Bảo tàng thông minh là bảo tàng ứng dụng công nghệ cao, gồm bảo tàng trực tuyến là bảo tàng hoàn toàn trên mạng, hoặc bảo tàng truyền thống có ứng dụng công nghệ như công nghệ 3D, công nghệ thực tế ảo.
Hiện nay, tại châu Âu, hầu hết các bảo tàng đã đi theo mô hình này. Còn ở châu Á, có một số bảo tàng thông minh tiêu biểu như: Bảo tàng Cyber ở Singapore năm 2010, bảo tàng quốc gia Hàn Quốc năm 2012, bảo tàng Nội Mông, Tô Châu (Trung Quốc) năm 2014, bảo tàng nghệ thuật ảo ở Thái Lan hay bảo tàng Cánh đồng chết ở Campuchia...
Tại nước ta hiện nay có hơn 150 bảo tàng nhưng có rất ít bảo tàng ứng dụng được các công nghệ hiện đại. Tai TP.HCM, trong năm nay, sẽ có 2 điểm tham quan được thí điểm công nghệ mới là: Khu di tích Địa đạo Củ Chi và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Còn tại Hà Nội, một nhóm sinh viên của Đại học FPT đã thí nghiệm ứng dụng công nghệ thông minh ở Bảo tàng lịch sử quốc gia và Bảo tàng dân tộc học Việt Nam.
Bảo tàng thông minh có nhiều ích lợi như: Không cần diện tích trưng bày lớn, không giới hạn thời gian tham quan, không phải bảo quản hiện vật và thậm chí không cần hướng dẫn viên, không cần phiên dịch.
Ngoài ra hiện nay, Google cũng đã ra mắt một ứng dụng mang tên là Arts and Culture, giúp đưa các bảo tàng đến với điện thoại thông minh. Với ứng dụng này, người dùng có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật từ hơn 1.000 bảo tàng thuộc 70 quốc gia ngay từ điện thoại của mình.
Google Arts and Culture còn hỗ trợ các tour du lịch ảo. Người dùng có thể đưa điện thoại tới gần một hiện vật và ứng dụng sẽ cung cấp tất cả các thông tin về tác phẩm đó. Ứng dụng này được đánh giá là bảo tàng nghệ thuật trực tuyến số một thế giới hiện nay.
Nguồn: Vtv.vn