DU LỊCH THẾ GIỚI VÀ NHỮNG DỰ BÁO
Về tăng trưởng khách du lịch quốc tế
Giai đoạn 2010-2030, số lượng khách du lịch quốc tế dự báo sẽ tăng trung bình 3,3%/năm, so với 3,9%/năm trong giai đoạn 1995 - 2010. Số lượng khách du lịch quốc tế đã vượt con số 1 tỷ lượt năm 2012, đến năm 2020 dự báo sẽ đạt gần 1,4 tỷ lượt, năm 2023 khoảng 1,5 tỷ lượt, năm 2030 khoảng 1,8 tỷ lượt. Tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần từ 3,8 %/năm năm 2011 xuống 2,5 %/năm năm 2030.
Dự báo nêu trên phản ánh xu hướng của một giai đoạn dài. Trong ngắn hạn, tốc độ phát triển theo dự báo có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với thực tế. Tuy nhiên, trong dài hạn dự báo vẫn có thể tương đối chính xác.
Về số lượng khách, trong giai đoạn 2010-2030, trung bình hàng năm số lượng khách du lịch quốc tế tăng khoảng 43 triệu lượt, so với 28 triệu lượt giai đoạn 1995-2010. Con số 43 triệu lượt tương đương với số lượt khách du lịch đến một điểm đến hàng đầu thế giới như Italia trong năm 2010.
Năm 1980, 70% số lượt khách đến các điểm đến truyền thống ở các nước công nghiệp phát triển ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2030, 58% số lượt khách đến các điểm đến đang phát triển ở châu Á, Mỹ La-tinh, Trung và Đông Âu, châu Âu vùng Đông Địa Trung Hải, Trung Đông và châu Phi.
Về khách du lịch đến các khu vực trên thế giới
Trong hai thập kỷ tới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đón thêm nhiều khách du lịch quốc tế nhất, từ 204 triệu lượt năm 2010 lên đến 535 triệu lượt năm 2030. Kết quả là thị phần khách du lịch quốc tế khu vực châu Á và Thái Bình Dương sẽ tăng từ 22% năm 2010 lên 30 % năm 2030. Khách du lịch quốc tế đến Trung Đông và châu Phi cũng sẽ tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn này, tương ứng từ 61 triệu lượt lên 149 triệu lượt và từ 50 triệu lượt lên 134 triệu lượt. Châu Âu và châu Mỹ có mức tăng tương đối thấp hơn, tương ứng 56,6% (từ 475 triệu lượt lên 744 triệu lượt) và 65,3% (150 triệu lượt lên 248 triệu lượt). Thị phần của châu Âu sẽ giảm từ 51% năm 2010 xuống 41% năm 2030, của châu Mỹ giảm từ 16% năm 2010 xuống 14% năm 2030, chủ yếu do tốc độ tăng tương đối chậm lại của khu vực Bắc Mỹ, Bắc Âu và Tây Âu so với các khu vực khác.
Với các tiểu khu vực, Đông Bắc Á là tiểu khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất, trung bình khoảng 9 triệu lượt khách/năm. Đến năm 2030, khu vực này sẽ thu hút nhiều khách du lịch quốc tế nhất với 293 triệu lượt, vượt qua khu vực Nam Âu/Địa Trung Hải (264 triệu lượt) và Tây Âu (222 triệu lượt). Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách du lịch quốc tế lớn thứ 4 thế giới với 187 triệu lượt, tiếp theo là Trung và Đông Âu (176 triệu lượt), Trung Đông (149 triệu lượt) và Bắc Mỹ (138 triệu lượt).
Về nguồn khách du lịch quốc tế
Đến năm 2030, nguồn khách xuất phát từ châu Âu sẽ đạt 832 triệu lượt, tiếp theo là châu Á - Thái Bình Dương (541 triệu lượt), châu Mỹ (265 triệu lượt), châu Phi (90 triệu lượt) và Trung Đông (81 triệu lượt). Tuy nhiên, châu Phi là khu vực có tốc tộ tăng trưởng nguồn khách lớn nhất (5,7%), tiếp theo là khu vực châu Á - Thái Bình Dương (5%).
Nếu tính số lượng khách tuyệt đối thì đến năm 2030 châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực nguồn có số lượng tăng cao nhất, trung bình 17 triệu lượt khách/năm, tiếp theo là châu Âu (16 triệu lượt/năm) do số khách hiện tại từ các khu vực này đã cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Khoảng 10 triệu khách tăng thêm hàng năm còn lại là từ châu Mỹ (5 triệu), châu Phi (3 triệu) và Trung Đông (2 triệu).
Về xu hướng đi du lịch
Đến năm 2030, đa số lượng khách du lịch quốc tế xuất phát từ nội vùng 1,4 tỷ lượt (78%) so với 0,4 tỷ lượt (22%) từ các vùng khác. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, du lịch nội vùng có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Đến năm 2030, số lượng khách xuất phát từ nội vùng châu Á và Thái Bình Dương là 0,44 tỷ (83%) so với 0,10 tỷ (17%) khách du lịch xuất phát từ các vùng khác.
Dự báo đến năm 2030, vận chuyển du lịch quốc tế bằng đường hàng không sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ cao hơn một chút so với vận chuyển đường bộ, đường sắt và đường thủy: trung bình 3,4%/năm so với 3,2% năm. Đến năm 2030, 51% lượng khách du lịch quốc tế sẽ đi du lịch bằng đường hàng không so với 49% bằng các phương tiện khác.
Mục đích chuyến đi du lịch được dự báo không có thay đổi lớn theo thời gian. Khách du lịch đi với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí sẽ tăng với tốc độ tăng chung của khách du lịch quốc tế (3,3%/năm) trong khi khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo và các mục đích khác sẽ tăng với tốc độ cao hơn một chút (3,5%/năm) và khách du lịch đi với mục đích công việc, nghề nghiệp sẽ tăng với tốc độ chậm hơn (3,1%/năm).
Đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe và tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch quốc tế; với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%. Mục đích đi du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương không khác biệt nhiều đối với mức chung của thế giới, điểm đáng lưu ý là mục đích thăm viếng, chữa bệnh và tôn giáo cao hơn so với mức chung của thế giới và mục đích công việc, nghề nghiệp ở mức thấp hơn.
CƠ HỘI VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI DU LỊCH VIỆT NAM
Xu hướng tăng trưởng liên tục về lượng khách du lịch quốc tế là cơ hội cho tất cả các điểm đến, nhất là các điểm đến có nhiều tiềm năng phát triển du lịch như Việt Nam. Vấn đề đặt ra là các điểm đến phải phát huy được tài nguyên du lịch, tạo được sự khác biệt thông qua sáng tạo liên tục và có chiến lược, biện pháp quản lý phù hợp để duy trì và tăng cường sức cạnh tranh bền vững.
Đặc biệt, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo có tốc độ tăng trưởng về số lượng khách đến cao nhất; Đông Nam Á sẽ là tiểu khu vực thu hút lượng khách du lịch lớn thứ 4 trên thế giới. Đây là cơ hội lớn cho Du lịch Việt Nam. Vấn đề đặt ra là Việt Nam phải làm thế nào để có thể hợp tác và cạnh tranh hiệu quả với các nước có ngành Du lịch phát triển trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore và các nước có ngành Du lịch đang phát triển mạnh như Myanmar, Campuchia.
Do châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ là những khu vực thị trường nguồn chủ yếu của du lịch thế giới nên các điểm đến nói chung cần chú trọng khai thác các khu vực thị trường nguồn này. Đồng thời, tùy điều kiện cụ thể của mỗi nước, Trung Đông có thể là khu vực thị trường nguồn quan trọng do khách du lịch từ khu vực này có chất lượng cao (chi tiêu nhiều, lưu trú dài ngày) mặc dù số lượng không lớn so với các khu vực khác. Đối với Việt Nam, cần nắm bắt xu hướng du lịch nội vùng châu Á - Thái Bình Dương, nhất là từ các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan), Đông Nam Á, châu Đại Dương (Australia, New Zealand) và Nam Á (Ấn Độ).
Do mục đích chủ yếu của đa số du khách, du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí cần được chú trọng. Đây cũng là lợi thế của Việt Nam với tài nguyên đa dạng, phong phú về cả tự nhiên và văn hóa - lịch sử. Đồng thời, để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, cần có định hướng phát triển các sản phẩm du lịch sức khỏe, tôn giáo…
Do hàng không là phương tiện chủ yếu kết nối khách du lịch và điểm đến, việc tăng cường phát triển mạng lưới đường bay kết nối thị trường và điểm đến và kết nối các điểm đến với nhau có vai trò quan trọng. Đối với Việt Nam, cần tăng cường phát triển cả hệ thống cảng biển đón tàu du lịch để thu hút khách du lịch tàu biển ngày càng phát triển ở khu vực Đông Nam Á, đẩy mạnh tăng cường kết nối với các nước láng giềng bằng đường bộ.
Có thể thấy, những dự báo về tình hình du lịch thế giới tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra những thách thức đối với ngành Du lịch Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
Tổ chức Du lịch thế giới. (2011). Du lịch đến năm 2030: Dự báo tổng thể toàn cầu. Madrid: Tổ chức Du lịch thế giới.
Tổng cục Du lịch (Vụ Hợp tác quốc tế). (2013). Tình hình du lịch thế giới và tác động đến du lịch Việt Nam. Hà Nội: Tổng cục Du lịch. |
TS. Lê Tuấn Anh
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)