Hãng lữ hành lâu đời nhất thế giới
Thomas Cook Travel Inc – công ty du lịch lữ hành đầu tiên trên thế giới được đặt theo tên của nhà sáng lập Thomas Cook từ năm 1841. Thomas Cook sinh ngày 22/11/1808 tại Vương quốc Anh. Được coi là “cha đẻ” của ngành du lịch hiện đại, Thomas Cook đã có những phát minh làm thay đổi hoàn toàn cách thức đi du lịch khi tổ chức một chuyến đi khứ hồi với số lượng 570 khách tới dự hội nghị của những người phản đối uống rượu trên một đoàn tàu theo hành trình từ Leicester đến Longborough vào năm 1841. Cook đã liên hệ với công ty đường sắt để thuê đoàn tàu với giá vé đặc biệt, cung cấp thực phẩm và nước uống cho mọi người trong suốt chuyến đi. Tại Longborough, Cook còn lo các khâu khác cho 570 hành khách. Đây là dấu mốc của tour trọn gói, bản chất của ngành lữ hành hiện đại ngày nay. Năm 1850, Thomas Cook xuất bản cuốn sách "Excursionist" - được coi là cuốn sách chuyên đề về du lịch đầu tiên trên thế giới, gồm các bài viết về các chuyến đi và những hướng dẫn dành cho khách hàng của mình. Năm 1851, Cook sắp xếp cho 150.000 người đi tới London tham gia triểm lãm Great Exhibition. 4 năm sau, Cook tổ chức tour đầu tiên ra nước ngoài khi đưa 2 nhóm khách tới thăm Brussels (Bỉ), Colonge, Heidelberg, Strasbourg (Đức) và kết thúc tại Paris (Pháp). Sự thành công của chương trình tour kết nối các thành phố đẹp nhất châu Âu vào thời điểm đó đã đưa danh tiếng Thomas Cook vươn xa ra thế giới. Năm 1865, khi cuộc nội chiến kết thúc ở Mỹ, Cook mở tour du lịch đến các chiến trường nổi tiếng. 6 năm sau, Cook mở rộng hoạt động sang phục vụ các gia đình ở Mỹ và Canada. Năm 1872, Thomas Cook là công ty du lịch đầu tiên trên thế giới tổ chức chuyến đi vòng quanh thế giới trong 200 ngày… Trước đó, năm 1868, Thomas Cook Travel Inc sáng chế hotel coupon - tờ giấy in trong cuốn sách hướng dẫn dành cho khách du lịch nhưng dễ dàng tách rời để có thể đổi một bữa ăn hoặc qua đêm ở những khách sạn mà Cook liên kết. Năm 1872, Cook cộng tác với con trai và đổi tên công ty thành Thomas Cook & Son. Con trai Thomas Cook là John Mason Cook tiếp quản công việc của cha và tiếp tục đưa thương hiệu Thomas Cook phát triển vượt bậc với việc tổ chức nhiều tour du lịch mới lạ như đi thuyền buồm trên sông Nil, đi lạc đà xuyên sa mạc, cưỡi voi săn hổ ở Ấn Độ, chinh phục Himalaya… Thomas Cook nghỉ hưu vào năm 1878. Ông trở lại Leicester, sống cuộc sống yên bình cho tới khi qua đời năm 1892.
Sáng ngày 23/9/2019, Thomas Cook Travel Inc phát đi thông báo: “Công ty phải ngừng hoạt động sau khi không đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ sau những cuộc đàm phán suốt cuối tuần qua”. Giám đốc điều hành Thomas Cook Travel Inc, Peter Fankhauser chia sẻ, “Đây là ngày rất buồn đối với một doanh nghiệp đi tiên phong trong thị trường kỳ nghỉ trọn gói, từng giúp cho hàng triệu người tiếp cận dễ dàng hơn với du lịch. Tôi muốn gửi lời xin lỗi hàng triệu khách hàng, hàng nghìn nhân viên, nhà cung cấp và đối tác, những người đã hỗ trợ chúng tôi trong nhiều năm qua". Trước khi tuyên bố phá sản, ngoài kinh doanh các kỳ nghỉ trọn gói, Thomas Cook Travel Inc còn sở hữu Hãng hàng không Thomas Cook với đội bay gồm 93 chiếc; điều hành 3.170 khách sạn tại 47 điểm đến ở nhiều khu vực trên thế giới; phục vụ 20 triệu khách hàng với doanh thu 9,5 tỷ EUR mỗi năm… Thomas Cook Group có khoảng 21.000 nhân viên trên khắp toàn cầu, trong đó riêng tại Vương quốc Anh có 9.000 người.
Nguyên nhân của sự sụp đổ và những bài học rút ra
Theo thông tin đăng tải trên nhiều hãng truyền thông thế giới, nguyên nhân chính buộc Thomas Cook phải tuyên bố phá sản là khoản nợ 2,1 tỷ USD. Từ năm 2007, Thomas Cook sáp nhập với MyTravel Group và cùng với một loạt thương vụ mua lại sau đó nhằm tạo ra một "người khổng lồ" ngành lữ hành ở châu Âu. Tuy nhiên, Thomas Cook đã sai lầm trong chiến lược mua lại các công ty và do đó phải gánh các khoản nợ lớn. Chỉ riêng khoản nợ khi sáp nhập với MyTravel, Thomas Cook phải sử dụng doanh số bán hàng của 3 triệu kỳ nghỉ mỗi năm, tương đương với 1/3 doanh số bán hàng chỉ để trả lãi. Tháng 5/2019, Thomas Cook đã báo lỗ 1,5 tỷ bảng Anh (tương đương 1,86 tỷ USD), trong đó hơn 1 tỷ bảng Anh đến từ vụ sáp nhập từ năm 2007 với MyTravel. Tính đến thời điểm tuyên bố phá sản, tổng nợ của Thomas Cook đã lên tới 1,7 tỷ bảng Anh (2,1 tỷ USD).
Tờ New York Times (Mỹ) nhận định, dù lựa chọn chiến lược sai lầm nhưng mọi vấn đề của Thomas Cook chủ yếu xuất phát từ thời điểm tham gia vào ngành hàng không. Năm 2000, Thomas Cook thâu tóm hãng bay Condor (Đức) và thành lập hãng Thomas Cook Airlines vào năm 2003 với mạng bay đến 82 điểm trên toàn thế giới. Hàng không là một ngành có tính cạnh tranh cao, chi phí vận hành, bảo trì rất lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp. Khách hàng rất nhạy cảm với giá vé máy bay vì môi trường internet cho phép họ so sánh và tìm được mức giá thấp nhất. Khi nhu cầu giảm, Thomas Cook Airlines đã không có đủ linh hoạt và năng lực cần thiết để cung cấp những tùy chọn lịch trình nhằm thúc đẩy bán vé vào mùa thấp điểm như những hãng bay khác. “Không gì "đốt" tiền nhanh hơn khi một hãng hàng không phải thường xuyên bay với máy bay rỗng”, tờ New York Times nhấn mạnh. Điều quan trọng là hầu hết các đối thủ của Thomas Cook đều không trực tiếp khai thác các chuyến bay, do vậy họ không phải đối mặt với rủi ro trước sự biến động do nguồn khách giảm. Đây có thể coi là rắc rối chính châm ngòi cho sự sụp đổ của Thomas Cook.
Một nguyên nhân khác là Thomas Cook chậm chuyển đổi hình thức kinh doanh khi cố gắng duy trì hơn 560 cửa hàng đại lý bán tour ở những khu phố thương mại đắt đỏ. Hệ thống cửa hàng này đã góp phần tạo nên thương hiệu Thomas Cook nhưng ngược lại, chi phí thuê mặt bằng rất cao. Đến năm 2017, doanh số bán hàng trực tuyến ở Anh đã tăng tới 30% và theo Hiệp hội các công ty điều hành và đại lý du lịch Anh (ABTA), chỉ 1 trong 7 khách hàng đến đại lý lữ hành trên các khu phố để đặt mua tour bởi khách hàng dễ dàng đặt một kỳ nghỉ qua trực tuyến mà không cần phải bước vào đại lý du lịch hay có thể tìm kiếm một chuyến bay giá rẻ, chỗ ở giá rẻ ngay ở nhà. Gánh nặng chi phí thuê mặt bằng quá lớn đã không chỉ làm cho tình hình tài chính tồi tệ hơn mà còn làm giảm sức cạnh tranh của Thomas Cook khi các đối thủ đã dần chuyển dịch sang cung cấp dịch vụ trực tuyến, ví dụ như Expedia và Skyscanner cho phép khách chọn chuyến bay và khách sạn theo ý mình. Thực tế, Thomas Cook cũng đã thực hiện dự án chuyển đổi số từ năm 2014 và có được những kết quả khá khả quan: lượng đặt tour trực tuyến tăng 40% trong vòng 6 tháng; doanh thu từ trực tuyến đạt 3 tỷ bảng, dần chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu… Tuy nhiên, do “kiến trúc sư” thực hiện dự án số hóa của Thomas Cook rời đi cùng với việc coi nhẹ chuyển đổi số nên quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến không còn được coi trọng như trước.
Thomas Cook đã không khai thác được thế hệ khách du lịch Millennials mới gia nhập thị trường. Thế hệ khách Millennials (những người sinh trong khoảng đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) khác với cha mẹ và ông bà của họ về cách đi du lịch. Họ mong muốn có nhiều chuyến đi ngắn ngày trong suốt cả năm hơn là một kỳ nghỉ trọn gói, tự lên kế hoạch cho hành trình của riêng mình, sử dụng các công cụ kỹ thuật số để tìm kiếm dịch vụ, tập trung vào trải nghiệm cá nhân… Mặt khác, kinh doanh kỳ nghỉ trọn gói phụ thuộc nhiều vào tính mùa vụ. Mùa hè năm 2018 quá nóng tại châu Âu đã khiến nhiều khách hàng của Thomas Cook hủy đặt tour/phòng vào phút chót… Thomas Cook đã không thể thích ứng với đối tượng khách hàng mới, chậm thay đổi dịch vụ đáp ứng cho tệp khách hàng Millennials cũng như không tích cực tìm kiếm thêm thị trường mới dẫn đến kết quả doanh số bán hàng ngày càng đi xuống. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của Thomas Cook đầu tư sâu vào các chuyến du ngoạn trên biển, trên sông, tham quan thành phố và các điểm đến mới để tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp hơn với mọi loại đối tượng khách hàng, từ đó chiếm lĩnh phần lớn hơn trong số 2,8 kỳ nghỉ trung bình của khách du lịch Anh thực hiện mỗi năm.
Một số lý do khách quan cũng đã được đề cập đến như những nguyên nhân góp phần vào sự sụp đổ của Thomas Cook: kế hoạch rời Liên minh châu Âu (Brexit) của Anh đã khiến đồng bảng Anh yếu đi khiến cho nhiều nguồn khách tiềm năng lớn của Thomas Cook trì hoãn các chuyến đi; xu hướng khách hàng đặt kỳ nghỉ trọn gói và lợi nhuận từ kinh doanh kỳ nghỉ trọn gói giảm; không thể cạnh tranh với một thế hệ doanh nghiệp du lịch mới, hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ; những tác động từ bất ổn chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những điểm đến hàng đầu của Thomas Cook, giá nhiên liệu cao đẩy chi phí tăng khiến nhiều khách hàng hủy dịch vụ đã đặt; biến đổi khí hậu, tình trạng nắng nóng khắp châu Âu làm giảm mạnh nhu cầu đi nghỉ…
Trong lịch sử phát triển suốt 178 năm, không ai có thể phủ nhận những đóng góp mà hãng lữ hành Thomas Cook mang lại cho du lịch toàn cầu. Thomas Cook sụp đổ là minh chứng cho thấy sự khốc liệt của thương trường khi những toan tính sai lầm trong chiến lược kinh doanh đều phải trả giá bằng chính sự tồn vong của doanh nghiệp. Dù nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Thomas Cook là gì thì đó cũng là lời nhắc nhở cho các doanh nghiệp việc phụ thuộc vào một mô hình kinh doanh, không thích ứng với những thay đổi của thị trường cũng như thói quen và hành vi của người tiêu dùng… có thể dẫn đến kiệt quệ tài chính và cuối cùng là thất bại. Mỗi doanh nghiệp cần xác định chiến lược kinh doanh phù hợp với năng lực ở mỗi giai đoạn cụ thể; đảm bảo cân đối tài chính, dòng tiền; luôn theo dõi những thay đổi trong hành vi của khách hàng và thị trường để nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, nhu cầu mới; thấu hiểu khách hàng và hiểu rõ những đối thủ cạnh tranh để thích ứng, chuyển đổi mô hình kinh doanh; tích cực xây dựng, tạo thêm lựa chọn và trải nghiệm mới dành cho khách hàng; đa dạng hóa thị trường nguồn khách… là những bài học rút ra từ sự đổ vỡ của Thomas Cook cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hiện nay.
Lê Hải
(Tạp chí Du lịch tháng 6/2022)