Nhằm góp phần làm giảm nhiễm HIV/AIDS và một số bệnh liên quan trong người nghiện các các chất dạng thuốc phiện và từ nhóm nghiện các chất dạng thuốc phiện ra cộng đồng, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, cùng với 15 tỉnh, thành phố khác trong cả nước, chương trình Methadone đã được triển khai thực hiện tại Thanh Hóa từ tháng 5/2011 đến hết năm 2012 tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Thanh Hóa với sự tham gia của khoảng 250 người nghiện ma túy.
Kinh phí được hỗ trợ chính từ Ngân hàng thế giới và vốn đối ứng của địa phương bao gồm: kinh phí cung cấp thuốc Methadone, kinh phí sửa chữa cải tạo cơ sở, mua sắm trang thiết bị và tiền lương cho các cán bộ trực tiếp tham gia đề án... Dự kiến đến năm 2012 tỉnh Thanh Hóa sẽ đánh giá kết quả hoạt động của cơ sở điều trị, tiếp tục duy trì hoạt động của cơ sở đã triển khai và mở rộng thêm 2 - 4 cơ sở điều trị khác, để đến cuối năm 2015 sẽ có từ 3 đến 5 cơ sở điều trị Methadone.
Theo thống kê của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Thanh Hóa, sau 6 tháng đi vào thử nghiệm, hiện có 256 bệnh nhân đang điều trị bằng Methadone thường xuyên tại đây, trong đó có 102 người đã ổn định, dừng sử dụng ma túy, heroin và không còn thèm nhớ ma túy; 70% số bệnh nhân tăng cân với mức trung bình từ 2 - 4 kg sau 3 tháng điều trị. Tác dụng thể hiện rõ nhất là cả sức khỏe thể chất và tinh thần của người tham gia điều trị được cải thiện đáng kể.
Người nghiện khi tham gia điều trị bằng thuốc Methadone vẫn có thể giữ được đầu óc tỉnh táo, không lên cơn thèm các loại ma túy, không phải tìm mọi cách xoay sở để có tiền chích, hút như trước. Mối quan hệ giữa bệnh nhân với cộng đồng cũng được cải thiện, vì vậy họ quan tâm hơn tới bản thân, gia đình và thiết lập mối quan hệ tốt với bạn bè cũng như hàng xóm láng giềng.
Để công tác điều trị đạt hiệu quả cao, Trung tâm tiến hành chặt chẽ từ khâu xét chọn đối tượng, không xét những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, đối tượng có đăng ký thường trú tại địa phương nhưng thường xuyên vắng nhà hoặc những bệnh nhân không có khả năng đi đến cơ sở điều trị hàng ngày. Bệnh nhân được lựa chọn sẽ được khám lâm sàng và các xét nghiệm, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được cấp thẻ điều trị.
Hàng ngày, người bệnh phải đến cơ sở điều trị Methadone để uống thuốc dưới sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế với liều điều trị ban đầu từ 15 - 20mg/ngày. Liều điều trị duy trì tùy thuộc vào mức độ nghiện ma túy của từng trường hợp, thông thường là 60 đến 120mg/ngày. Sau một thời gian điều trị, có thể giảm liều tiến tới ngừng điều trị.
Đến thời điểm này, theo điều tra xã hội học, Thanh Hóa ước tính có hơn 7.000 người nghiện chích ma túy, trong đó riêng TP. Thanh Hóa có 1.000 người nghiện, trong đó có hồ sơ quản lý 3.176 người (thành phố 545 người). Cùng với những kết quả ban đầu sau nửa năm thực hiện Chương trình điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, hy vọng tới đây Thanh Hóa sẽ có nhiều hơn nữa những cơ sở điều trị Methadone để giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
PV