Con đường từ Đà Lạt đến Cầu Đất dạo này trở nên rộn ràng trở lại. Sau một thời gian, du khách từ Nha Trang đi Đà Lạt đã quen với con đường mới, giờ đây, họ lại muốn trở lại con đường cũ. Sự rộn ràng ấy nhờ mạng xã hội và cũng do dân phượt thường di chuyển bằng xe máy, muốn có một không gian check-in mới, đẹp, lạ, độc.
Rời khỏi Đà Lạt từ sáng sớm, tôi đi theo con đường Trần Hưng Đạo, rẽ qua Hùng Vương rời xa thành phố. Một không gian rộng mở, một con đường mang hơi thở cuộc sống ấy tạo cho lòng người nhiều cảm xúc. Hành trình của du khách chỉ cần lướt qua khu chợ nằm sát đường, gặp ga xe lửa - điểm cuối của tuyến xe lửa du lịch Đà Lạt - Trại Mát dài 7km đầy hấp dẫn.
Cầu Đất cách Đà Lạt 20km, một cự ly không xa, thuộc thôn Trường Thọ, xã Xuân Trường. Cầu Đất có một khu dân cư cũng phát triển kể từ năm 1922, khi những cư dân đầu tiên, chủ yếu là công nhân của đồn điền chè do Pháp tiến hành khai hoang. Diện tích khởi đầu là 600ha, đến nay còn 220ha. Năm 1927, đồn điền Cầu Đất chính thức đưa vào hoạt động khai thác do người Pháp quản lý. Hiện nay, đơn vị này được gọi là Công ty Cổ phần chè Cầu Đất, quản lý 212ha.
Thật ra thì với khách lữ hành, điều quan tâm chính là vẻ đẹp đến lạ của nơi này. Và ngay cả con đường đến đây cũng mang đầy cảm giác. Từ Trại Mát đi đến Cầu Đất là khu vực dân cư. Những căn nhà gỗ thông, vườn hồng, vườn mận, vườn su su cứ thế làm cho cuộc hành trình trở nên chậm rãi. Ngay cả khi đi ngang một khu vực đông dân, rau cải cứ dồn ra đường, để đợi những chuyến xe tới đưa đến một nơi chốn khác, du khách cũng không cần vội vã. Họ ngắm nhìn những đám học trò đến trường, đi bộ thấp thoáng dưới lũng sâu. Phía trên là rừng thông xanh. Với du khách, đó là cảm giác tận hưởng.
Không vội tới đồi chè, mà hãy dừng chân ở Cầu Đất. Đây là một khu dân cư có rất nhiều ngôi nhà cổ xây dựng kiểu Pháp. Nhà xây kín với những ô cửa nhỏ bằng gỗ để chống lạnh. Bởi Đà Lạt có độ cao 1.600m so với mặt biển. Thị trấn cong một vòng dốc, quán càphê có cửa kính, bên ngoài đặt những bộ bàn ghế cho khách phương xa vừa thưởng thức càphê vừa ngắm phố xá. Cảm giác thật tuyệt vời khi ngồi trong lạnh rét, được cầm tách cà phê ủ nóng trong chiếc tách sứ dày. Du khách chỉ uống nhỏ nhẹ từng ngụm và hướng đôi mắt ra những con phố cổ đã gần trăm năm. Ở đó, sương mù còn giăng màn trong từng bước chân người đi.
Rời con phố nhỏ, trải qua hành trình khá dài cho đến khi thấy chiếc cổng ghi dòng chữ: “Công ty Trà Việt Nam - Sở Trà Cầu Đất”. Tấm bảng được ghi thêm tiếng Pháp bên dưới giống tấm bảng được ra đời từ năm 1927 trước đó, khi Sở Trà Cầu đất chính thức đi vào hoạt động. Có khác chăng là trụ chống hai bên xưa là hai trụ thép, nay là hai trụ xi măng sơn vàng.
Con đường đó đưa vào nhiều ngã đường trong trập trùng đồi chè. Bạn mặc sức phóng xe đi sâu vào theo con đường uốn lượn ấy, ưng ý chỗ nào thì dừng chân. Trên con đường xe máy, ô tô của đơn vị vẫn ra vào, không ai thắc mắc vì sự xuất hiện của những người xa lạ. Đó là cách để cho khách tham quan tự do như thế khiến cho đồi chè Cầu Đất nổi danh hơn bởi lượng ảnh được chụp.
Đồi chè Cầu Đất không có tạo ra kiểu hình trái tim như ở Mộc Châu. Nhưng có thể nói những đồi chè ở đây có màu xanh bắt mắt. Đồi chè này nối đồi chè nọ, tạo cho người đến cảm giác rộn ràng. Ngay cả con đường vào uốn lượng, có những hàng cây xanh đẹp, dọc theo lề đường có rất nhiều loài hoa dại tự mọc và bung nở đủ sắc hoa.
Tôi đã leo lên những con đường từng in dấu chân của những công nhân hái chè. Con đường ấy không dễ đi, nhưng là con đường của khát khao tìm tới. Tôi chen vào từng hàng chè đã được cắt ngọn, để cao vừa tầm tay người hái. Những tấm ảnh của tôi lưu lại trong bình minh trên xanh mướt ấy có cả bầu trời xanh, có cả những bông hoa dại, có cả những cây cao làm bóng mát cho người công nhân hái chè. Tôi mang đi những tấm ảnh, còn đồi chè ở lại. Sẽ còn bao người lại tìm tới nơi này.
PHAN HUY TRẠM
nguồn: laodong.vn