Phục hồi Hệ sinh thái là một lời kêu gọi tập hợp nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Nhằm mục đích ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái và khôi phục chúng để đạt được các mục tiêu toàn cầu. Chỉ với các hệ sinh thái lành mạnh mới có thể nâng cao sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học.
Tất cả các hệ sinh thái có thể được phục hồi, bao gồm rừng, đất nông nghiệp, thành phố, đất ngập nước và đại dương. Các sáng kiến phục hồi có thể được đưa ra bởi hầu hết mọi người, từ các chính phủ và các cơ quan phát triển đến các doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân. Phục hồi các hệ sinh thái lớn còn nhằm bảo vệ, cải thiện sinh kế của những người sống phụ thuộc vào chúng, hạn chế bệnh tật và giảm rủi ro thiên tai.
Để hưởng ứng cũng như thể hiện vai trò đứng đầu, Pakistan đã thành lập Quỹ Phục hồi Hệ sinh thái để hỗ trợ các giải pháp dựa vào thiên nhiên ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang các sáng kiến có mục tiêu sinh thái, chống chịu với môi trường bao gồm trồng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Với tư cách chủ nhà của Ngày Môi trường Thế giới 2021, Pakistan sẽ nêu bật các vấn đề môi trường và giới thiệu các sáng kiến của Pakistan cũng như vai trò của nước này trong các nỗ lực toàn cầu. Ngày này sẽ được tổ chức trên toàn thế giới thông qua các sự kiện và hoạt động khác nhau, phù hợp với các quy định mới nhất của công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Giám đốc điều hành UNEP cho rằng: Năm 2020 thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm cả đại dịch toàn cầu và các cuộc khủng hoảng liên tục về khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm. Năm 2021, chúng ta phải thực hiện các bước để chuyển từ khủng hoảng sang hồi phục, trong đó việc phục hồi thiên nhiên là cấp thiết đối với sự tồn tại của hành tinh và loài người.
“Pakistan đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong nỗ lực khôi phục rừng của đất nước, đồng thời cam kết tổ chức Ngày Môi trường Thế giới 2021 và dẫn đầu tất cả các quốc gia khôi phục hệ sinh thái bị tổn hại thông qua Thập kỷ Liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái”, Giám đốc UNEP cho biết thêm.
Thập kỷ Liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái nhằm mở rộng quy mô phục hồi hàng loạt các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, ngăn chặn sự mất mát của một triệu loài và tăng cường an ninh lương thực, cung cấp nước và sinh kế.
Thập kỷ này kéo dài từ năm 2021 đến năm 2030, đây là mốc thời gian mà các nhà khoa học xác định là rất quan trọng để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Lễ ra mắt chính thức Thập kỷ về phục hồi hệ sinh thái sẽ được tổ chức vào Ngày Môi trường Thế giới 2021. Trong đó mục tiêu chung của Thập kỷ là phòng ngừa, ngăn chặn và đảo ngược sự tàn phá của không gian tự nhiên.
Thập kỷ được Đại hội đồng Liên hợp quốc đưa ra vào ngày 1/3/2019 do UNEP và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc đồng lãnh đạo, phối hợp với Ban Thư ký của Công ước Rio, các hiệp định môi trường đa phương cùng nhiều đối tác cấp địa phương, quốc gia và trên toàn cầu.
|
Thảo Anh