
Nhãn lồng là loại quả được trồng lâu đời ở Phố Hiến bên bờ tả ngạn sông Hồng. Tương truyền, xưa kia, nhãn lồng Hưng Yên được chọn là sản vật tiến vua, bởi đây là loại quả có vị ngọt tinh khiết, cùi dày, hạt nhỏ mà không vùng nào trong nước trồng được.
Thông thường nhãn lồng dùng để ăn tươi. Nhưng để tạo thêm sự hấp dẫn, nhãn lồng còn được chế biến thành nhiều món khác như: long nhãn sấy khô, chè long nhãn, long nhãn hấp cùng hạt sen…
Ngoài hương vị đặc trưng, theo y học cổ truyền, long nhãn còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh như bệnh suy nhược thần kinh, mất ngủ, thận, tim, phổi, ho, trĩ,…
Tương Bần là loại nước chấm do người dân ở thị trấn Bần Yên Nhân (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) làm ra. Nghề làm tương Bần có cách đây gần 10 thế kỷ. Hiện nay, thị trấn Bần Yên Nhân có tới 20 cơ sở sản xuất tương quy mô lớn, mỗi năm sản xuất trên 10 triệu lít tương cho thị trường. Sản phẩm tương Bần đã được tặng thưởng nhiều huy chương, danh hiệu thực phẩm chất lượng an toàn.
Việc nhãn lồng và tương Bần (Hưng Yên) được công nhận kỷ lục Việt Nam chính là đòn bẩy quan trọng để Hưng Yên tiếp tục lựa chọn đề nghị công nhận kỷ lục Việt Nam đối với các sản phẩm đặc trưng khác của tỉnh như gà Đông Cảo, chuối tiêu hồng... Điều này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hình ảnh thương hiệu ẩm thực Hưng Yên.
Đức Minh