TUYÊN QUANG - THỦ ĐÔ GIÓ NGÀN
Đến Tuyên Quang lần này, điều chúng tôi quan tâm đầu tiên là khảo sát và tìm hiểu những tiềm năng du lịch của vùng đất đã có hai lần được lịch sử lựa chọn để làm cái nôi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thần kỳ. Tuyên Quang - một phần của trấn Hưng Hóa xưa, đã được Bác Hồ chọn làm nơi ươm mầm cho cách mạng, đã trở thành thủ đô kháng chiến và qua hai lần được lựa chọn ấy đã gắn với cuộc đời Người ở vào những giây phút trọng đại nhất. Đồng chí thuyết minh người Tày duyên dáng trong bộ quần áo dân tộc, chỉ cho chúng tôi từng kỷ vật về những năm tháng ấy của Người, giọng nói vẫn rưng rưng. Có cái gì đó chung giữa lán Nà Lưa (tiếng Tày có nghĩa là ruộng cao, cũng như Nà Hang là ruộng thấp, Nà Rì là ruộng dưới, không phải Nà Lừa như ta vẫn gọi), với Pác Bó, với ngôi nhà sàn Bác ở trong những năm chỉ đạo cuộc kháng chiến và ngôi nhà sàn Bác ở sau này giữa thủ đô Hà Nội. Đó là sự giản dị, lão thực của một nhân cách lớn, ghét thói khoa trương và những hư vinh, đó là phương châm sống chỉ dùng những cái tối thiểu cần cho một cuộc sống thanh đạm của riêng mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi đứng tần ngần rất lâu trước chiếc máy bay loại cổ, cánh quạt, trên thân còn ghi rất rõ dòng chữ “US army force” sơn màu cỏ úa, nằm im lìm ở nơi trước đây đã từng là sân bay có tên Lũng Cò gần khu tượng đài của Công an nhân dân. Dù đã đọc rất nhiều truyện trinh thám, những chuyện về chiến tranh nhân dân của Liên Xô, Nam Tư... trước đây nhưng tôi vẫn không thể nào hình dung được rằng từ sân bay Lũng Cò, bằng chính chiếc máy bay này, Người đã giữ mối liên lạc của cách mạng Việt Nam với quân Đồng Minh, đã sử dụng tối đa có thể lực lượng Đồng Minh trong những ngày chuẩn bị của cuộc cách mạng giải phóng.
Chúng tôi đến Tân Trào (tên cũ là Kim Long) đúng vào 14 tháng giêng nên buổi tối trời trong và trăng sáng một cách đầy thơ mộng. Dòng sông Phó Đáy đã đi vào thơ Người trong những năm kháng chiến nằm ngay bên cạnh. Chúng tôi đi bên dòng sông một thuở đã gắn với cuộc sống của “người lính già”, với nhân dân, chiến sĩ nơi đây. Phó Đáy bây giờ vẫn là sông xưa, nhưng cảnh quan, như người ta nói, đã thay đổi rất nhiều. Cái mênh mông của núi rừng thì vẫn thế nhưng cái lặng lẽ đã không còn và không thể nào tìm được cái “mịt mù khói sóng” năm nào. Đình Tân Trào vẫn còn đây và phiến đá thờ dân làng đặt có phải là viên đá thờ ngày ấy? Hình ảnh “Bác ngồi dựa vào chiếc cột này, nghe mọi người thảo luận về những nhiệm vụ của cách mạng” khi vừa dứt cơn sốt rừng, hình ảnh Người ngồi bên cửa sổ và hình ảnh Người “ung dung yên ngựa trên đường suối reo”..., khi hòa vào nhau, khi tách ra cứ chập chờn trước mặt.
HÀ GIANG VÀ CAO NGUYÊN ĐÁ
Để lại Tuyên Quang phía sau với rất nhiều lưu luyến, chúng tôi ngược đường về Hà Giang. Trong khi xe chạy, tôi lại nhớ về cái ngày đứng ở chót mũi Cà Mau, ngay chỗ rẻo đất nhô ra phía biển mà nhà văn Nguyễn Tuân gọi là “cái ngón chân cái của bàn chân vạn dặm” ấy, tôi đã mơ về một ngày nào đó được đặt chân lên miền cao nguyên đá, đến thăm Lũng Cú - mỏm đất tận cùng phía Bắc của Tổ quốc, để được thỏa cái ý nghĩ thế là mình đã đến tận cùng hai đầu của đất nước rồi. Thêm vào đó là những ám ảnh về tiếng sáo Mèo mênh mang giữa cao nguyên đá, những phiên chợ vùng cao và hình ảnh người chồng say bí tỉ được vợ vực lên lưng ngựa, phía sau là người vợ cần mẫn bám đuôi ngựa lần từng bước để về nhà trong bảng lảng sương chiều, nhập nhòa sáng tối, mà tôi đã đọc đâu đó trong sách vở, nghe qua bài giảng của thầy... Trong trí tưởng tượng rất nhiều sai lệch của tôi, đường lên Hà Giang ắt phải lắm đèo, nhiều vực và “hành lộ nan” là cái chắc. Thế nhưng, con đường lên Hà Giang hôm nay khác hẳn. Đường ô tô rải nhựa tốt, xe chạy bon bon qua rất nhiều cảnh quan thơ mộng, mọi người ngồi trong xe thoải mái chuyện trò mà không có chút lo ngại gì về chuyện đi đường. Thỉnh thoảng xe chúng tôi lại gặp những xe du lịch loại sang, nhỏ chạy ngược chiều hoặc chạy vượt qua. Anh hướng dẫn viên bảo: “Xe của dân du lịch đấy anh ạ. Dân “phượt” chúng em mê tuyến đường này lắm. Em là thổ địa của tuyến núi này, em biết. Đội chúng em có độ chục người còn đi xe máy lên tận Mèo Vạc”.
Những cung đường ở Hà Giang. Ảnh: Bá Ngọc
Xe chạy song song với dòng Lô một đoạn khá dài. Sông Lô đang vào mùa cạn, có nhiều đoạn trơ đáy, cát sỏi bày lổn nhổn gợi một cái gì đó như tang thương, những hõm nước xanh ngăn ngắt lạnh, hai bên bờ chỗ thì lưa thưa lau trắng, chỗ thì có những hàng cây giống như sung, si âm thầm ngả bóng, đầy vẻ trầm mặc. Chiều muộn, xe lại hỏng, tôi tranh thủ thả bộ theo dọc bờ sông, ngó nghiêng những ngôi nhà rải rác bên đường. Đã qua tết rồi nhưng không khí xuân vẫn còn ở đây đó. Đến Hà Giang muộn, trời lạnh nhưng sự niềm nở của các anh chị ở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang khiến chúng tôi thấy ấm lòng, dù chúng tôi mới gặp nhau lần đầu. Đêm ngủ ở nhà sàn. Sáng ra, nhìn thấy núi ngay bên cạnh, cảnh sắc đẹp như tranh thủy mặc. Ngay bên bờ ao, những cây đào hoa nở đỏ, những cây mận trắng đẹp một màu tinh khiết và tiếng chim gù mang lại vẻ yên bình của cuộc sống nơi đây. Đúng là khắc đi, khắc biết, cảnh đẹp Hà Giang không thể chỉ tả bằng lời, gian khó ở Hà Giang cũng không chỉ kể mà hết được. Ở một vùng đất “nắng không quá 3 ngày, đi không quá 3 bước đã hết đất bằng”, những tưởng tượng dù bay bổng nhất cũng không nói hết được sự vất vả của cuộc sống nơi này. Tôi đến đây không vào mùa mưa nhưng có lúc xe đã phải bật đèn rồi dừng lại bởi sương mù. Đứng ở Cổng Trời Quản Bạ - cửa ngõ đi vào cao nguyên đá, anh Hải, Chủ tịch huyện Đồng Văn, cứ tiếc vì trời mù sương nên không thể nhìn thấy núi Đôi thơ mộng mà theo anh, vào ngày đẹp trời, đứng ở đây mới thấy đẹp mê hồn. Trên cái nền của trập trùng đá bủa vây, một rẻo đất nhỏ cũng nhấp nhô, lổn nhổn đá tảng, đá hòn, đá nằm, đá dựng. Tôi được nghe kể rằng, người dân phải gom đất từ nơi khác về các hốc đá để trỉa ngô và công cuộc tìm đất, tìm nước là nỗi lo thường nhật của những ai muốn tồn tại ở vùng cao nguyên đá. Thị trấn trung tâm huyện Quản Bạ cũng giống như Yên Minh, Đồng Văn hay Mèo Vạc sau này tôi đến, nằm trong một thung lũng khá rộng, phong quang, yên bình. Những ngôi nhà cổ nằm xen với những ngôi nhà bê tông mới dựng. Ở nơi này ít dân hơn nên người ta làm nhà to hơn và mới chỉ độ năm giờ chiều đường đã vắng ngơ vắng ngắt. 9 giờ tối, tôi đi dọc con đường xuyên qua trung tâm huyện mà thi thoảng mới gặp một bóng người. Phố cổ Đồng Văn nhà thấp nhỏ, hai tầng, mái lợp ngói âm dương bạc màu thời gian, chỗ thì mốc thếch bởi rêu, chỗ thì loang lổ với những mảng màu thẫm nhạt không biết vì lý do gì, đèn trong nhà cứ mờ mờ và sâu hun hút. Ngồi trong một quán cà phê phố cổ, thưởng thức tách cà phê nóng trong mịt mù khói thuốc và sương giăng, cảm giác thật là lạ.
Chúng tôi lên dinh của vua Mèo Vương Chí Sình vào một buổi chiều nắng đẹp, trời ấm sau mấy hôm mù mịt mây và giá rét. Giữa một vùng đất chỉ có núi đá ngất trời, đường sá khó khăn như thế mà Vương đã chọn được một khu đất thật đẹp để xây cho mình một lâu đài bằng đá và gỗ, kiến trúc pha trộn giữa kiểu lâu đài của phương Tây thời Trung cổ với kiến trúc của người miền Nam Trung Quốc. Cô hướng dẫn viên là hậu duệ đời thứ 5 của vua Mèo, giọng Kinh lơ lớ mà thật có duyên. Cô kể về người cụ của mình đầy vẻ tự hào. Tôi một mình lang thang qua hết các gian buồng ở, phòng ăn, nhà kho thuốc phiện, kho vũ khí, leo lên tận chòi gác và ra các ngôi mộ của hai cha con Vương. Trước mộ đắp hai câu khắc trên thanh kiếm Bác Hồ tặng Vương những ngày đầu nước nhà giành được độc lập, một bên là “tận trung báo quốc” và bên kia là “bất thụ nô lệ”. Trời chiều, xe chúng tôi chạy gấp gáp lên cột cờ Lũng Cú. Đến đây tôi mới biết Lũng Cú không phải là thung lũng có nhiều chim cú mà do người ta đọc chệch từ “long cư”, nghĩa là “nơi ở của rồng”. Thung lũng rồng ở thật đẹp, đẹp hơn cả thị trấn Đồng Văn, nhất là khi đứng trên đỉnh của ngọn núi dựng cột cờ. Lá cờ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc ngạo nghễ bay trong nắng chiều. Phía xa xa, như bàn tay chỉ của hướng dẫn viên du lịch là đất khác rồi.
TẢN MẠN DỌC ĐƯỜNG
Những con đường Việt Bắc khi ai chưa đến đều ít nhiều lo lắng nhưng khi đã đến rồi mới cảm nhân được vẻ hấp dẫn của nó. Những cung đường quanh co, ngoắt nghoéo, những vực sâu, đèo cao, những cua tay áo chất chồng dọc cao nguyên đá, kéo dài từ Quản Bạ lên tới biên giới. Đi lại con đường gắn với những chiến công vang dội một thời như Bông Lau, Lũng Phầy, đến với những địa danh mà trước đây tôi mới chỉ biết đến qua sách giáo khoa địa lý như Mã Pí Lèng, Cổng Trời, Lao Và Chải, Lao Pao Chải, Lũng Cú... Càng đi, càng thấy vẻ đẹp kỳ vĩ của những nẻo đường Việt Bắc. Khi đi qua huyện Hàm Yên, tôi cứ cố dò hỏi về lâm trường Hàm Yên những năm 50, 60 của thế kỷ trước, mến phục và thương cảm cho những người đã đặt những nhát búa đầu tiên mở những con đường phát triển kinh tế, văn hóa miền núi. Vượt Mã Pí Lèng, ngồi nghỉ trên đỉnh đèo, ngắm dòng Nho Quế đẹp như một dải lụa đang lúc ẩn, lúc hiện sau những đám mù như sương, như khói phía dưới, chúng tôi đều giật mình trước dòng chữ đục trên đá với những nét chữ rất thủ công, không đẹp mà như khắc, như tạc vào lòng bởi sự giản dị mà dữ dội: “Đây là con đường hạnh phúc, Đảng, nhà nước mở cho đồng bào các dân tộc Hà Giang với 2.946.321 ngày công, có sự tham gia của 1.261.615 thanh niên chủ lực, 984.706 dân công, đào đắp 2.899.638 m3, xây 42 cây cầu dài từ 4m trở lên, 392 cái cống lớn nhỏ, đã tiêu 5.549,201đ, khởi công 10.9.1959, hoàn thành 10.3.1965”. Đúng là con đường mang lại nhiều đổi thay cho vùng biên cương này nên người ta đã gọi nó là đường hạnh phúc. Xưa kia, cách duy nhất để xuống chợ, về xuôi là chân trần xuyên qua những vách đá tai mèo chứ ngựa cũng không leo được. Không giống như câu nói của Lỗ Tấn, “cứ đi nhiều sẽ thành đường” mà những con người nơi đây phải xẻ đá làm đường, bắc cầu qua vực sâu, mở lối qua núi cao, vực thẳm để có đường. Tôi cứ thấy tiếc, giá như ở chỗ nghỉ này, bên cạnh việc đặt một số chỗ ngồi cho du khách nghỉ chân, có một căn phòng trưng bày một số hình ảnh trước khi mở đường, một số hiện vật của những người tham gia mở con đường hạnh phúc này thì hay biết bao nhiêu. Vẻ đẹp của những con đường nơi này đã cuốn hút chúng tôi. Nhìn những ngọn núi chất chồng mảnh nhọn đá tai mèo, những con đường rừng chỉ như một vệt mòn lúc ẩn, lúc hiện sau những gộp đá, tôi lại thấy câu hỏi của những đồng nghiệp ở nơi đây như một món nợ lòng: làm gì để Hà Giang giàu lên, đời sống nhân dân đỡ khổ? Mừng vì ở mấy huyện tôi qua, bình quân lương thực đầu người cũng đạt 500 - 600kg/người/năm, nhưng để từ chỗ đủ ăn đến chỗ làm giàu là chuyện gian nan vô cùng. Ở nơi giao thông không thuận tiện, thiếu đất, thiếu nước, thiếu vốn, thiếu nhân lực mà tài sản đáng giá nhất chỉ là thiên nhiên và những cái độc đáo trong đời sống của các cộng đồng dân cư thì chỉ có cách duy nhất là đầu tư cho du lịch. Khung cảnh thiên nhiên vừa hoang sơ, vừa hùng vĩ, những con người và lễ hội nơi đây là nguồn lực không nhỏ cho phát triển du lịch nhưng nếu không chú ý từ đầu, chúng ta rất dễ lặp lại những sai lầm ở nơi này, nơi khác. Nếu có sự nghiên cứu thật khoa học, cách tiến hành thật bài bản, tránh xu hướng ăn xổi ở thì thì mới hy vọng làm du lịch ở nơi này có hiệu quả.
Khác với phía Tuyên Quang đường lên Đồng Văn không có hoa đào, hoa mận. Chỉ thấp thoáng đâu đó những đám cây sa mộc mới trồng. Tôi cố tìm những bông hoa thuốc phiện mùa này đang độ đơm hoa nhưng em gái Mông đi cùng bảo: "Đố anh còn tìm thấy ở Hà Giang một cây thuốc phiện. Chúng em đã nghe theo cán bộ bỏ hết cây thuốc phiện đi rồi”. Giản dị vậy thôi, một khi đã tin yêu rồi thì lòng tin không gì lay chuyển nổi. Cái mộc mạc mà bền chắc nơi đây đã làm ấm lòng chúng tôi, ý nghĩ bật ra một cái gì đó như thơ, mai anh về, chưa xa mà đã nhớ, lòng da diết gọi Đồng Văn ơi, Đồng Văn…
Phạm Quang Long