Sau khi dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La mùa xuân năm 1010, lập nên kinh đô Thăng Long, đế đô của muôn đời. Nhà Lý đã coi việc xây dựng hệ thống triết học làm nền tảng, với một tổ chức xã hội vững mạnh và một nền giáo dục phát triển, đào tạo hiền tài kiến thiết cho đất nước.
Điều đó được ghi trịnh trọng trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) đời Lý Thánh Tông, mùa thu, tháng Tám, dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái tử đến học ở đó”. Năm 1075, mở khoa thi đầu tiên để chọn nhân tài và năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám làm nơi học tập cho các quan viên văn chức.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là kiến trúc chủ thể của di tích, được xây dựng trên khu đất có chiều dài 300m, chiều rộng phía Bắc là 75m, phía Nam là 61m, hướng Bắc – Nam theo quan niệm “Thánh nhân nam diện nhi trị” (Thánh nhân hướng về phía Nam để cai trị). Là một quần thể di tích độc đáo với sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan tự nhiên, hồ nước, vườn cây với kiến trúc các công trình.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám gồm hai khu chính là Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Văn Miếu là khu vực thờ các bậc tiên thánh và Khổng Tử (551 – 479 TCN) một bậc hiền triết, Tiên sư của đạo Nho Trung Quốc. Quốc Tử Giám trường học cao cấp đầu tiên của Việt Nam, đây cũng là nơi thờ Chu Văn An người thầy giáo tiêu biểu, mẫu mực của nền giáo dục Việt Nam.
Bên cạnh Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn có: Hồ Văn, vườn Giám. Toàn bộ di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được ngăn cách với không gian ồn ào bên ngoài bằng gạch vồ xây bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian, mỗi lớp lại có những công trình kiến trúc khác nhau. Bắt đầu từ khu tiền án đi vào du khách sẽ thấy đây là khoảng không gian mở tạo cho Văn Miếu dáng vẻ bề thế, uy nghiêm. Tiếp nữa sẽ là cổng Văn Miếu, cổng Đại Trung, Khuê Văn Các, cổng Đại Thành, cổng Thái Học. Các công trình kiến trúc tại Văn Miếu hầu hết đều mang giá trị nghệ thuật và lịch sử. Tiêu biểu trong số đó là Khuê Văn Các được xây dựng vào năm 1805 đời vua Gia Long.
Gác Khuê Văn là một lầu vuông tám mái xây dựng trên một nền vuông cao cân xứng lát gạch Bát Tràng, kiểu dáng kiến trúc khá độc đáo: Tầng dưới là 4 trụ gạch, tầng trên là kiến trúc gỗ 2 tầng mái lợp ngói ống. Bốn cạnh có diềm gỗ chạm trổ tinh vi và họa tiết hoa văn đẹp mắt. Bốn mặt gác trổ 4 cửa sổ tròn xung quanh có những thanh gỗ con tiện tỏa ra bốn phía tượng trưng cho ánh sáng của sao Khuê.
Khuê Văn Các không phải chỉ có riêng ở Việt Nam mới có mà Khuê Văn Các còn xuất hiện tại nhiều nước ở khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tuy vây, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các vẫn mang những nét riêng biệt mang đậm dấu ấn của Việt Nam, xinh xắn, đơn giản tạo nên sự gần gũi của công trình kiến trúc này. Khuê Văn Các là tên một ngôi sao chủ văn chương, biểu tượng của tinh thần hiếu học, tỏa sáng muôn đời, xứng đáng được lựa chọn là biểu tượng văn hóa của thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Không những vậy, Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn lưu giữ 82 tấm bia Tiến sĩ được coi là Bảo vật Quốc gia. Đây được xem là một trong những di sản văn hóa vô cùng quý giá, là những tư liệu bằng đá của cha ông ta để lại. Nó là minh chứng hùng hồn nhất về lòng hiếu học cho những kẻ sĩ, sĩ tử thời xưa và thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay.
BÙI TRUNG DŨNG
Nguồn: Laodong.vn