Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ về những chính sách đã triển khai, những ưu tiên trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch bền vững sau đại dịch. Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Du lịch Campuchia chia sẻ về ưu tiên phát triển du lịch sinh thái sau đại dịch nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, trao quyền và nâng cao lợi ích cho người dân địa phương. Theo đó, Campuchia tăng cường hợp tác công tư, hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác du lịch ASEAN. Thứ trưởng Bộ Du lịch Campuchia cũng chia sẻ việc Campuchia đã mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 11/2020 và dỡ bỏ các chính sách hạn chế liên quan đến COVID-19 từ tháng 2/2022. Trong 5 tháng đầu năm 2022, Campuchia đón 343 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 275% so với cùng kỳ năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Môi trường và Du lịch Mông Cổ cho biết, Mông Cổ đã triển khai nhiều chính sách phát triển du lịch bền vững, du lịch thân thiện môi trường nhờ có lợi thế về các tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Trong bối cảnh đại dịch, Mông Cổ thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn du khách đồng thời tạo điều kiện du lịch thuận lợi. Với mục tiêu sớm phục hồi du lịch, ngành Du lịch Mông Cổ đang ưu tiên mở thêm các đường bay mới, đường bay thuê chuyến; khôi phục chính sách thị thực và đề xuất thêm các biện pháp nới lỏng thị thực trong thời gian tới. Mông Cổ cũng đang tích cực cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, xây dựng sản phẩm mới. Năm 2024, Mông Cổ sẽ tổ chức Năm Du lịch Quốc gia và đang trong quá trình chuẩn bị cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá kịp thời.
Thứ trưởng Bộ Di sản văn hoá, Thủ công và Du lịch Iran khẳng định Iran có nguồn tài nguyên thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, là một điểm mạnh khi du lịch thiên nhiên trở thành một xu hướng chung của thế giới sau đại dịch. Thứ trưởng Bộ Di sản văn hoá, Thủ công và Du lịch Iran đồng thời cho biết, Iran đang phát triển các sản phẩm du lịch khác có tiềm năng như du lịch ngắm chim, du lịch nông thôn, du lịch sa mạc, du lịch ẩm thực… Iran có thế mạnh về Du lịch cộng đồng; Du lịch sức khoẻ; Du lịch sinh thái; Du lịch văn hoá và lịch sử.
Tại Diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng TCDL Việt Nam Hà Văn Siêu đã chúc mừng Hàn Quốc mở cửa trở lại du lịch quốc tế. Phó Tổng cục trưởng mong muốn hai nước sẽ đẩy mạnh trao đổi du lịch lẫn nhau để sớm khôi phục và hợp tác du lịch hai nước sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. “Đây sẽ là kết quả ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước” - Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định du lịch Việt Nam đã mở cửa toàn diện từ ngày 15/3. Đến thời điểm này, các chính sách ưu đãi du lịch đã được phục hồi gần giống như trước đại dịch: không cách ly; không xét nghiệm COVID-19; không cần chứng nhận tiêm vắc xin; không phải khai báo sức khỏe trước khi nhập cảnh. Sau khi mở cửa trở lại hoàn toàn, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2022 đạt mức cao nhất là 44 nghìn lượt, tăng gấp đôi so với tháng 4/2022. Con số về khách du lịch nội địa trong 5 tháng đầu năm 2022 đã lên tới 50 triệu lượt, cao hơn 26% so với cùng kỳ năm 2019 trước đại dịch. Bên cạnh việc chia sẻ các giải pháp chỉ đạo, thực hiện công tác mở cửa lại du lịch của Chính phủ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh chủ trương phát triển du lịch hậu COVID-19, hướng đến du lịch an toàn.
Đối với thời kỳ hậu COVID-19, Việt Nam sẽ tập trung phát triển du lịch an toàn, hướng tới mục tiêu mở cửa hoàn toàn ngành Du lịch nhưng vẫn giám sát chặt chẽ các hoạt động du lịch và điều kiện phòng, chống dịch để linh hoạt ứng phó bất cứ lúc nào. Việt Nam đặt trọng tâm phát triển các sản phẩm du lịch xanh, dựa vào thiên nhiên, cộng đồng và du lịch sinh thái, vừa góp phần bền vững môi trường, vừa mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng địa phương. Việt Nam cũng đang tìm kiếm một số tiềm năng cho các sản phẩm du lịch ngách liên quan đến chăm sóc sức khỏe, spa, suối nước nóng, du lịch yoga... Chính phủ Việt Nam đã cam kết cho sự tăng trưởng bền vững của ngành Du lịch, bằng chứng tuyệt vời là sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2022 chủ đề “Điểm đến du lịch xanh”.
Du lịch Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đã phát triển ứng dụng du lịch thân thiện với người dùng; khuyến khích các điểm đến, doanh nghiệp du lịch áp dụng công nghệ để tạo thuận lợi cho du lịch không tiếp xúc, cũng như cải thiện trải nghiệm của khách du lịch thông qua đổi mới và công nghệ mới như AI, thực tế ảo, 3D... Việt Nam cũng đang phát triển các nền tảng giao dịch thương mại điện tử có thể hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa dễ dàng tương tác với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thúc đẩy đầu tư từ cả khu vực nhà nước và tư nhân, hỗ trợ các dự án du lịch bền vững, có khả năng phục hồi; thực hiện các kế hoạch tiếp thị, bao gồm chiến dịch quốc gia “Sống trọn vẹn ở Việt Nam” để mở rộng và đa dạng hóa thị trường nguồn khách. Một trong những ưu tiên của cơ quan quản lý du lịch quốc gia là nghiên cứu và hướng dẫn chính quyền địa phương xác định lại, xây dựng thương hiệu các điểm đến, cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch; mặt khác, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực, đào tạo lại kỹ năng và nâng cao trình độ cho người lao động.
Gia Khôi