Diễn biến kinh tế, chính trị, an ninh thế giới tác động mạnh hơn khi Việt Nam hội nhập quốc tế về du lịch ngày càng sâu và toàn diện. Toàn cầu hóa là một xu thế khách quan, diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng hơn, cuốn hút tất cả các nước và vùng lãnh thổ tham gia trong thế vừa hợp tác vừa cạnh tranh, vừa tạo ra cơ hội, vừa đưa lại nhiều thách thức. Quan hệ song phương, đa phương ngày càng sâu rộng trong kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và những vấn đề chung hướng tới mục tiêu thiên niên kỷ. Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ tháng 12/2008 đã trở thành một cột mốc quan trọng, tạo nền tảng cho thể chế mới của ASEAN, tăng cường sự gắn kết, năng động và hội nhập đầy đủ giữa các quốc gia ASEAN. Đây là thách thức đồng thời cũng là cơ hội lớn cho Du lịch Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Trên thế giới, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ tiếp tục có những bước tiến nhảy vọt, thúc đẩy kinh tế tri thức phát triển, tác động tới tất cả các lĩnh vực, các nước và vùng lãnh thổ, làm biến đổi nhanh chóng và sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Các yếu tố này tác động rộng, lớn đến cơ cấu và sự phát triển, mở ra triển vọng mới cho Du lịch Việt Nam tham gia vào phân công lao động du lịch toàn cầu. Mỗi biến động của kinh tế thế giới đều tác động đến ngành Du lịch, nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ hội nhập và trình độ thích ứng của ngành Du lịch Việt Nam.
Giao lưu và hội nhập quốc tế diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, nhưng cũng là cuộc đấu tranh gay gắt để bảo tồn tính đa dạng và bản sắc văn hóa dân tộc. Quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế có khả năng tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình du lịch; đồng thời, sự bùng nổ của các phương tiện và công nghệ truyền thông, của công nghệ giải trí cũng tạo nên những tác động cả tích cực và tiêu cực đến đời sống xã hội và công chúng, kéo theo tác động vào sự phát triển du lịch.
Nhân loại đang có hai nhóm vấn đề cần đến hành động tập thể mới có thể giải quyết được, mới bảo vệ được lợi ích chung làm cơ sở để bảo vệ lợi ích riêng của từng quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhóm vấn đề thứ nhất là những mâu thuẫn trong chính trị, quân sự (chiến tranh, khủng bố, vũ khí giết người hàng loạt, xung đột chủ quyền...) và những mâu thuẫn trong lĩnh vực kinh tế (sự phân hóa giàu - nghèo; nợ nần; khủng khoảng kinh tế và tài chính...). Nhóm vấn đề thứ hai là sự mất cân đối trầm trọng giữa con người với thiên nhiên như vấn đề bùng nổ dân số, thiếu lương thực, thực phẩm trên khắp thế giới; dịch bệnh và sức khỏe con người; việc bảo vệ môi trường thiên nhiên trước tác động huỷ hoại của con người; sự biến đổi khí hậu với các hiện tượng cực đoan của thời tiết; cuộc khủng khoảng về năng lượng và nguyên liệu...
Tất cả những vấn đề nêu trên đòi hỏi các nước, các dân tộc trên toàn thế giới phải cùng nhau giải quyết nhằm gìn giữ “trái đất chung của toàn nhân loại”. Quan hệ song phương và đa phương giữa các nước, các khu vực và các đối tác ngày càng sâu rộng cả trong kinh tế, văn hóa, bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và cả trong việc phòng chống các đại dịch... thúc đẩy sự di chuyển luồng khách du lịch và nhân lực du lịch. Việt Nam định hướng phát triển mạnh du lịch quốc tế thu ngoại tệ nên phải chủ động tiếp cận tri thức, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ để nắm bắt và tiến tới làm chủ kiến thức và công nghệ du lịch, cạnh tranh thắng lợi ngay tại trong nước.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và sự hình thành nền kinh tế tri thức làm cho “thế giới phẳng hơn”, sự cách trở về không gian địa lý từng bước thu hẹp lại. Sự chuyển dịch của con người, vốn, công nghệ, sản phẩm, dịch vụ từ nơi này của trái đất qua những nơi khác trên trái đất nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng hơn. Cuộc cách mạng 3T (Transport - Telecommucation - Tourism) đã thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển trên nhiều điểm hơn của trái đất. Công nghệ mới làm thay đổi căn bản phương thức quan hệ kinh tế, đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông được ứng dụng mạnh trong du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nhân lực du lịch nước ta sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc của tác động này, vừa có cơ hội những cũng vừa là thách thức.
Sự chuyển giao khoa học kỹ thuật và các công nghệ mới từ nơi nghiên cứu ra thực tế được rút ngắn khoảng cách về không gian và thời gian. Hầu hết thời gian sử dụng của mọi thứ trên lý thuyết chỉ còn từ chín đến mười hai tháng (Khách hàng chưa phải là thượng đế, Hal F.Rosenbluth, Diane McFerrin Peters, Nhà xuất bản Tri thức, năm 2009). Chính việc phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ đã phá vỡ hàng rào ngăn cách địa giới hành chính và các rào cản khác trong giao dịch của con người trên tất cả các lĩnh vực giữa các quốc gia. Internet đã kết nối cả thế giới lại và ảnh hưởng sâu sắc đến phương thức sản xuất và sinh hoạt của loài người, làm cho bất cứ người nào, bất kể ở đâu đều có thể xây dựng được mối liên lạc với nhau, internet được thay thế bằng evernet (Dự báo Thế kỷ 21, Nhà xuất bản Thống kê, năm 1998). Phương pháp tổ chức công việc được thay đổi (làm việc tại nhà và cùng một lúc phối hợp với nhiều người trên khắp thế giới). Đời sống xã hội được toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện, kể cả trong lĩnh vực du lịch. Đây là yếu tố vừa tạo cơ hội vừa là thách thức lớn đối với sự phát triển Du lịch Việt Nam.
Nhu cầu hội nhập và hợp tác quốc tế trong du lịch là tăng cường quan hệ để phát triển; tiếp thu kinh nghiệm; xác lập vị thế trên trường quốc tế để phát triển và góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hội nhập quốc tế trong du lịch sẽ theo các bước sau đây: tham gia các tổ chức quốc tế; thừa nhận và áp dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin; tăng cường toàn cầu hóa trong khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên du lịch; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động du lịch; đơn phương tuyên bố tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và các nhà đầu tư du lịch, ký kết các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về phát triển du lịch; cam kết và mở cửa thị trường du lịch. Để hội nhập quốc tế thành công, ngành Du lịch Việt Nam phải chủ động tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, đảm bảo có vị trí xứng đáng trong chuỗi cung cấp dịch vụ du lịch có chất lượng của khu vực và thế giới.
Suy thoái kinh tế và khủng khoảng tài chính dẫn tới tái cấu trúc nền kinh tế thế giới, đòi hỏi các quốc gia, các vùng lãnh thổ phải thích ứng theo xu hướng mới. Kinh tế thế giới có thể khôi phục, nhưng phải mất không ít thời gian để ổn định và phát triển với tốc độ cao. Các ngành, nghề biến đổi liên tục, một số ngành, nghề cũ nhanh chóng mất đi, nhiều ngành, nghề mới nhanh chóng xuất hiện, yêu cầu kỹ năng tổng hợp thay cho kỹ năng hẹp. Chu kỳ vòng đời của mỗi loại sản phẩm du lịch ngày càng ngắn lại, sản phẩm mới liên tục xuất hiện, khu vực dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng lớn về giá trị giá tăng và việc làm. Trong quá trình này, nước nào nắm được xu hướng phát triển công nghệ - kỹ thuật, nước đó sẽ tăng cường được sức mạnh kinh tế và năng lực cạnh tranh.
Những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam cần có giải pháp khôn khéo hơn, dựa vào lợi thế so sánh về tài nguyên độc đáo, bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch. Nhu cầu du lịch thay đổi hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo, du lịch hướng về cội nguồn, hướng về thiên nhiên là những xu hướng nổi trội. Chất lượng môi trường trở thành yếu tố quan trọng cấu thành giá trị du lịch và là tiêu chí không thể thiếu trong đánh giá sự phát triển du lịch. Tất cả những điều đó đòi hỏi trình độ và kỹ năng của nhân lực không ngừng phải nâng lên và thường xuyên thay đổi để phù hợp và kịp bắt nhịp với những cái mới do tiến bộ khoa học-công nghệ đem lại.
Phát triển du lịch gắn chặt chẽ với việc xây dựng con người, xây dựng gia đình đang là xu thế thời đại. Các quốc gia đều nhận thức lấy phát triển nguồn lực con người làm mục tiêu trung tâm; thông qua du lịch để xoá đói giảm nghèo, cân bằng nhịp sống và nâng cao sự hiểu biết của người dân, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, nâng cao dân trí. Nhu cầu du lịch tăng lên với những đòi hỏi mới về sản phẩm du lịch. Cạnh tranh và phát triển trong du lịch sẽ chủ yếu dựa trên tính độc đáo và sáng tạo của sản phẩm, giá trị độc đáo của bản sắc văn hóa và chất lượng môi trường thay vì dựa vào vốn đầu tư như thời kỳ trước.
Việc mở cửa thị trường, xu hướng thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của các nước tạo sự dịch chuyển nhân lực du lịch giữa các nước, nhất là nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nhân lực, yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch mỗi quốc gia. Muốn có nhân lực du lịch chất lượng cao cần phải chuẩn bị yếu tố đầu vào cho phát triển nhân lực ngành Du lịch. Vì vậy, cần nhận thức được vai trò, vị trí hàng đầu của giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ; đẩy mạnh đổi mới giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ để có thể đáp ứng năng động hơn, hiệu quả hơn và trực tiếp hơn nhu cầu nhân lực cho sự phát triển du lịch./.
Nguyễn Văn Lưu
*Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch