Trong các chương trình xúc tiến du lịch, JNTO đã sử dụng các hình thức đa dạng như: tổ chức tuần văn hóa Nhật Bản ở nước ngoài, tham gia các hội chợ triển lãm du lịch quốc tế, trình diễn quá trình chế biến một cách trực tiếp và có sự trải nghiệm của khách hàng; tổ chức chế biến và phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn; trình chiếu các phim phóng sự, băng hình và sử dụng các hình ảnh tĩnh về văn hóa ẩm thực... Mỗi hình thức có những đặc điểm khác nhau và thường được áp dụng phối hợp trong các chương trình xúc tiến du lịch.
Nghiên cứu, lựa chọn, khai thác các món ăn tiêu biểu, chuẩn bị nội dung cho các hoạt động xúc tiến
Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu đặc điểm các món ăn tiêu biểu của mỗi vùng miền như: nguồn gốc, xuất xứ, sự hình thành và phát triển, quy trình chế biến, các trang thiết bị phục vụ quá trình chế biến, cách thức tiêu dùng sản phẩm, vị trí của món ăn trong hệ thống các món ăn Nhật Bản, ý nghĩa, nguyên liệu đặc trưng, giá trị dinh dưỡng, vai trò của nó trong cuộc sống cộng đồng. Sau đó, quyết định lựa chọn các món ăn có thể sử dụng để phục vụ cho hoạt động tiếp thị; lựa chọn hình thức thức thể hiện món ăn để hấp dẫn khách. Nhật Bản đã tiến hành lựa chọn ra các món ăn tiêu biểu của đất nước mình và phân chia theo 3 cấp độ, quốc gia, vùng - khu vực và địa phương.
Tổ chức các hoạt động tuần lễ văn hóa du lịch tại nước ngoài
Tuần lễ văn hóa Nhật Bản tại nước ngoài được tổ chức thường xuyên với nhiều hoạt động như cung cấp các ấn phẩm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống, biểu diễn chế biến các món ăn đặc trưng, giới thiệu về văn hóa ẩm thực truyền thống Nhật Bản. Mục đích của hoạt động này là thông qua văn hóa ẩm thực để tăng cường giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản với các quốc gia và tăng sức hấp dẫn cho Du lịch Nhật Bản.
Tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế
Nhật Bản tham gia hầu hết các hội chợ quốc tế về du lịch như: ITE Hồng Kông (Trung Quốc), KOTFA Hàn Quốc, ITF Đài Loan (Trung Quốc), NASTAS TRAVEL Singapore, WTM Anh, FITUR Tây Ban Nha, BIT Italia, IBT Đức, ASTA Pháp... Tại các hội chợ này, bên cạnh việc giới thiệu các thông tin đa dạng về du lịch, Nhật Bản còn giới thiệu về văn hóa ẩm thực như: trà đạo, các món ăn đặc sắc mang đậm nét truyền thống dân tộc như shushi và sashimi để khách du lịch tiềm năng tham quan, thưởng thức thông qua chế biến trực tiếp. Bên cạnh đó, họ còn giới thiệu các món ăn thông qua các ấn phẩm bằng tranh ảnh hoặc các đoạn video clip.
Quảng cáo trên báo chí và các kênh truyền hình quốc tế, xuất bản sách về ẩm thực
Nhật Bản đã thiết lập mối quan hệ với nhiều cơ quan báo chí, truyền hình ở nước ngoài để tuyên truyền quảng bá Du lịch Nhật Bản. Theo đó, một loạt chương trình phim tư liệu có sự tham gia của các ký giả người nước ngoài, các bài ký sự giới thiệu về tiềm năng du lịch Nhật Bản được đăng tải trên các tạp chí, báo; nhiều bài phóng sự về Du lịch Nhật Bản nói chung và ẩm thực nói riêng được đăng tải trên các chương trình truyền hình của các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Quốc, nhiều sách hướng dẫn guide book cũng được liên kết và hợp tác để xuất bản: hợp tác với Mỹ xuất bản sách hướng dẫn “Frommers”, “AA Explorer”, “Fordor” và “Berlizt”; hợp tác với Anh Quốc xuất bản “Rough Guide”, “Lonely Planet”….
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua các văn phòng đại diện ở nước ngoài
Hiện nay, Nhật Bản có 15 chi nhánh của JNTO ở các thị trường trọng điểm là thành phố lớn của các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Seoul, Bắc Kinh, Hồng Kông, Đài Bắc, Bangkok, Sydney, London, Paris, Frankfurt, New York, Chicago, San Fransisco, Los Angeles, Toronto và Sao Paulo. Trong đó, Nhật Bản tập trung khai thác mạnh thị trường Mỹ và thị trường Trung Quốc.
Sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ nghe nhìn
Công nghệ thông tin - mạng internet được Nhật Bản khai thác một cách triệt để trong quá trình giới thiệu văn hóa ẩm thực, cung cấp thông tin thu hút khách du lịch. Hình ảnh các món ăn Nhật Bản và thông tin về các nhà hàng được đưa lên các trang thông tin điện tử. JNTO đưa lên trang web những món ăn tiêu biểu của mỗi địa phương, giới thiệu về nguồn gốc, xuất xứ, ý nghĩa, cách thức tiêu dùng.
Không chỉ sử dụng internet như một kênh cung cấp thông tin về các món ăn của nước mình, Nhật Bản còn nỗ lực thu hút khách du lịch thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter...
Bên cạnh đó, Nhật Bản còn tổ chức chụp ảnh, sản xuất các clip, các phim tư liệu phóng sự giới thiệu với khách du lịch tiềm năng tại các thị trường trọng điểm về các loại món ăn truyền thống Nhật Bản. Ngành Điện ảnh Nhật Bản cũng tham gia sản xuất những bộ phim có nội dung về những món ăn nổi tiếng nhằm giới thiệu văn hóa ẩm thực của nước nhà: Shushi - Ouji (2007); Osen (2008); Ramen Girl (2008); Jiro’s dream of Sushi (2011)…
Sử dụng thương hiệu của doanh nghiệp nhà hàng ẩm thực ở nước ngoài
Mỗi một nhà hàng Nhật Bản ở nước ngoài là một hình ảnh thu nhỏ của đất nước, thực khách đến đây không chỉ được thưởng thức các món ăn, đồ uống dân tộc mà còn được ngắm nhìn khung cảnh của nhà hàng với sự bài trí theo phong cách dân tộc, truyền thống. Đây là một hình thức tuyên truyền, quảng cáo mang lại hiệu quả rất cao. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã mở nhiều nhà hàng ở các quốc gia khác nhau trên thế giới để giới thiệu về văn hóa ẩm thực truyền thống của đất nước mình. Sự thành công của những nhà hàng này đã góp phần giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống của Nhật Bản đến với các du khách trên thế giới một cách hiệu quả.
Tổ chức các lễ hội ẩm thực
Nhật Bản thường xuyên tổ chức các lễ hội ẩm thực không chỉ nhằm bảo tồn giá trị văn hóa ẩm thực của quốc gia mình mà còn nhằm giới thiệu nét độc đáo của nền ẩm thực nước nhà với du khách trên thế giới. Hoạt động này thường xuyên được Nhật Bản tổ chức tại các thị trường trọng điểm ở nước ngoài. Thực khách tham gia sẽ được thưởng thức nhiều món ăn và đồ uống đặc biệt của Nhật Bản do các chuyên gia ẩm thực phục vụ.
Có thể thấy, Nhật Bản đã có những hướng đi rõ ràng và cách làm hiệu quả trong việc xây dựng văn hóa ẩm thực như một thương hiệu du lịch quốc gia. Việt Nam với một nền ẩm thực phong phú có thể tham khảo kinh nghiệm này.
Tài liệu tham khảo
1. Xuân Tuyến (2013), Người Nhật đã bảo tồn di sản ẩm thực như thế nào? http://baodientu.chinhphu.vn/Quocte/Nguoi-Nhat-bao-ton-di-san-am-thuc-nhu-the-nao/188725.vgp.
2. Kazuaki Nagata (2013), Japan achieves 10 million tourist target for 2013,
3. Kumakura Isao (2013), WASHOKU, traditional dietary cultures of the Japanese, Culture, No.18 Jan 30, 2014. http://www.japanpolicyforum.jp/en/archives/culture/pt20140130140607.html
4. www.jnto.go.jp/jpn
ThS. Nguyễn Thị Hồng Tâm
(Tạp chí Du lịch)