Mỗi làng nghề của Hà Nội mang trong mình những nét đặc trưng văn hóa riêng, thể hiện từ cổng làng, đền thờ tổ nghề hay trong từng sản phẩm tinh xảo được tạo thành… Chỉ khoảng 30km từ trung tâm thành phố, bạn sẽ đến được nhiều làng nghề nổi tiếng, các làng nghề liền kề nhau, có khi chỉ cách nhau một cánh đồng lúa, một dòng sông như làng gốm sứ Bát Tràng, làng thêu Quất Động, làng may Trạch Xá, làng sơn mài Duyên Thái, làng khảm trai Chuyên Mỹ, làng Nhân Hiền giỏi nghề điêu khắc, làng cổ Nhị Khê có nghề tiện gỗ, làng Vác làm quạt giấy, làng Chuông làm nón, làng mây tre đan Phú Vinh với hàng mây xiên được mệnh danh là đỉnh cao của nghệ thuật đan lát Việt Nam…
Không thể kể hết làng nghề Hà Nội cũng như những bất ngờ thú vị trong các chương trình du lịch tại các làng nghề, nhưng khi nói đến du lịch làng nghề Hà Nội, người ta thường hay nhắc nhiều đến làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc và làng đan lát Phú Vinh.
Làng gốm Bát Tràng với lịch sử hình thành và phát triển trên 600 năm, nằm thanh bình bên dòng sông Hồng hiền hòa, thuộc huyện Gia Lâm. Sản phẩm gốm Bát Tràng như lọ độc bình, song bình, bát vẽ chuồn, bát vẽ các tích cổ… từ xưa đến nay đã lưu hành trên khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài. Đến đây, du khách có thể thả bộ theo những con đường mòn trong làng, tham quan những lò gốm đang hoạt động, thăm những người thợ làm gốm Bát Tràng với đôi bàn tay tài hoa, những con người không chỉ sai khiến được đất và lửa để tạo nên những men ngọc cho đời mà trong họ vẫn còn nguyên đó tình yêu da diết với nghề gốm cổ truyền. Bạn có dịp chiêm ngưỡng những con ngõ nhỏ với những bức tường đắp đầy than độc đáo hết sức đẹp mắt, ngắm nhìn những bình gốm sứ được xếp hàng hàng lớp lớp dọc vệ đường, thỏa sức mua sắm trong những gian hàng gốm sứ đẹp mắt tinh xảo… Đặc biệt, đến Bát Tràng, bạn còn có thể học làm gốm để tự làm cho mình những sản phẩm riêng, một trải nghiệm vô cùng thú vị!
Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc nay thuộc quận Hà Đông, vốn nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống với tuổi nghề nghìn năm này đã được ghi nhận kỷ lục Việt Nam là “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay”. Các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc đa dạng về màu sắc, phong phú về chủng loại như gấm, lụa, the, sa, xuyến, băng quế, lĩnh, đoạn, đũi, sa tanh, vải… Trong lịch sử, lụa Vạn Phúc từng được dùng để may quốc phục. Lần đầu tiên lụa Vạn Phúc có mặt trên thị trường quốc tế là tại hội chợ Marseille (1931) và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương. Từ năm 1990, lụa Vạn Phúc đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Đến với làng lụa Vạn Phúc, du khách có dịp tham quan quy trình dệt lụa, tận mắt chứng kiến công đoạn thiết kế, vẽ và thêu hoa văn của các nghệ nhân, thợ dệt trong làng, cùng mua sắm tại các gian hàng trưng bày sản phẩm lụa Vạn Phúc dọc hai bên đường làng…
Chỉ cách làng Vạn Phúc chưa đến 30 phút đi xe, du khách sẽ đến với làng nghề đan lát Phú Vinh (thuộc huyện Chương Mỹ) - làng nghề của những người thợ, những nghệ nhân, những nghệ sỹ tài ba của nghệ thuật đan lát. Các nghệ nhân như ông Nguyễn Văn Tĩnh, Nguyễn Văn Trung… có thể đan được chân dung của các lãnh tụ, nhìn vào tranh thấy toát lên hồn của nhân vật; vợ chồng ông Nguyễn Văn Khá đan những chiếc lồng bàn nhẹ như lụa với những nan mây bé không thể bé hơn… Đến Phú Vinh, bạn sẽ được hòa mình vào không gian thanh bình của làng, trò chuyện với các nghệ nhân - được ví như những “bảo tàng sống” của làng nghề, là người giữ lửa và truyền lửa yêu nghề đến các thế hệ con cháu - để nghe họ say sưa kể về lịch sử làng nghề, quá trình hình thành và phát triển, đặc biệt là chiêm ngưỡng những màn trình diễn nghề thật điêu luyện và tài khéo. Phú Vinh cũng là làng nghề duy nhất ở Việt Nam có kỹ thuật xâu xiên sử dụng chất liệu sợi mây vô cùng tinh tế, là đỉnh cao của nghệ thuật đan lát Việt Nam.
T.L