Ban Tổ chức cho biết, Trung tâm lễ hội tập trung tại núi Hồng Vân (núi Lim) thị trấn Lim. Phần lễ gồm có: Lễ dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Tướng công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim (ngày 2/2), rước sắc từ đình làng Đình Cả sang đình làng Lộ Bao và tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại các đình, đền chùa ở các làng thuộc xã Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim (ngày 3/2). Phần hội với nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau. Tại trung tâm đồi Lim sẽ tổ chức hát đối đáp quan họ tại các lán trại quan họ (12 lán) và trên sân khấu của lễ hội, tổ tôm điếm, thư pháp, hội thơ, chương trình văn nghệ biểu diễn tại sân khấu chính của Lễ hội. Tại khu vực hồ điều hòa Vân Tương có các hoạt động: Đu tiên, vật truyền thống, bịt mắt bắt dê, đập niêu, múa rồng, múa lân, bắn pháo hoa, hát quan họ dưới thuyền... Ngoài ra, tại các khu vực khác trên địa bàn xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim cũng tổ chức một số hoạt động vui chơi như thi cờ người, bóng chuyền hơi; tổ chức các canh hát quan họ truyền thống tại nhà chứa Quan họ, hát quan họ tại cửa đình, cửa chùa, hát quan họ dưới thuyền, hát quan họ tại các gia đình nghệ nhân...
Cũng theo Ban Tổ chức, huyện Tiên Du đã thành lập Ban Chỉ đạo lễ hội vùng Lim xuân Quý Mão 2023. Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị liên quan có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp làm mất an ninh, trật tự, ùn tắc giao thông. Theo kế hoạch, Ban Tổ chức hội Lim sẽ triển khai ngăn chặn và giải quyết các trường hợp ăn xin, ăn mày tại khu vực lễ hội; thực hiện công tác kiểm tra phòng chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát giá cả tại khu vực lễ hội; nghiêm cấm các dịch vụ điện tử, các trò chơi dùng loa có công suất lớn hoạt động tại địa điểm gần trung tâm lễ hội. Đặc biệt, nghiêm cấm tất cả các hình thức hát quan họ “ngửa nón nhận tiền”. Khuyến khích các điểm hát quan họ sử dụng nhạc cụ dân tộc; không hát nhạc mới, hát chèo, hát văn nhảy đồng, các loại nhạc khác không phù hợp.
Tuấn Hải