện tích rừng trồng tập trung bao gồm trồng rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất là rừng gỗ lớn, không tính diện tích trồng rừng thay thế và trồng lại rừng sản xuất sau khai thác gỗ.
Lan Thảo