Tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả
Ngày Môi trường thế giới 2021 có chủ đề “Phục hồi Hệ sinh thái” (Ecosystem Restoration); đây là năm được Liên Hợp quốc phát động cho một Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và đại dương, giúp xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt.
Tại Việt Nam, nhằm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021, Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tổ chức chính trị - xã hội… các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững; áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng.
Thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ phục hồi hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái hồ, sông suối, hệ sinh thái biển và ven biển. Cụ thể là thực hiện các dự án trồng cây xanh; triển khai các hoạt động hỗ trợ quá trình tái sinh tự nhiên; phục hồi hệ sinh thái rừng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan; thu gom rác hai bên bờ và trên mặt nước; trồng các cây bản địa xung quanh/hai bên hồ, sông suối và tạo hành lang di chuyển cho các loài động vật hoang dã; xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm khai thác đúng mức và đúng cách các loài thủy sản…
Phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen; đặc biệt là áp dụng các giải pháp dựa và thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan; quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo Chỉ thị số 42/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
Tổ chức các hoạt động thực tế phù hợp với quy định về việc phòng, chống dịch
Trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, Bộ TN&MT đề nghị các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế, tổ chức tuyên truyền phù hợp với quy định hiện hành về phòng, chống dịch (sáng tạo, đổi mới cách thức thực hiện, hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin) về chủ đề, thông điệp của Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021 theo hướng thực hiện mục tiêu kép, gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trong đó, có thể tổ chức các hội thảo, tọa đàm (theo hình thức trực tuyến). Tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế như: Làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng không sử dụng túi nilon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng,…
Điện Biên chung tay hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới
UBND tỉnh Điện Biên vừa ban hành Kế hoạch Số 1471/KH-UBND về tổ chức các hoạt động của Tháng hành động vì môi trường, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2021. Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của cán bộ, công chức, viên chức và các thành phần xã hội. Góp phần phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn có hiệu quả các loại và nguồn gen, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, tăng cường an ninh lương thực và phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, hạn chế sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, tăng cường sử dụng các công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa. Phát động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào trồng cây gây rừng phủ xanh đồi trọc, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường, tạo công luận lên án những hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường.
Để hưởng ứng tháng hành động vì môi trường, Điện Biên sẽ tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loại hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ rà soát quỹ đất trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, triển khai thực hiện kế hoạch về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Tăng cường công tác kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân, khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích cộng đồng.
Thảo Anh