Phiên họp Tổ giúp việc của 8 tỉnh miền núi Tây Bắc mở rộng tại Hà Giang
Du lịch nổi lên như một công cụ để phát triển bền vững bao gồm xóa đói giảm nghèo và tạo ra cơ hội việc làm bên cạnh việc thúc đẩy xã hội hóa và hiểu biết quốc tế. Đây là hoạt động phát triển được dành mức ưu tiên cao ở Việt Nam. Việc sử dụng một cách có trách nhiệm các nguồn tài nguyên, các tiềm năng di sản văn hóa, sự hấp dẫn của sản phẩm du lịch nói chung cùng sức cạnh tranh với quốc tế sẽ là những nhân tố quyết định sự phát triển và thịnh vượng.
Khách du lịch ngày nay có động lực hoàn toàn khác hẳn so với nhiều năm trước. Việc tìm kiếm một trải nghiệm du lịch nổi bật, những yêu cầu gia tăng về cơ sở hạ tầng và sự chú ý nhiều hơn tới các nhân tố mềm như dịch vụ, môi trường, bầu không khí và lòng mến khách đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ liên tục cải thiện sản phẩm du lịch ở địa phương trong chuỗi giá trị du lịch của điểm du lịch.
Về phương diện nhà cung cấp dịch vụ, các điểm du lịch đang cải thiện chất lượng cơ sở lưu trú, cơ sở hạ tầng và dịch vụ và hiệu quả tiếp thị của mình. Sự cạnh tranh gay gắt về khách du lịch bắt buộc các điểm du lịch phải trở thành những đơn vị cạnh tranh được quản lý bởi một Tổ chức Quản lý Điểm đến (DMO), hướng tới xây dựng các điều kiện khung để quản lý phát triển và tiếp thị du lịch trong môi trường hoạt động thuận lợi. Để tồn tại trong một môi trường cạnh tranh bị ảnh hưởng lớn từ xu hướng toàn cầu hóa, Việt Nam phải tự giới thiệu mình bằng những sản phẩm du lịch sáng tạo và đa dạng, mang tính độc đáo và từ đó dẫn đến việc định vị hướng tới chất lượng. Điều kiện tiên quyết của các sản phẩm thú vị là cấu trúc tiếp thị thông minh cả tầm quốc gia lẫn khu vực để truyền tải được lợi thế cạnh tranh của các điểm du lịch.
Cần thiết lập kế hoạch tiếp thị chiến lược cho điểm đến
Nhằm phục vụ du khách tới Việt Nam tốt hơn và cải thiện việc lập kế hoạch tiếp thị mang tính chiến lược cho điểm du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tổng cục Du lịch đã khởi động sáng kiến lên kế hoạch chiến lược bằng việc thiết lập các Tổ chức Quản lý Điểm đến. Sáng kiến này đóng vai trò trung tâm trong việc thực hiện các hoạt động của Dự án ESRT trong thời gian tới. Dự án ESRT đang hỗ trợ quan hệ hợp tác của các tỉnh nhằm phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan tới quản lý điểm du lịch ở cấp độ liên vùng, liên tỉnh. Một trong những nguyên tắc của chiến lược là tăng cường mối quan hệ giữa khu vực công và khu vực tư nhân.
Giữ vai trò lãnh đạo trong việc phát triển thương hiệu của điểm du lịch, tiếp thị điểm đến, nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm, Tổ chức Quản lý Điểm đến sẽ thúc đẩy sự hài hòa ở mức độ cao giữa khu vực công và tư bằng việc phối hợp và tham gia một cách hiệu quả. Điều này bao gồm xây dựng các cơ chế được cải thiện tốt hơn đối với việc trao đổi giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các hiệp hội và khu vực công; làm việc với các nhóm và các hiệp hội trong ngành theo các nhóm công tác gặp gỡ định kỳ; phối hợp các tổ chức, cơ quan và nhằm phát triển các hình thức hiệu quả để chia sẻ thông tin trong ngành Du lịch.
Một phiên họp đã được tổ chức tại TP. Hà Giang, tháng 4/2012 với sự tham gia của Tổ giúp việc của 8 tỉnh miền núi Tây Bắc mở rộng, đại diện các doanh nghiệp du lịch và các nhà tài trợ và tổ chức phi chính phủ, nhằm tìm kiếm các ý tưởng về quản lý điểm đến, từ đó xây dựng lộ trình hướng mục tiêu cho các hoạt động phát triển du lịch trong khu vực.
Về nguyên tắc, đã có sự sẵn sàng cho việc phối hợp dưới cùng một mái nhà chung giữa các đối tác. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một đơn vị nào để điều hành các hoạt động quản lý tiếp thị điểm đến. Cơ hội lớn trở nên rõ ràng với các đối tác để phát triển điểm đến bằng một loạt các nỗ lực kết hợp không chỉ vì một điểm đến mang tính cạnh tranh, mà còn vì định vị thị trường một cách mạnh mẽ và đạt được sự tăng trưởng về số lượng khách đến cũng như số đêm nghỉ lại.
Tuy nhiên, vẫn cần thiết phải làm rõ khái niệm về quản lý điểm đến vì đây vẫn là khái niệm mới ở Việt Nam cũng như đối với khu vực 8 tỉnh miền núi Tây Bắc, bằng việc đặt ra các câu hỏi: Chúng ta cần cơ cấu hợp tác như thế nào? Vai trò và trách nhiệm của nó là gì? Làm sao có thể hỗ trợ tài chính để duy trì bền vững? Làm sao chúng ta có thể phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với các doanh nghiệp?
Tìm kiếm các giải pháp và cơ hội phía trước cho 8 tỉnh miền núi Tây Bắc
Việc thiết lập Tổ chức Quản lý Điểm đến sẽ kéo theo quá trình thay đổi rộng rãi, cần được hỗ trợ và thúc đẩy kể cả từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng như từ phía các đối tác trong ngành. Điều cần thiết là trao đổi để đạt được sự đồng thuận vì tương lai của ngành với sự hợp tác của nhiều đối tác. Việc triển khai khái niệm về Tổ chức Quản lý Điểm đến phụ thuộc vào khả năng tạo ra một lực lượng lớn các chuyên gia và lãnh đạo nhằm hỗ trợ cho việc phát triển điểm đến. Việc hợp tác này sẽ được thể chế hóa qua Tổ giúp việc hiện thời với việc thông qua, giám sát và tổ chức tiến trình thực hiện Tổ chức Quản lý Điểm đến, được Dự án ESRT hỗ trợ về xây dựng năng lực, cơ chế vận hành và các hoạt động phát triển sản phẩm.
Bước tiếp theo là liên kết các đối tác và những nhà lãnh đạo trong những hội thảo thường kỳ và trong các nhóm công tác nhất định, ví dụ phát triển sản phẩm và/hoặc tổ chức về mối quan hệ đối tác công - tư phục vụ việc quản lý điểm đến. Từ đó, các bước cần thiết sau có thể được chuẩn bị phục vụ cho sự thay đổi cấu trúc tổ chức và xây dựng nhận thức mạnh mẽ hơn về tiếp thị cho khu vực. Điều kiện để có sự phát triển thành công là các cơ chế du lịch không làm ảnh hưởng đến sự thống nhất các tổ chức về chuyên môn và một tổ chức mạnh về tiếp thị du lịch có thể được thành lập.
Trước khi thành lập tổ chức như vậy, Tổ giúp việc sẽ nhận trách nhiệm chung về việc giám sát và thực hiện chiến lược với các tổ chức đối tác. Trong giai đoạn chuyển đổi này, hỗ trợ quốc tế sẽ giúp thực hiện thành công các hoạt động cần thiết cho cấu trúc mới vì mục tiêu tiếp thị điểm đến. Việc xây dựng năng lực tiếp theo cho Tổ chức Quản lý Điểm đến sẽ là vấn đề thiết yếu trong tương lai để có hiệu quả trong quản lý tiếp thị điểm đến và các dòng hỗ trợ tài chính cần đảm bảo cho việc hỗ trợ phát triển.
8 tỉnh miền núi Tây Bắc có cơ hội giới thiệu mình với cộng đồng du lịch như một điểm đến hấp dẫn và đa dạng mà mọi người đều có thể đích thân trải nghiệm một cách chân thực khi cơ cấu quản lý điểm đến một cách chuyên nghiệp đã được xây dựng.
Kai Partale - Chuyên gia Dự án ESRT