Dù đi bao xa, đi bao lâu, đi nơi nào, nơi lòng ta hướng về là quê hương. Ninh Thuận quê tôi chính là điểm hội tụ nắng gió, nơi những con người có khuôn mặt rám nắng, nước da bánh mật, ý chí vượt khó, trái tim nóng hổi cùng tình yêu quê hương nồng nàn, được sinh ra.
Từ bé đến lớn, xuân hạ thu đông mỗi mùa đã lướt qua hai mươi tám lần, nơi tôi thường trở về và luôn hướng tới, chính là vùng đất tôi được sinh ra - Ninh Thuận.
Khí hậu bán sa mạc, mưa ít, gió nhiều, nắng hanh khô, cả năm chỉ có hai mùa: Mùa nắng và mùa ít nắng. Mùa nắng thì nắng mải miết từ tháng 12 tới tháng 9, còn mùa ít nắng thi thoảng sẽ có mưa ghé thăm từ tháng 9 đến tháng 11.
Lãnh thổ được bao bọc che khuất bởi các vòng cung núi cao, hướng Đông giáp biển, mây đem mưa chỉ tới ngang lưng chừng rồi dừng lại bên kia núi, thế nên lượng mưa hàng năm vô cùng ít, nắng luôn giữ vững ngôi vị của mình. Thứ gì hiếm thì sẽ quý, tự nhiên thế là tôi yêu nước, tôi thích biển, mong ruộng luôn đủ nước và chờ đợi mưa rơi.
Biển quê tôi đẹp dịu dàng, tuy không có nhiều du khách thập phương ghé thăm nhưng có lẽ vì thế mà bờ biển khá sạch và yên tĩnh, đối với dân địa phương chúng tôi, đây luôn là thiên đường. Vào những dịp lễ lớn, không hẹn mà gặp, cư dân ở khắp các huyện xã, từ miền núi tới đồng bằng, từ người Kinh tới người Chăm, từ tri thức tới dân lao động, con cái theo chân ba mẹ, bạn bè ríu rít níu tay, tề tựu lại dọc các bãi biển Ninh Chữ, Bình Tiên, Bình Sơn với nhiều hoạt động lớn bé.
Những gia đình ở xa, như khu vực Ninh Sơn, Ninh Phước, Bác Ái, chỉ khi có dịp gì lớn họ mới đi biển, vì thế mỗi lần đi, họ chuẩn bị rất kỹ, từ đồ ăn nước uống tới dầu gội đầu và chiếc lược chải tóc. Ngày xưa, gia đình tôi cũng như vậy, trong những giai đoạn tuổi thơ ngây dại, um xùm, mát mẻ của chị em tôi, kí ức đẹp thường gắn liền với biển. Thời đó chưa có đường mới rộng như bây giờ, chỉ có con đường Yên Ninh cũ kỹ nằm vắt vẻo, chất chứa ký ức của bao thế hệ người Ninh Thuận.
Lớn lên, qua Thái Lan làm việc, điều tôi ấn tượng rất nhiều, trong đó có giao thông. Từ người dân Thái đến người nước ngoài, ai ai cũng quen thuộc với những chiếc xe “sọong-thẻo” với hai hàng ghế phía sau đối diện nhau, đón khách trả khách như xe buýt, lại rẻ nữa; ngoài ra còn có tuk-tuk giống xe lam ngày xưa của mình vậy.
Những người nghèo ở Thái, học sinh sinh viên, công nhân lao động, họ không có điều kiện mua xe hơi, để giúp người dân tiện đi lại, chính phủ vẫn cho phép lưu thông hai loại xe trên. Nhìn về quê tôi, người nghèo vẫn rất nghèo, đi lại giữa các vùng còn khó khăn, tôi ước gì có thể mang chiếc xe tuk –tuk về cho họ.
Càng đi xa, tôi càng hay nghĩ về quê hương, những con người với khuôn mặt đầy bụi đường và rám nắng, đôi môi khô nẻ thiếu nước như thửa ruộng vào mùa khô.
Mùa hè nọ, tôi dẫn người yêu về quê, anh ấy được sinh ra giữa những bức tường của thành phố lớn nhất nước, cả đường đi cũng không có bùn đất cùng hoa dại, hai bên đường không có những con nước đầy cỏ. Tôi muốn anh thấy nơi tôi và các em tôi được sinh ra, bên cạnh những vườn nho trĩu quả, những giàn táo xanh mướt, còn có những cánh đồng vi vu gió thổi và thênh thang nắng cháy.
Nếu bước chân anh đi xa hơn, anh sẽ thấy những mảnh đất cằn cỗi đầy xương rồng và cây khô, đồi cát Nam Dương với những con người lầm lũi, tháp Poklong Garai vẫn nằm đó đón bao thế hệ người Chăm, rộn ràng khi Tết Katê tới và hiu quạnh trong những ngày còn lại, tượng đá Shiva nhạt phai cùng mưa nắng...
Dắt anh đi xa hơn nữa, từ thành phố Phan Rang ra thành phố Nha Trang, ngoài đường quốc lộ 1A, còn có đường DT702 đi dọc biển xuyên qua những đầm muối, những ruộng hành tỏi đang mùa thu hái, mùi hăng xông thẳng vào mũi từ các hướng, tưởng như chỉ cần lè lưỡi có thể thấy vị muối mặn. Rừng núi lúc ở phía trước, khi ở bên trái, lúc lại ở đằng sau; cỏ cây, đá sỏi nằm lững thững đung đưa cùng gió như thế từ hàng ngàn năm cho tới khi người ta đặt tên là rừng quốc gia Núi Chúa: có biển, có núi, cả đầm nước mặn và đồng lúa xanh tươi.
Đại dương vĩ đại khi thì song song bên cạnh, khi lại xuất hiện ở phía đối diện, núi xanh liên miên, nước biếc mênh mông, là màu của thiên nhiên, màu của quê hương. Mỗi một vùng đất đều gắn liền với những điều rất riêng, chúng ta đi, dùng tai để nghe, dùng mắt để thấy và dùng tim để cảm.
Là một người con xa xứ, sống và làm việc ở đất nước bạn, hằng năm vẫn cố gắng sắp xếp về thăm quê, nơi ấy có ba mẹ, nơi ấy là quê hương.
LÊ THỊ THANH BÌNH
Nguồn: Laodong.vn