Luật Du lịch số 44/2005/QH11 được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006 trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch năm 1999. Luật Du lịch số 44/2005/QH11 quy định về du lịch, bao gồm 11 chương - 88 điều. Sau khi Luật Du lịch được ban hành và có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Luật. Các địa phương đã chủ động hướng dẫn triển khai Luật Du lịch trên địa bàn.
Sau 10 năm thực hiện, Luật Du lịch số 44/2005/QH11 đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước và của ngành Du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì trong quá trình soạn thảo và ban hành Luật Du lịch đã bỏ sót nhiều hành vi trong lĩnh vực du lịch không được điều chỉnh; nhiều quy định còn chung chung khó hiểu, hiểu không thống nhất; nhiều quy định khó đưa vào áp dụng trong thực tế, từ đó đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành Du lịch như về hướng dẫn du lịch, về lữ hành, về quản lý nhà nước về du lịch…
Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành Du lịch cũng như du khách đều mong muốn có một Luật Du lịch hoàn chỉnh, là cơ sở pháp lý để bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước; thúc đẩy ngành Du lịch phát triển; điều chỉnh các quan hệ bảo đảm hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ của du khách và các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ. Bên cạnh đó, các quy định của Luật cần rõ ràng, chính xác, bảo đảm có cách hiểu thống nhất, phù hợp với các điều kiện thực tế để Luật đi vào cuộc sống. Không chỉ thế, Luật cần phải có khả năng dự phòng và tính tới những vấn đề phát sinh trong thời gian tới. Xuất phát từ thực tế đó, việc xây dựng Luật Du lịch (sửa đổi) là cần thiết, nhằm đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động du lịch; nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch; tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh; tạo điều kiện cho ngành Du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Tại phiên họp chiều ngày 19/6/2017, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, ngày 29/5/2017, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Các đại biểu thống nhất cao với những nội dung cơ bản và cho ý kiến vào một số điều, khoản cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Ngay sau phiên thảo luận tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội; gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Du lịch (sửa đổi) với 415 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, bằng 91,85% tổng số đại biểu Quốc hội. Kết quả biểu quyết: có 438 đại biểu tán thành, chiếm 89,21% tổng số đại biểu Quốc hội; 10 đại biểu không tán thành, chiếm 2,04%; 3 đại biểu không biểu quyết, chiếm 0,61% tổng số đại biểu.
Luật Du lịch (sửa đổi) gồm 9 chương, 82 điều, thông qua quy định về về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến du lịch và quản lý nhà nước về du lịch. Đối tượng áp dụng của Luật là các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài; các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam; các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch.
Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có quy định nghiêm cấm làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người ra nước ngoài hoặc vào Việt Nam trái pháp luật; xâm hại tài nguyên du lịch, môi trường du lịch; phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, tranh giành khách, nài ép khách mua hàng hóa, dịch vụ; kinh doanh trong lĩnh vực du lịch khi chưa đủ điều kiện, không có giấy phép kinh doanh hoặc không duy trì điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp khác hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh; hành nghề hướng dẫn du lịch khi không đủ điều kiện hành nghề; quảng cáo không đúng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; quảng cáo về loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận…
Về nguyên tắc phát triển du lịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến cho rằng nội dung khoản 1, khoản 2 còn trùng lắp và đề nghị bổ sung nguyên tắc phát triển du lịch theo hướng khai thác liên kết hiệu quả, tính khác biệt, đặc thù của vùng, miền. xác đáng này; đồng thời, chỉ đạo rà soát, chỉnh lý khoản 1, khoản 2 đảm bảo nội dung không bị trùng lắp; bổ sung nguyên tắc khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng vào khoản 2 Điều 4 của dự thảo Luật.
Về đô thị du lịch, do có nhiều ý kiến đề nghị khác nhau quy định về đô thị du lịch nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi Phiếu xin ý kiến Quốc hội về việc quy định hoặc không quy định về đô thị du lịch. Kết quả có 332/423 đại biểu (chiếm 78,5 %) tán thành không quy định về đô thị du lịch. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định đô thị du lịch như một danh hiệu nhưng không kèm theo cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ (quy phạm tùy nghi, không bắt buộc) vì vậy không nên quy định trong văn bản luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội không quy định nội dung về đô thị du lịch trong dự thảo Luật.
Về đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến Đại biểu Quốc hội và thống nhất việc tán thành quy định đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo nguyên tắc tự nguyện. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm 1 sao, 2 sao, 3 sao, 4 sao và 5 sao. Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao và 5 sao; Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 1 sao, hạng 2 sao và hạng 3 sao.
Liên quan đến nội dung Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, nguồn thu trích từ một phần phí tham quan du lịch, phí thị thực nhập cảnh. Ý kiến này thể hiện tinh thần quán triệt Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến của cơ quan của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung nguồn thu từ “trích một phần phí tham quan, phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài” vào nguồn thu của Quỹ; thủ tục cấp bổ sung thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước.
Về nguồn thu từ doanh nghiệp và khách du lịch: khoản đóng góp bắt buộc từ khách du lịch sử dụng dịch vụ lưu trú hiện nay không có cơ sở pháp lý và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Mặt khác, khi đi du lịch, khách du lịch đã phải trả các phí dịch vụ cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực có liên quan. Các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước thông qua việc nộp thuế. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý Điều 70 như sau: Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê chuẩn điều lệ tổ chức và hoạt động. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; được hình thành từ các các nguồn: vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; ngân sách nhà nước bổ sung hàng năm một phần trích từ nguồn thu phí tham quan, phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài; nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đối với việc bảo vệ môi trường du lịch, Luật khẳng định, Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành quy định nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch; Ủy ban nhân dân các cấp có biện pháp bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch phù hợp với thực tế của địa phương; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có trách nhiệm thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh trong hoạt động kinh doanh; khắc phục tác động tiêu cực do hoạt động của mình gây ra đối với môi trường; có biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh của mình; khách du lịch, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc; có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự nhằm nâng cao hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam để bảo đảm môi trường du lịch phải được bảo vệ, tôn tạo và phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh.
Một số nội dung khác như: chính sách phát triển du lịch, quy hoạch du lịch, điều kiện công nhận khu du lịch, kinh doanh lữ hành, Hướng dẫn viên, Kinh doanh du lịch trực tuyến… cũng có những điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế.
Luật Du lịch (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Theo đó, Luật Du lịch số 44/2005/QH11 sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
PV