Nhà hát Cao Văn Lầu – Điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá văn hóa Bạc Liêu
Tọa lạc tại Quảng trường Hùng Vương thuộc địa bàn phường 1, TP. Bạc Liêu, Nhà hát Cao Văn Lầu được xây dựng theo mô hình 3 chiếc nón lá đan xen nhau, có 3 tầng với các độ cao giảm dần gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động của người phụ nữ Nam Bộ. Chiếc nón lá là biểu tượng của văn hóa phương Nam. Ba khối nhà hình nón lá được đặt bên cạnh hồ cảnh có diện tích 1.800 m2, giữa hồ là lối đi cho khách tham quan uốn cong theo suốt chiều dài hồ. Phần diện tích hồ phía ngoài lối đi dùng để trồng sen, súng. Phần hồ nước bên trong in hình ảnh của mái 3 nón lá lung linh trên sóng nước.
Nhà hát Cao Văn Lầu là một công trình kiến trúc đã được xác lập kỷ lục "Nhà hát Cao Văn Lầu có hình dạng 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam", được xem là trái tim của con đường Hùng Vương nơi nó tọa lạc. Nhà hát ra đời để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với nhạc sĩ Cao Văn Lầu và hy vọng ông sẽ tiếp thêm lửa nghệ thuật cho những thế hệ con cháu về sau.
Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu - Ngô Quốc Khánh cho biết, nhà hát xây dựng và tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật bao gồm các bộ môn: cải lương, dù kê, ca múa nhạc tổng hợp truyền thống và đương đại; đào tạo; sưu tầm; bảo tồn; truyền nghề và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc, thông qua các hình thức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp…
Tỉnh Bạc Liêu là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử, và đây cũng là loại hình nghệ thuật đặc sắc ở Nam Bộ, năm 2013 nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Riêng người Bạc Liêu đã có đóng góp to lớn, góp phần tích cực trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển bộ môn đờn ca tài tử.Từ đờn ca tài tử đến nghệ thuật cải lương là một quá trình phát triển song song, và cải lương đã được người dân Nam Bộ nói riêng cả nước nói chung luôn xem là một món ăn tinh thần không thể thiếu ở thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ 20.
Những vở cải lương kinh điển nổi tiếng một thời: Bên Cầu Dệt Lụa, Đường Gươm Nguyên Bá, Đời Cô Lựu, Lan Và Điệp, Tô Ánh Nguyệt, Thái Hậu Dương Vân Nga, Tiếng Trống Mê Linh hiện đã được Nhà hát Cao Văn Lầu phục dựng và biểu diễn hàng tuần vào tối thứ 7 đã được công chúng địa phương và du khách đón nhận rất nồng nhiệt.
Bên cạnh đó, Nhà hát Cao Văn Lầu còn xây dựng 2 chương trình nghệ thuật tổng hợp như: Bạc Liêu ngày ấy, Hào khí non song, có thời lượng từ 90 đến 120 phút để luân phiên biểu diễn vào các buổi tối thứ bảy hàng tuần. Hiện nay, Nhà hát Cao Văn Lầu là một trong số ít nhà hát vẫn duy trì lịch biểu diễn cố định vào tối thứ bảy hàng tuần, phục vụ miễn phí người dân và du khách.
“Để phát huy hết công năng của Nhà hát Cao Văn Lầu với mong muốn sân khấu nơi đây luôn sáng đèn, nhiều kế hoạch đã được vạch ra trong thời gian tới. Nhà hát sẽ xây dựng chương trình sân khấu thực cảnh, tái hiện lại cảnh người dân miền trên đến Bạc Liêu khai hoang mở đất vào thế kỷ 18 - 19 đến khi ra đời bản Dạ cổ Hoài lang, và sự cộng cư của 3 dân tộc Kinh - Khơ me - Hoa. Nghệ thuật của 3 dân tộc sẽ được biểu diễn trên sân khấu nước bên ngoài khuôn viên Nhà hát với thời lượng của mỗi chương trình là 30 phút. Tiếp theo kế hoạch chúng tôi sẽ tạo thêm các tiểu cảnh chung quanh khuôn viên Nhà hát như cảnh cung điện, núi rừng, sông suối để du khách chụp ảnh cổ trang lưu niệm và sẽ có gian hàng làng nghề của Bạc Liêu, các gian hàng ẩm thực các món ngon của Bạc Liêu và Nam Bộ. Bên cạnh đó, Nhà hát còn xây dựng một số chương trình Nghệ thuật tổng hợp Kinh - Khơ me - Hoa, các chập cải lương Công tử Bạc Liêu, Đồng Nọc Nạng, Dạ cổ hoài lang, các trích đoạn cải lương kinh điển với thời lượng từ 20 đến 60 phút theo yêu cầu phục vụ của từng đoàn khách. Thông qua cầu nối từ các công ty lữ hành, Nhà hát Cao Văn Lầu mong rằng trong thời gian tới sẽ đáp ứng được yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách khi đến với Bạc Liêu, để góp phần vào công cuộc phát triển du lịch tại Bạc Liêu hiện nay”, ông Ngô Quốc Khánh chia sẻ.
Thanh Hiền