Tôi hiểu chị, tha hương nhớ cố hương, muốn nương náu vị ngon quê nhà (dù bằng ngôn ngữ) để nỗi nhớ quê dằng dặc kia không làm trắng những đêm mất ngủ. Nhưng tại sao lại là bà Hoành ở Thanh Trì mà không là một ai khác? Chị bảo, ngày chưa sang Mỹ, gia đình chị còn ở Hà Nội, mỗi lần mua bánh cuốn cho cả nhà mẹ đều mua bánh cuốn bà Hoành. Bánh bà làm lạ lắm, ăn hoài quen vị rồi ăn bánh người khác làm tự nhiên thấy kém ngon hẳn.
Những người còn lại của Thanh Trì làm bánh cuốn ngon nổi tiếng không còn nhiều nữa. Chỉ còn lại cái tên “Bà Hoành” làm thương hiệu do con cháu lấy để kinh doanh. Nhiều người Hà Nội xưa bảo rằng bánh cuốn “Bà Hoành” do con cháu làm bây giờ không ngon như chính bà Hoành làm lúc trước nữa. Cũng có thể nhận xét ấy đúng, nhưng cũng có thể do người ta thương “vị xưa” nhớ “người cũ” mà nói thế. Con dâu bà Hoành là cô Dung chủ hàng “Bánh cuốn bà Hoành” ở 66 và 33 Tô Hiến Thành vẫn giữ cách làm truyền thống. Bánh tráng mỏng tang, lớp xếp lớp nhè nhẹ như lượn sóng chồng lên nhau lớp lớp. Trên mặt bánh có hành tươi phi ngả nâu, loang chút nâu vàng trên mặt bánh trắng.
Gạo ngon thì bánh ngon. Gạo làm bánh cuốn thường là gạo Khang Dân, gạo dẻo không làm được. Gạo ngâm 2 tiếng, xay bột mượt, hòa nước vừa đủ, bột đặc bánh khô, bột nhão bánh nát. Pha bột xem vậy mà khó, phải có tay pha bột bánh tráng mới ngon. Khi tráng bánh, người thợ phải đổ đều tay, dát mỏng bột trên mặt vỉ tráng, bánh chín chỉ một chiếc đũa tre có thể gỡ bánh ra khỏi vỉ. Từng lớp bánh cuốn được xếp so le nhau không rách, không nát. Có hai loại bánh cuốn: bánh chay (không nhân) và bánh thịt (thịt lợn băm nhỏ, hành, mộc nhĩ ướp chút gia vị xào chín làm nhân). Người Hà Nội thích ăn bánh cuốn chay với chả quế, nước chấm có chút hành khô phi vàng. Chả ăn kèm không quá ngấy, ăn giòn và thơm. Người ta còn kể bánh cuốn chay ngày xưa bà Hoành làm ăn mát như thạch, ăn cùng với đậu phụ rán và nước chấm chua mặn ngọt và thanh nhẹ. Có thêm đĩa cà cuống đã hấp chín để phục vụ những ai muốn được thưởng thức bánh cuốn với hương vị cà cuống của Hà Nội xưa. Cà cuống kết hợp với bánh cuốn có vị vừa thơm, vừa cay, vừa bùi lại vừa ngon.
Trong buổi trưa dừng chân ở hàng bánh cuốn Bà Hoành do con dâu bà mở, tôi uống nước chè xanh của bà cụ 97 tuổi là Phạm Thị Sớt, nhà trong ngõ Tô Hiến Thành là bạn thưở thiếu thời của bà Hoành. Bà cụ 97 tuổi, răng đen bóng, lưng đã còng gần sát đất vẫn bán nước chè tươi. Cụ Sớt kể: “Hoành là tên chồng nên gọi là “bà Hoành” chứ thực ra tên bà ấy là Lý Thị Hồng. Nhà bà ấy có đến 7 đời làm bánh cuốn ở xóm Đình, Thanh Trì. Hồi bà ấy mười mấy tuổi bán bánh cuốn ở vườn hoa Pasteur rồi sau đó mới về phố Tô Hiến Thành ngồi bán bánh cuốn Thanh Trì, từ số nhà 62 chuyển qua 37 rồi 35 và 66 đến lúc truyền nghề cho con dâu thì bà Hồng làm bánh cũng ngót nghét 70 năm”. Cụ Sớt bỏm bẻm nhai trầu cười tủm tỉm: “Bà ấy còn nghề nấu xôi gấc bán ở chợ Gạ đấy. Bà Hồng khéo tay, làm món gì cũng ngon. Bà ấy mất lâu rồi nhưng cứ về Thanh Trì hay hỏi ở phố này thì ai cũng biết bà ấy”.
Hà Nội có ba hiệu bánh cuốn ngon là Thanh Vân, bà Hoành và Kỳ Đồng… Ngoài ra còn hàng bánh cuốn nóng 101 Bà Triệu với nhiều kiểu nhân như nhân thịt, trứng, tôm thịt nấm với đủ đồ ăn kèm như lạp xưởng, chả mực, ruốc... cũng được mọi người ưa thích.
Không phải là dòng bánh cuốn nóng kiêu sa như bánh cuốn Thanh Vân, cũng không nằm chỗ đắc địa tại khu phố ẩm thực Tống Duy Tân cùng bề dày truyền thống như bánh cuốn Kỳ Đồng. Bánh cuốn Thanh Trì bà Hoành là món ăn bình dị, thân quen để khi đi xa người ta lại nhớ như chị bạn của tôi.
Đêm ấy, tôi viết email cho chị: “Chị ơi, bà Hoành không còn nữa. Nhưng bánh cuốn chị ăn hồi xưa của bà vẫn được con cháu bà làm… Nhớ quê thì về một chuyến để thăm rồi em đưa chị ăn bánh cuốn Thanh Trì…”
Nguyễn Thị Việt Hà
(Tạp chí Du lịch)