Bốn điểm di tích được tổ chức gồm: đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), Trung tâm Thông tin phố cổ Hà Nội (28 Hàng Buồm), ngôi nhà di sản 87 Mã Mây và đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc).

Tại những nơi này diễn ra hoạt động giới thiệu cách làm đồ chơi dân gian trong ngày Tết Trung thu truyền thống: đèn ông sao, ông tiến sỹ giấy, ông đánh gậy, tò he... Người dân và các em thiếu nhi còn được thưởng thức các tiết mục rối cạn của làng rối Tế Tiêu - một làng rối cổ truyền ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Nhóm họa sỹ trẻ Hà Nội đến với lễ hội này bằng chương trình trưng bày và giới thiệu tranh xé giấy thủ công.

Đặc biệt, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội còn trưng bày không gian Tết Trung thu truyền thống để đưa các em thiếu nhi và du khách tận hưởng không khí Tết Trung thu Hà Nội xưa.
Cũng trong thời gian này, công chúng Hà Nội và du khách còn được thưởng thức các làn điệu ca trù tại đình Kim Ngân vào các buổi tối thứ tư, thứ sáu, chủ nhật và tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây vào tối thứ ba, thứ năm và thứ bảy do nghệ nhân hai Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long và Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội thể hiện.

Theo Ban Quản lý phố cổ, với nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội rằm trung thu phố cổ có thể góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tin: PV - Ảnh: Thành Nam