Tác động của ngành Du lịch đối với sự phát triển của làng nghề
Tác động tích cực của ngành Du lịch đến nền kinh tế, xã hội, môi trường và nghề thủ công của làng nghề Vạn Phúc là hết sức to lớn và không thể phủ nhận. Trong phần này, chúng tôi chủ yếu chỉ đề cập đến những bất cập và những tác động tiêu cực do quá trình đô thị hóa và sự phát triển nhanh chóng của hoạt động du lịch đem lại cho làng nghề.
Trong quá trình phát triển làng lụa Vạn Phúc đã và đang bị mất đi tính bản địa giàu truyền thống
Hiện nay, đến với làng nghề Vạn Phúc, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những sản phẩm có tính chất bản địa ở đây đang dần bị thay thế hoặc bị áp đảo bởi các sản phẩm có xuất xứ từ nơi khác. Ngoài ra, những sản phẩm lụa được sản xuất chính tại làng nghề cũng bị pha trộn với tỷ lệ lớn những chất liệu công nghiệp, tơ thứ cấp để giảm giá thành đầu vào. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến hiện tượng này là sự tăng giá mạnh mặt hàng tơ – nguyên liệu để tạo ra lụa. Vấn đề đáng quan tâm nhất chính là thái độ của người dân đối với sự xuất hiện những mặt hàng từ bên ngoài tại những cửa hàng mang thương hiệu Vạn Phúc. Việc chấp nhận sự có mặt các mặt hàng ngoại lai nhằm tăng lợi nhuận rõ ràng là biện pháp có tính “ăn xổi ở thì”, và hậu quả của nó là làm mất dần lòng tin của khách du lịch, người tiêu dùng khi họ không thể mua được hàng Vạn Phúc chính hiệu trên chính mảnh đất quê hương của làng nghề. Hiện tượng “vàng thau lẫn lộn” cũng làm cho hình ảnh du lịch - văn hóa của làng nghề bị mai một dần trong con mắt những công ty lữ hành và khách du lịch quốc tế. Một hệ quả nữa là điều này dẫn đến sự coi thường di sản (bí quyết, nghề truyền thống) quý giá mà làng nghề có được suốt hàng ngàn năm lịch sử từ đó nghề truyền thống cũng bị mai một trong nền kinh tế thị trường. Vấn đề cuối cùng trong phần này chính là ảnh hưởng của công nghiệp hóa. Sự thay thế máy dệt thủ công để tăng năng suất đã làm mất đi tính truyền thống, bằng tay và độc nhất của sản phẩm đồng thời làm biến mất một loại hình du lịch hấp dẫn đó là quan sát lao động thủ công theo những bí quyết hoặc phương pháp truyền thống của người dân bản địa.
Có sự dịch chuyển cơ cấu lao động, ngành nghề và lao động theo chiều hướng bất lợi cho sự phát triển bền vững của làng nghề
Đó là sự dịch chuyển từ ngành nghề thủ công kết hợp với những nghề nông truyền thống khác sang những ngành nghề phổ biến thường xuất hiện trong quá trình đô thị hóa. Ngành dệt lụa, cùng với sự mất lòng tin của khách du lịch về tính bản địa của sản phẩm và giảm lượng đặt hàng từ các công ty nước ngoài; đã ngày càng mất đi sự hấp dẫn trên phương diện thu nhập và lợi nhuận kinh tế. Người dân trong làng đã chuyển sang những ngành nghề khác thay vì duy trì nghề truyền thống do cha ông của họ gìn giữ từ hàng ngàn năm qua. Thêm một nguyên nhân nữa là giá tơ tăng. Người dân không thể bám trụ với nghề, và dù còn rất gắn bó với nghề do cha ông để lại, họ vẫn phải ngậm ngùi chuyển sang ngành nghề khác để phục vụ cho cuộc mưu sinh.
Xuất hiện nhiều ảnh hưởng tiêu cực do quá trình đô thị hóa mang lại
Quá trình đô thị hóa, nhất là sự xuất hiện của những khu đô thị mới đã phá vỡ cơ cấu xã hội nông thôn truyền thống nơi đây. Quan hệ họ hàng, ruột thịt, làng xóm đã bị thay thế bởi hệ thống các mối quan hệ khác phức tạp hơn và mở hơn rất nhiều. Lối sống, những hệ giá trị xã hội đang biến đổi từng ngày và cách tư duy trọng tình đang dần bị những giá trị mới của cơ chế thị trường thay thế. Những thực hành có tính truyền thống trong xã hội cũng bị biến đổi một cách đáng kinh ngạc: lễ hội truyền thống của làng đã bị thương mại hóa và những lễ nghi cổ xưa bị rút gọn, đất đai dùng cho hoạt động tâm linh (đất chùa, miếu…) bị chiếm, lấn và dùng sang những mục đích khác. Ruộng đất dùng để canh tác những cây trồng, vật nuôi nông nghiệp đang dần bị lấp đầy bởi những tòa nhà chọc trời, khu sinh thái nhân tạo từ đó dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng về mặt cảnh quan; những xưởng dệt, sân phơi tơ lụa đang dần không còn phù hợp với không gian đô thị ngày càng mở rộng theo những xa lộ mới.
Những thay đổi về chỉ số kinh tế nói lên sự suy giảm của hoạt động du lịch và dịch vụ, trung gian gắn liền với sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Thu nhập đến từ du lịch và hoạt động thương mại thuần túy đang bị thu hẹp lại do thay đổi cơ cấu ngành nghề và cơ cấu lao động. Lượng khách du lịch quốc tế đến đây ngày càng ít dẫn đến thu nhập thực tế từ hoạt động này cũng bị cắt giảm đáng kể. Trước kia, điểm du lịch làng nghề Vạn Phúc là một trong những điểm sáng du lịch làng nghề của tỉnh Hà Tây thì đến nay làng nghề này đã không giữ được vị thế tiên phong của mình trong loại hình du lịch làng nghề trên cả nước và ở thủ đô.
Xuất hiện những tác động về mặt môi trường theo hướng tiêu cực
Sông Nhuệ êm đềm từ xa xưa giờ đã trở thành dòng kênh nước đen và bị ô nhiễm, bốc mùi nặng nề trong mùa khô. Trước kia vấn đề môi trường cần quan tâm ở đây là hệ thống xả thải và xử lý hóa chất do làng nghề xả ra môi trường thì ngày nay vấn đề đó trở nên lớn hơn nhiều. Dòng sông Nhuệ đã trở thành một kênh xả thải của hàng loạt nhà máy và các hoạt động công nghiệp khác ở đầu nguồn, người dân trong làng với sức ép dân số thải lượng rác thải lớn hơn rất nhiều ra môi trường ngày càng bị hạn chế không gian của làng nghề. Chất thải xây dựng cũng là một vấn đề nan giải đối với Vạn Phúc khi trục đường vành đai 3 Lê Văn Lương được mở rộng và kéo theo đó là hàng loạt dự án xây dựng liền kề với làng hoặc có đường giao thông đi qua làng nghề.
Sự đóng góp của hoạt động du lịch vào thu nhập thực tế của người dân địa phương đang có những chuyển biến mạnh
Ngành Du lịch phát triển nhanh chóng đã mang lại nguồn thu nhập rất lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, nguồn thu đó chủ yếu đến tay những người làm du lịch và làm dịch vụ trung gian. Ngoài ra, qua khảo sát tại làng nghề, những sạp hàng ở dãy phố dọc bờ sông Nhuệ có tỷ lệ người dân bản địa thấp, chủ yếu là những người có vốn đến từ khu vực, các làng và khu vực lân cận quanh Q. Hà Đông. Thu nhập thực tế mà người dân bản địa thu được từ hoạt động du lịch chủ yếu đến từ hoạt động phục vụ khách du lịch ăn uống, tham quan tại nhà của họ và bán những sản phẩm thủ công do họ sản xuất ra (lụa).
Định hướng phát triển bền vững cho làng nghề Vạn Phúc
Cải thiện tính công bằng xã hội trong phát triển du lịch (cụ thể ở đây là công bằng về lợi ích kinh tế)
Để làm được điều này cần tăng cường sự phân phối lại thu nhập, trong đó định hướng phát triển loại hình du lịch cộng đồng mà hình thức lưu trú homestay trở thành hạt nhân của hoạt động này. Chính quyền địa phương và hiệp hội làng nghề cần cố gắng gia tăng tỷ lệ người dân bản địa tham gia vào hoạt động du lịch và hoạt động thương mại tại chính quê hương họ thông qua việc cho vay vốn mở sạp hàng, sửa sang nhà cửa, công trình phụ đạt chuẩn để đón tiếp khách và đầu tư vào máy móc duy trì nghề. Việc thuyết phục sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các công ty lữ hành và người dân bản địa cũng góp phần phân chia lại lợi ích và thúc đẩy hoạt động du lịch tăng trưởng trở lại.
Kìm hãm những hoạt động thương mại hóa có khả năng đe dọa đến sự tồn vong và phát triển của nghề truyền thống
Giải pháp đầu tiên là hạn chế sự có mặt của những hàng hóa có xuất xứ bên ngoài làng nghề, đặc biệt là hàng lụa có nguồn nguyên vật liệu công nghiệp và xuất xứ từ Trung Quốc. Tiếp đó, chính quyền địa phương cần phải tìm cách bán được nhiều hơn hàng hóa có xuất xứ tại địa phương thông qua hoạt động quảng bá, marketing nhằm khẳng định lại giá trị của sản phẩm làng nghề, trong đó nhấn mạnh đến phẩm chất và tính độc nhất của chúng. Người dân địa phương cần được giáo dục lòng tự hào về nghề truyền thống để từ đó gắn bó với nghề hơn và chuyên tâm vào cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm của làng nghề.
Đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của khách du lịch
Hiện nay đến làng nghề, ngoài hoạt động mua sắm tại các cửa hàng, tham quan các điểm di tích lịch sử văn hóa và ăn uống tại nhà người dân địa phương khách du lịch khó có thể tìm kiếm được hoạt động nào khác trong thời gian rỗi. Để giữ chân khách ở lại làng lâu hơn và thỏa mãn nhiều hơn nhu cầu của du khách, ngành Du lịch và chính quyền dịa phương, người dân trong làng cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ như tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động nhằm thúc đẩy sự tham gia của khách du lịch vào những hoạt động sản xuất, sinh hoạt thường ngày của nhân dân (thử dệt lụa, kéo tơ và may mặc); có thể phát triển loại hình giải trí thôn dã như câu cá, thăm thú đồng ruộng và tự nấu ăn trong không gian của làng nghề.
Duy trì chất lượng môi trường
Làng nghề đã nhận được đề án tách rời khu vực sản xuất ra khỏi nơi cư trú của người làng (nhà dân). Đề án này giúp ngăn chặn những tác động xấu đến môi trường do sự tùy tiện của người dân nhưng có nguy cơ đe dọa đến tính truyền thống cũng như hấp dẫn dành cho hoạt động du lịch. Làm thế nào để làng nghề vẫn có thể gìn giữ được bản sắc truyền thống của nó đồng thời vẫn đảm bảo các vấn đề môi trường như giữ gìn sự trong lành của nguồn nước, hạn chế xả các loại chất thải hóa chất và hạn chế tiếng ồn là vấn đề then chốt cần giải quyết tức thì là hạt nhân của phát triển du lịch bền vững tại làng nghề.
Lập quy hoạch phát triển du lịch
Hiện nay làng nghề vẫn phát triển một cách tự phát, chính quyền địa phương và ngành Du lịch chưa có tác động đáng kể đến hoạt động du lịch nơi đây. Hiện tượng suy giảm khách du lịch và mức độ thỏa mãn của họ tác động đến mong muốn quay lại điểm ngày càng giảm dẫn đến sự suy giảm các chỉ số kinh tế - xã hội của các hoạt động liên quan đến du lịch. Vấn đề này nếu không được giải quyết tốt, rất có thể làng lụa Vạn Phúc đang là một điểm sáng tiên phong trong hoạt động du lịch làng nghề của cả nước sẽ trở thành một điểm chết của hoạt động du lịch và chịu ảnh hưởng nặng nề của xói mòn văn hóa truyền thống. Lập quy hoạch du lịch liên quan đến nguồn vốn đầu tư, xác định sự sử dụng không gian khác nhau của làng nghề và định hướng cơ cấu lao động, kinh tế của điểm.
Liên kết với những điểm du lịch văn hóa - tự nhiên phụ cận
Nhằm gia tăng mức độ thỏa mãn của khách du lịch và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của vùng du lịch; cần xây dựng các tour làng nghề - sinh thái - mua sắm hoặc làng nghề - di tích lịch sử, du lịch làng nghề - lễ hội và du lịch thiền gắn liền với không gian văn hóa làng (đình, chùa).
Sự suy giảm hoạt động du lịch tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc phần nào đã cảnh báo về những hậu quả của việc phát triển không tuân theo những nguyên tắc phát triển bền vững tại những điểm du lịch đặt nặng nguồn tài nguyên vào yếu tố văn hóa. Chưa phải là quá muộn khi chúng ta đánh giá lại những chính sách quản lý và định hướng phát triển sao cho phù hợp với đặc thù nguồn tài nguyên cũng như những yêu cầu do quá trình hội nhập và toàn cầu hóa đặt ra.
Vạn Phúc được biết đến nhiều nhất bởi sản phẩm tơ lụa nổi tiếng trong lịch sử. Lụa ở đây được chắt lọc tinh hoa từ nhiều thế hệ xuyên suốt quá trình lịch sử. Lụa Vạn phúc nổi tiếng bởi sự mềm, mượt, mát và có hoa văn tinh xảo hơn rất nhiều so với nhiều làng nghề dệt lụa khác ở Việt Nam. |
Trương Sỹ Tâm
Đại học Văn hóa Hà Nội
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)