Đồng Tháp có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp còn giữ được nét hoang sơ cùng truyền thống lịch sử lâu đời, nhiều di tích văn hóa, cách mạng. Đến với Đồng Tháp, du khách sẽ có dịp tiếp cận với những nét đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long cũng như tiểu vùng Đồng Tháp Mười, chiêm ngưỡng những cánh đồng sen bạt ngàn, những vùng cù lao xanh tươi hiền hòa nằm giữa dòng sông Tiền, sông Hậu, lắng lòng mình qua điệu lý câu hò, tìm hiểu những dấu tích của vương quốc Phù Nam và nền văn hóa Óc Eo còn sót lại trên các di tích khảo cổ học. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức ẩm thực mang hương vị thời khẩn hoang miền sông nước, trải nghiệm cuộc sống của những người dân vùng Đồng Tháp Mười thân thiện, hào hiệp.
Danh lam thắng cảnh
Đồng Tháp hội tụ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú để phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Du khách sẽ có những giây phút thú vị khi được trải nghiệm chèo xuồng trong những khu rừng giữa bốn bề là nước (Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Vườn quốc gia Tràm Chim), hay đắm mình trong vương quốc của những loài hoa kiểng xum xuê (làng hoa kiểng Sa Đéc). Vẻ đẹp bình dị, sống động, nhiều sắc màu của các khu du lịch, các danh lam thắng cảnh đã góp phần làm cho cảnh quan thiên nhiên Đồng Tháp có nhiều nét độc đáo.
Vườn quốc gia Tràm Chim
Vườn quốc gia Tràm Chim nằm giữa các xã: Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thọ, Tân Công Sính, Phú Thành A và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, cách thành phố Cao Lãnh 40km. Vườn quốc gia Tràm Chim có diện tích 7.313ha với hệ sinh thái phong phú, đa dạng và được xem là Đồng Tháp Mười thu nhỏ vì nơi đây bao gồm đầy đủ hệ sinh thái của vùng đất ngập nước, là điểm hẹn cho du khách thích trở về với thiên nhiên.
Vườn quốc gia Tràm Chim có 130 loài thực vật, nhất là sen, súng, lúa trời, cỏ ống, năng ống, mầm mốc…; đồng thời đây cũng là nơi cư trú của hàng trăm loài động vật có xương sống, hàng chục loài cá và hơn 198 loài chim nước, chiếm khoảng ¼ số loài chim có ở Việt Nam. Trong đó, có nhiều loài chim quý hiếm trên thế giới như: ngang cánh trắng, te vàng, bồ nông, gà đãy Java và đặc biệt là sếu đầu đỏ. Hàng năm, từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 5 năm sau là lúc đàn sếu bay về Tràm Chim cư trú. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội tận mắt ngắm nhìn loài chim là biểu tượng văn hóa bậc nhất trong tâm thức người Việt từ xa xưa.
Đồng Sen Tháp Mười
Khu du lịch đồng sen Tháp Mười tọa lạc tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, cách trung tâm thành phố Cao Lãnh 39km. Đến đây du khách sẽ được tận hưởng trọn vẹn bầu không khí êm dịu, thuần khiết từ hương, sắc, vị của những cánh đồng sen bao la, bát ngát. Du khách có thể trải nghiệm một ngày làm nông dân khi tự mình chống xuồng để hái sen, câu cá giữa không gian bạt ngàn sen. Khu du lịch đồng sen Tháp Mười còn có phong cảnh nên thơ, hữu tình giúp du khách có thể lưu lại những khoảnh khắc đẹp bên người thân, gia đình và bạn bè. Không chỉ được sống trong bầu không khí trong lành, ngát hương sen, đến với khu du lịch du khách còn được thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị từ sen như: cá lóc nướng cuốn lá sen non, gỏi gà ngó sen, xôi sen, chè sen, sữa sen…
Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng
Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng được hình thành và mở cửa đón khách từ năm 2003, thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Vùng đất này được du khách xem như nơi dừng chân bình yên để trải lòng với thiên nhiên, thư giãn sau thời gian tất bật của cuộc sống. Đến với khu du lịch, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm các dịch vụ như: vừa xem phim tư liệu vừa uống nước cỏ bắc đặc trưng chỉ có ở Gáo Giồng mà không nơi nào có được; lên đài quan sát cao 18m để quan sát rừng tràm - lá phổi của Đồng Tháp Mười; đi xuồng tham quan sân chim rộng 40ha với gần 100 loài đang sinh sống; trải nghiệm ẩm thực tại nhà hàng có sức chứa khoảng 400 khách với những món ngon đậm chất miền quê sông nước. Ngoài ra, khu du lịch còn có các món quà lưu niệm đầy ý nghĩa từ thiên nhiên như mật ong, gạo huyết rồng, mắm các loại, các sản phẩm từ tre, lục bình, sen... khách mua về làm quà cho người thân, bạn bè.
Làng hoa kiểng Sa Đéc
Nằm nép mình bên bờ sông Tiền quanh năm lộng gió, phù sa màu mỡ và ánh nắng ngập tràn, làng hoa Sa Đéc cách trung tâm thành phố 4km nức tiếng một vùng với hàng trăm loài hoa, cây cảnh quý hiếm. Đến làng hoa Sa Đéc vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, bạn cũng sẽ được đắm mình trong thế giới của muôn hoa khoe sắc, từ thược dược, tú cầu, cúc vàng, hoa hồng, đến mai chiếu thủy, cau bình rượu... Các loài cây, hoa đẹp từ khắp nơi như tùng Nhật, vạn thọ Pháp cũng hội tụ về đây khiến bức tranh hoa Sa Đéc càng thêm quyến rũ. Ngoài ra, nơi đây còn là xứ sở của nhiều loại cây cảnh quý hiếm, có tuổi thọ hàng trăm năm. Bằng tài nghệ của mình, các nghệ nhân nơi đây đã biến hóa những loài cây quen thuộc, đời thường như khế, cau, si, mai… trở thành những chậu cảnh với muôn hình vạn trạng khiến nhiều du khách không khỏi kinh ngạc, trầm trồ. Làng hoa kiểng Sa Đéc - một trong những điểm du lịch hấp dẫn, chắc chắn sẽ làm thoả lòng du khách khi đến với vùng đất Sen Hồng.
Làng du lịch cộng đồng Tân Thuận Đông
Làng du lịch cộng đồng Tân Thuận Đông được thành lập và đón khách vào cuối tháng 12/2016, thuộc xã cù lao Tân Thuận Đông, cách thành phố Cao Lãnh 4km. Về với Làng du lịch cộng đồng Tân Thuận Đông là về với thiên nhiên trong lành thơ mộng. Đến đây, du khách có thể đạp xe trên đường quê với hai bên là những vườn cây ăn trái mát rượi. Nếu muốn hòa mình cùng sóng nước, du khách có thể chọn di chuyển bằng những phương tiện thủy rất đặc trưng của miền Tây Nam Bộ đó là tắc ráng hoặc xuồng ba lá để có thể dạo quanh vùng cù lao. Vùng đất giàu phù sa Tân Thuận Đông có rất nhiều loại trái cây đặc sản của Đồng Tháp như xoài, nhãn, cam xoàn, mãng cầu xiêm… Đến với Tân Thuận Đông du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ngon đậm đà hương vị miền Tây như: cháo bung bung chang chang, mắm kho, gỏi khô cá lòng tong…
Quýt hồng Lai Vung
Nếu có dịp về Lai Vung vào những ngày giáp tết, du khách đừng quên tới tham quan những vườn quýt hồng chín mọng sai trĩu quả. Đây là loại trái cây đặc sản của Đồng Tháp nói riêng và của đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Di tích Lịch sử - Văn hóa
Với lịch sử phát triển hơn 300 năm, Đồng Tháp được biết đến là một vùng đất có lịch sử hào hùng anh dũng trong đấu tranh cách mạng, có truyền thống lịch sử lâu đời với Khu di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp - Di tích quốc gia đặc biệt gắn liền với nền văn hoá Óc Eo cổ xưa và Vương quốc Phù Nam nhiều huyền tích; với di tích mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc mang đậm truyền thống nguồn cội, hay những ngôi chùa, ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo…
Khu di tích Gò Tháp
Khu di tích Gò Tháp thuộc ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cách thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười khoảng 11km về phía Bắc, cách thành phố Cao Lãnh 43km về hướng Đông Bắc, với tổng diện tích khoảng 300ha. Khu di tích Gò Tháp được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích quốc gia năm 1989 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt về di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật năm 2012. Khu di tích Gò Tháp được xem là nơi hội tụ của những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, tâm linh tín ngưỡng và du lịch.
Về văn hóa, Gò Tháp từng là tiểu quốc của Vương quốc Phù Nam tồn tại từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 12 sau Công nguyên; có nền văn hóa Óc Eo với nhiều loại hình di tích khảo cổ học như: di tích cư trú, di tích kiến trúc, di tích ao thần, giếng thần, đền thần (đền thần Shiva, thần Vishnu và thần Mặt trời Surya)… và có một số lượng lớn các hiện vật khảo cổ có giá trị như sưu tập tượng thần Hindu giáo (có 2 tượng thần Vishnu được công nhận là bảo vật quốc gia), tượng Phật gỗ, bộ sưu tập hơn 400 hiện vật vàng... được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Bộ sưu tập hiện vật vàng Óc Eo - Gò Tháp nhiều nhất Việt Nam” năm 2014.
Về lịch sử, Gò Tháp có những trang sử chói lọi, ghi lại những chiến công hiển hách của hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều trong cuộc chiến chống thực dân Pháp. Gò Tháp là “thủ đô kháng chiến” của cả vùng Nam Bộ, là căn cứ địa “lòng dân” của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ giai đoạn 1946 - 1949. Gò Tháp còn là nơi ghi dấu chiến công vang dội của Tiểu đoàn 502 - những người con ưu tú của quê hương Đồng Tháp, trong trận đánh sập “Tháp Mười Tầng” do chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng vào đầu năm 1960.
Về tâm linh, tín ngưỡng, Khu di tích Gò Tháp nổi tiếng với nhiều di tích tôn giáo - tín ngưỡng như đền thờ Thiên Hộ Dương, đền thờ Đốc Binh Kiều, chùa Tháp Linh, miếu Bà Chúa Xứ, miếu Hoàng Cô... Hàng năm, nơi đây có 2 kỳ lễ hội lớn, đó là Lễ vía Bà Chúa Xứ (rằm tháng 3 âm lịch) và lễ giỗ hai vị anh hùng Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều (rằm tháng 11 âm lịch). Mỗi đợt lễ hội kéo dài trong ba ngày, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, cúng viếng.
Về du lịch, đây được xem như “cái rốn” của cả vùng Đồng Tháp Mười vì có môi trường thiên nhiên sinh thái, động, thực vật hoang sơ mang đặc trưng tiêu biểu của vùng với nhiều món ăn đặc sản mang đậm hương vị đồng quê như: cá lóc nướng trui, chuột đồng khìa, gỏi khô ngó sen, mắm kho cá linh, cá rô kho tộ… Mang trong mình những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, tâm linh tín ngưỡng và du lịch, Khu di tích Gò Tháp đã trở thành điểm hẹn hấp dẫn, điểm đến không thể bỏ qua của mỗi du khách trên hành trình khám phá vùng đất Sen Hồng Đồng Tháp.
Khu di tích mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc
Khu di tích mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được xây dựng vào ngày 22/8/1975 và khánh thành vào ngày 13/2/1977. Đây là công trình tưởng nhớ công lao của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một nhà nho yêu nước, thương dân, người có công sinh thành, giáo dục Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990), Khu di tích mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc xây dựng thêm mô hình nhà sàn Bác Hồ với tỉ lệ 1:1 và ao sen. Ngoài ra, khu di tích cũng trưng bày 2 tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc hình trống đồng và chín đầu rồng, tác phẩm hoa sen và 12 con giáp chạm khắc từ gỗ dầu đã được ghi vào Sách kỷ lục Việt Nam về gỗ nguyên khối chạm khắc lớn nhất Việt Nam vào năm 2014. Nằm trong khuôn viên khu di tích là một góc làng Hòa An, nơi cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng sinh sống với nhiều mô hình nhà sàn truyền thống của người dân Nam Bộ xưa như nhà bát dần, nhà chữ Đinh, nhà Nọc Ngựa…
Chùa Kiến An Cung
Chùa Kiến An Cung hay còn gọi là chùa Ông Quách tọa lạc tại phường 2, trung tâm thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Đây là công trình văn hóa có lối kiến trúc độc đáo và trang nghiêm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Chùa Kiến An Cung là một công trình kiến trúc được sắp đặt khéo léo với nghệ thuật chạm khắc tinh vi, không chỉ tăng thêm vẻ mỹ quan mà còn có ý nghĩa giáo dục con người làm việc thiện. Hai bên vách tô điểm những hình thập diện phong trần và nhiều chuyện xưa giàu ý nghĩa. Ở mặt chính trên vách chùa có trang trí những cây cối, chim, thú, tượng nguời ghép bằng mảnh gốm màu thu nhỏ tạo thành những bức tranh nằm theo đường gờ lắp kính. Mái trước cửa ra vào có 4 chậu hoa bằng gỗ sơn son thếp vàng, giữa có tấm hoành phi “Kiến An Cung”. Trên cửa ra vào có 6 con lân gỗ thếp vàng, ở mỗi mặt của cánh cửa có vẽ cảnh sinh hoạt của vua chúa và các quan ngày xưa. Hai bên cửa chính có hai câu đối trang trí hoa văn xung quanh, nền chạm hoa mai và hạc thếp vàng rực rỡ. Cửa chính có các bức tranh theo lối thủy mặc, nét họa uyển chuyển, sắc bén, còn cửa hai bên lại có chạm khắc bông sen, chim thú sinh động… Hàng năm, chùa có 2 ngày lễ tế là ngày 22/2 và ngày 22/8 âm lịch; cứ 3 năm chùa lại thiết lập trai đàn, cúng cầu siêu cho bá tánh quá vãng và cầu cho quốc thái dân an.
Bửu Lâm tự
Chùa Bửu Lâm còn có tục danh là chùa Tổ Cái Bèo (tọa lạc tại ấp 3, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), là ngôi chùa đầu tiên ở vùng Đồng Tháp Mười, cũng là một trong những ngôi chùa đầu tiên ở Nam Bộ. Ra đời khoảng cuối thế kỷ 17, chùa Bửu Lâm từng có hàng trăm tượng Phật (trong đó có hàng chục tượng được làm bằng cây mây), nhiều liễn đối, hoành phi chạm trổ tinh vi, chuông, ấn, lư đồng cổ xưa... Tính đến nay, chùa đã trải qua 12 đời trụ trì; đào tạo được nhiều thế hệ tăng sĩ, trong đó có nhiều vị đã hoằng hóa, khai sơn, trụ trì nhiều chùa ở khắp đồng bằng sông Cửu Long.
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam, trong giai đoạn chống Pháp, chùa Bửu Lâm đã trở thành trạm liên lạc, tiếp tế lương thực, hậu cần... cho nghĩa quân. Giai đoạn chống Mỹ cứu nước, chùa tiếp tục nhiệm vụ hậu cần và là nơi nuôi giấu cán bộ chiến sĩ cách mạng. Khuôn viên tháp chùa là hầm bí mật che giấu cán bộ, bọng cây xây cổ thụ cũng là nơi một số cán bộ ẩn náu né tránh các cuộc càn quét của địch. Trong hai cuộc kháng chiến, các sư, tăng ni, phật tử của chùa đã hết lòng vì đạo pháp và dân tộc, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc ở địa phương.
Xẻo Quýt - Khu di tích lịch sử - sinh thái rừng tràm
Khu di tích Xẻo Quýt thuộc xã Mỹ Hiệp và xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh. Nơi đây khi xưa cỏ dại hoang vu, kênh rạch chằng chịt, từ năm 1960 - 1975 được Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) chọn làm căn cứ chiến lược để lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Khu di tích Xẻo Quýt có diện tích khoảng 50ha, là khu căn cứ kháng chiến chống Mỹ tiêu biểu của vùng đồng bằng ngập lũ được che phủ bởi rừng tràm nguyên sinh rộng 20ha với những dây leo quất quýt trên cây tràm giống như bức tranh sơn thủy hữu tình. Nơi đây còn bảo lưu các di tích như: công sự chiến đấu, hầm tránh bom, hầm bí mật… là điểm tham quan về nguồn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường
Tương truyền ông, bà Đỗ Công Tường là người có công rất lớn đối với vùng đất Cao Lãnh. Khi ông, bà mất đi, người dân trong vùng đã xây dựng ngôi đền để tỏ lòng biết ơn. Kể từ khi xây dựng (1820), trải qua nhiều lần tôn tạo và trùng tu, ngôi đền đơn sơ xưa nay đã là một công trình cổ kính, trang nghiêm tọa lạc trên đường Lê Lợi, thuộc phường 2, thành phố Cao Lãnh. Ngày 20/4/2001, đền thờ được công nhận là Di tích cấp tỉnh. Từ năm 2009, theo Quyết định của UBND thành phố Cao Lãnh, lễ giỗ thường niên của ông bà Đỗ Công Tường đã chính thức trở thành lễ hội văn hóa - lịch sử cấp thành phố, với nhiều hoạt động vui chơi như: ca nhạc, đờn ca tài tử, múa lân, biểu diễn thể dục dưỡng sinh, thi đấu bóng đá, chạy việt dã và các trò chơi dân gian...
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tọa lạc tại số 225A đường Nguyễn Huệ, phường 2, thành phố Sa Đéc, được ông Huỳnh Cẩm Thuận xây dựng năm 1895 và trùng tu năm 1917. Ngôi nhà có kiến trúc đặc biệt và được trang hoàng độc đáo. Ngôi nhà vốn là nơi ở của gia đình ông Huỳnh Thủy Lê - người tình đầu tiên của nữ văn sĩ người Pháp, Marguerite Duras. Mối tình này về sau trở thành hồi ký để bà viết nên tiểu thuyết nổi tiếng “Người tình” năm 1984. Tác phẩm này được đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud chuyển thể thành phim năm 1992. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Toàn bộ ngôi nhà được xây dựng trên diện tích 258m2 có hình dáng theo kiểu nhà truyền thống người Việt, mái lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền theo kiểu đình chùa Bắc Bộ nhằm tạo nét mềm mại cho mái. Tuy nhiên, kiến trúc bên trong nhà cao ráo thoáng mát, tường được xây bằng gạch đặc rất dày từ 30 - 40cm bao lấy kết cấu khung gỗ làm tăng khả năng chịu lực theo lối kiến trúc truyền thống của Pháp. Nhà có ba gian, trang trí bên trong theo kiểu người Hoa. Các khung bao hai bên chạm trổ chim muông hoa lá thể hiện sự sung túc của gia đình. Đặc biệt, giữa gian nhà chính có thờ Quan Công, một tín ngưỡng truyền thống của người Hoa; đồng thời cũng thể hiện sức mạnh và sự phồn thịnh trong cuộc sống. Các cửa gỗ, các loại tủ, giường, bàn thờ đều được chạm khắc rất công phu, tinh xảo. Năm 2008, nhà cổ đã được chứng nhận là di tích cấp tỉnh và được công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 2009.
Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam
Tọa lạc tại xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam là quần thể công trình văn hóa - tâm linh, phụng thờ các nhân vật lịch sử trên vùng đất phương Nam, thờ cúng tổ tiên họ Đặng và bậc tiền nhân của các dòng họ khác đã khai phá ra vùng đất mới. Nét độc đáo và giá trị thẩm mỹ cao về kiến trúc là các hạng mục công trình được xây dựng theo phong cách kiến trúc nhà cổ - gỗ mới với phong cách nhà rường truyền thống Huế, mang đậm dấu ấn cung đình triều Nguyễn, có cải tiến theo cách xây nhà ở Nam Bộ. Quần thể công trình bao gồm: Nam Phương Linh từ, đền thờ Đặng tộc, Bảo tàng Đặng tộc, Bảo tàng Đất Phương Nam được bao bọc bởi dãy trường lang dài hơn 675m, với 240 cột (tượng trưng cho 5 châu). Ngoài ra, khu du lịch còn có 4 hồ nuôi trồng thực vật và các loài thủy sinh (tượng trưng cho 4 biển), có 63 chậu mai vàng (tượng trưng cho 63 tỉnh, thành của Việt Nam) và 54 loài hoa kiểng, cây xanh (tượng trưng cho 54 dân tộc anh em). Tính đến nay, Nam Phương Linh từ đã đạt 3 kỷ lục Việt Nam: đền đầu tiên thờ các vị danh nhân có công trong quá trình khai mở, gìn giữ và làm rạng danh đất phương Nam; đền thờ có nhiều tượng đồng danh nhân lớn nhất (các nhân vật có công khai mở đất phương Nam; có chiếc trống độc mộc bằng gỗ sến lớn nhất Việt Nam). Ngoài tổ chức phục vụ khách tham quan, vãn cảnh, dâng hương tưởng nhớ tiền nhân, khu du lịch còn có các hoạt động du lịch như : tái hiện hoạt động sản xuất lúa nước, liên kết với các nhà vườn lân cận phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, tổ chức trò chơi dân gian, đàn ca tài tử, ẩm thực Nam Bộ, nghỉ dưỡng và bán hàng đặc sản, quà lưu niệm.
Lễ hội Đồng Tháp
Đồng Tháp - quê hương của những cánh đồng sen nổi tiếng đã đi vào thi ca, những đồng lúa trải dài bát ngát chân trời, nơi những cơn lũ đổ về hàng năm tạo nên “mùa nước nổi”. Đây cũng là nơi có những lễ hội đặc sắc, mang đậm chất văn hóa dân gian trong đời sống của miền quê sông nước.
Lễ hội Gò Tháp
Lễ hội Gò Tháp là lễ hội lớn và quy mô nhất Đồng Tháp, tổ chức mỗi năm 2 lần vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch. Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ và tôn vinh 2 vị Anh hùng dân tộc đã lãnh đạo nghĩa quân chống lại thực dân Pháp là Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) và Đốc Binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều). Lễ hội còn mang đậm nét văn hóa dân gian của người Nam Bộ qua các nghi lễ như tưởng niệm Bà Chúa Xứ và các vị tiền nhân... Lễ hội Gò Tháp mang đậm tính chất dân gian và in dấu ấn một thời mở cõi, phản ánh những khát vọng và ước mong tha thiết của người nông dân Đồng Tháp Mười. Được đến thăm các di tích kiến trúc, được cầu nguyện, được chứng kiến các sinh hoạt văn hóa văn nghệ truyền thống, đây là điểm cuốn hút ngày càng đông khách đến tham dự Lễ hội Gò Tháp.
Lễ giỗ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Hàng năm, cứ vào ngày 26 - 27/10 âm lịch, nhân dân Đồng Tháp lại tổ chức trang trọng Lễ giỗ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Từ năm 2010, Lễ giỗ lần thứ 81 của cụ đã được nâng lên thành lễ hội với những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và hội thi ẩm thực truyền thống, thu hút hàng trăm ngàn người đến tham quan cúng viếng. Lễ hội thể hiện tấm lòng tôn kính của người dân Đồng Tháp nói riêng và của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung đối với nhà nho yêu nước - người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng cho đất nước ta người anh hùng dân tộc Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lễ hội hoa Sa Đéc
Lễ hội hoa Sa Đéc được tổ chức với mục đích tôn vinh những người trồng hoa. Lễ hội diễn ra sôi động với những tiết mục văn nghệ đặc sắc thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự. Trong lễ hội thường diễn ra các trò chơi dân gian truyền thống như biểu diễn patin, ảo thuật đường phố, hội thi ẩm thực đường phố, liên hoan đờn ca tài tử, hội thi cắm hoa và trưng bày trái cây, hội thi tiếng hát sơn ca, triển lãm ảnh nghệ thuật… và nhiều chương trình nghệ thuật, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao đặc sắc. Ngoài ra, đến với Lễ hội hoa Sa Đéc, du khách được ngắm những cánh đồng hoa bạt ngàn đang vào mùa vụ tết, tham quan các làng nghề, điểm du lịch nổi tiếng, làng bột Sa Đéc…
Làng nghề truyền thống
Đồng Tháp có khoảng 44 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được công nhận. Nhiều làng nghề thực hiện mô hình gắn với phát triển du lịch như: làng nghề dệt chiếu ở Định Yên, Định An, huyện Lấp Vò; làng nghề trồng hoa kiểng, làm bột ở thành phố Sa Đéc; nghề làm nem ở huyện Lai Vung, làng nghề dệt khăn choàng Long Khánh huyện Hồng Ngự…
Làng nghề dệt chiếu - Chợ chiếu Định Yên
Huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp không chỉ được biết đến như là quê hương của những cánh đồng lúa mênh mông, những vườn cây trù phú, mà nơi đây còn là “cái nôi” của nghề dệt chiếu truyền thống nổi tiếng khắp nơi. Làng nghề dệt chiếu Định Yên được hình thành gần 100 năm, tập trung chủ yếu ở 2 xã Định An và Định Yên. Qua bàn tay khéo léo của mình, hàng năm những người dân nơi đây đã sản xuất ra hàng triệu sản phẩm chiếu có hoa văn rực rỡ, mịn màng và bền chắc được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Người dân sau khi làm ra sản phẩm đem bán ở chợ đầu mối Định Yên. Nét độc đáo ở chợ chiếu là chợ họp vào ban đêm trong thời gian khoảng 2 tiếng đồng hồ, và người bán thì đi, đứng, trong khi người mua thì lại ngồi. Người mua chiếu tìm một chỗ ngồi chờ còn người bán thì ôm hoặc vác chiếu trên vai đến chào hàng ngã giá. Không khí nhộn nhịp với những cô gái trẻ ngược xuôi chào mời sản phẩm chiếu đủ loại đa dạng về màu sắc và hoa văn. Ngoài ra, chợ còn là nơi tập trung các tàu thuyền khắp mọi nơi như Sa Đéc, Vĩnh Long… về bán trân, bố lác, phẩm màu phục vụ cho sản xuất chiếu, khiến chợ đêm càng thêm đông vui.
Làng nghề đóng ghe xuồng
Đã tồn tại và phát triển hơn 100 năm, năm 2005, Làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài - Long Hậu (huyện Lai Vung) được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh. Tháng 4/2015, Làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Người được xem là ông tổ nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài là cụ Phạm Văn Thuông một người rất giỏi nghề mộc. Sản phẩm làm nên danh tiếng của ông là chiếc xuồng cui nên ông còn được gọi là ông Sáu xuồng cui. Khi ông khởi nghiệp đóng xuồng, ghe ở rạch Bà Đài, sản phẩm chủ yếu bán tại địa phương và các làng lận cận. Trải qua thời gian, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, vừa nắm vững bí quyết nghề vừa kết hợp tính sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm của các làng nghề khác, nghề đóng xuồng, ghe ở rạch Bà Đài đã phát triển thành làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm xuồng, ghe đẹp và bền chắc. Người dân trong vùng nghe tiếng tìm đến đặt đóng xuồng ghe ngày càng đông, sản phẩm làng nghề cũng ngày càng đa dạng, từ chiếc xuồng cui, ghe cui Bà Đài, xuồng Cần Thơ, xuồng ba lá, ghe bầu Phụng Hiệp - Cái Răng, ghe Cần Đước - Long An, đến chiếc tắc ráng Rạch Sỏi (Kiên Giang). Thời hưng thịnh của làng nghề, sản phẩm xuồng, ghe Bà Đài được tiêu thụ rộng rãi ở các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nghề làm bột Sa Đéc
Thành phố Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp vốn là một trong những đầu mối trung chuyển lương thực lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long và là địa phương nổi tiếng với làng nghề làm bột gạo hơn 100 năm tuổi. Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng với nhiều yếu tố tự nhiên thuận lợi, hơn một thế kỷ qua, con người nơi đây đã tạo nên sản phẩm bột gạo mang những giá trị riêng, khó có nơi nào sánh kịp, góp phần lưu giữ và phát huy một làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất vùng.
Nghề làm bột ở Sa Đéc tập trung nhiều nhất ở xã Tân Phú Đông, về sau lan ra ở phường 2, phường 3, Tân Quy Đông, Tân Khánh Đông, An Hòa, Tân Quy Tây… Ban đầu, với cách làm thủ công đơn giản, nhiều cơ sở không phải thuê mướn nhân công mà bằng sức lao động của người thân trong gia đình. Gạo, nếp là nguyên liệu chính được thu mua từ những nông dân tay lấm chân bùn ở trong làng hoặc những nơi lân cận. Nguồn nước để làm bột sẵn có dồi dào ở sông Tiền, sông Sa Đéc, nước ngọt quanh năm, không nhiễm phèn bị chua, lợ…, chính yếu tố này đã làm cho bột Sa Đéc trắng phau, mịn nhuyễn mà không nơi đâu sánh kịp. Sản phẩm bột gạo ở đây được chia thành 2 loại: bột tươi và ướt, được cung cấp trực tiếp cho các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm; bột khô dùng để dự trữ, chế biến dần. Từ bột gạo, người ta có thể chế biến ra hàng chục mặt hàng thực phẩm rất hấp dẫn, không thể thiếu trong đời sống hàng ngày như phở, hủ tiếu, bún, các loại bánh, các sản phẩm ăn liền.
Làng nghề hoa kiểng Sa Đéc
Nói đến hoa kiểng thì phải nhắc đến làng hoa kiểng và nghệ nhân Tân Qui Đông, thành phố Sa Đéc. Làng hoa ở đây đã hình thành và phát triển lâu đời, nghề trồng hoa kiểng ở Sa Đéc nổi tiếng khắp cả nước, du khách đến đây bất cứ tháng nào trong năm cũng có cảm giác như lạc vào thế giới của ngàn hoa, ngập tràn trong hương thơm quyến rũ của thược dược, tú cầu, hồng, lan, vạn thọ Pháp, cúc, mãn đỉnh hồng… đua nhau tỏa hương, khoe sắc. Ngoài ra, nơi đây còn là xứ sở của nhiều loại cây kiểng quý hiếm tuổi thọ hàng trăm năm. Mỗi thế cây, dáng đứng đều thắm đượm nét văn hóa Việt và triết lý phương Đông. Có những loại cây rất bình dị, gần gũi với người dân Việt Nam như khế, sung, si, mai vàng, mai chiếu thủy, vạn niên tùng… qua bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân đã trở thành những cây kiểng quý, có hình dáng đẹp, mỗi cây mỗi vẻ, nhưng tất cả đều có hồn, có sức hút du khách đến lạ thường.
Nghề làm bánh phồng tôm Sa Đéc
Bánh phồng tôm Sa Giang nổi tiếng từ lâu. Đó là những chiếc bánh tròn vành vạnh, ngả màu vàng đục tựa như vầng trăng rằm ở làng quê Việt Nam, có hương vị thơm nồng, cay cay đậm đà, đã góp phần làm phong phú thêm nét văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà trên khắp mọi miền đất nước, trên những bàn tiệc, liên hoan, lễ tết... đĩa bánh phồng tôm bao giờ cũng được đặt ở vị trí trung tâm như một đóa đại cúc bên cạnh những món ăn dân tộc khác.
Làng nghề đan đát
Nghề đan đát được hình thành và phát triển ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nhưng nhiều nhất là ở các huyện phía Nam sông Tiền như Lai Vung, Lấp Vò… Đây là nghề thủ công dễ học, dễ làm, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của xã hội, giá thành lại rẻ rất phù hợp với thu nhập nông thôn nên đã thu hút đông đảo người lao động nông thôn tham gia sản xuất.
Làng nghề làm nem Lai Vung
Làng nghề làm nem ở Lai Vung được hình thành và phát triển hơn 60 năm, là làng nghề truyền thống lâu đời tại Đồng Tháp. Đặc sản nem Lai Vung nổi tiếng khắp miền Tây Nam Bộ, nem có vị ngọt thanh, chua đằm ăn rất ngon và vừa miệng. Ngoài ra, nem còn được chế biến thành món nem nướng dùng kèm với bún và rau thơm. Nếu du khách đến Đồng Tháp thì nem Lai Vung là sự lựa chọn tốt nhất để làm quà biếu cho người thân và gia đình sau chuyến tham quan, du lịch.
Làng nghề dệt choàng
Làng nghề dệt choàng ở ấp Long Tả, xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) ra đời vào những năm đầu thế kỷ 20. Theo những cụ cao niên thì trước kia người dân chủ yếu trồng dâu nuôi tằm để dệt vải Cẩm Tự (vải Lãnh Mỹ A). Thời đó, người dân nơi đây chỉ sử dụng thủ công để thực hiện các khâu đảo chỉ, nấu chỉ, quay chỉ, dệt... năng suất và hiệu quả đạt không cao. Vì vậy, một số người bỏ công sức học hỏi cách dệt khăn choàng từ tỉnh An Giang sau đó đem những mẫu mã và cách dệt choàng về xã Long Khánh A truyền lại cho thế hệ con cháu. Thấy kỹ thuật dệt choàng dễ thực hiện và sản phẩm tiêu thụ nhanh hơn vải Cẩm Tự nên từ người dân làng nghề dệt Cẩm Tự chuyển hẳn sang nghề dệt choàng. Để hoàn thành một chiếc khăn choàng phải trải qua rất nhiều công đoạn như: đảo chỉ, nấu, nhuộm màu, khấy hồ, phơi khô, quay chỉ, móc cửi, dệt, đóng gói sản phẩm. Thị trường chủ yếu của nghề dệt choàng hiện nay là xuất khẩu sang Campuchia qua đường tiểu ngạch và các vùng nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ẩm thực
Nhắc đến Đồng Tháp hẳn ai cũng nghĩ đến vựa lúa lớn của cả nước, là “vùng đất sen hồng” với những cánh đồng sen bạt ngàn mà ít ai biết rằng Đồng Tháp còn là “không gian ẩm thực miền Tây” với những món ăn dân dã vô cùng độc đáo và hấp dẫn.
Tinh túy ẩm thực từ sen
Ðồng Tháp Mười là vùng đất trũng nhưng lại phù hợp cho loài cây sống trong bùn và vươn lên khỏi mặt nước. Trên con đường khẩn hoang của mình, người dân Ðồng Tháp được thiên nhiên ban tặng loài cây sen và họ đã biết tận dụng cây sen từ vẻ đẹp đến công dụng y học và ẩm thực. Những món ăn ngon ở vùng đất này được chế biến từ sen phải kể tới: cơm hạt sen, gỏi ngó sen, cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, gà hầm sen, trà lá sen, trà tim sen, hạt sen sấy, rượu sen, chè sen, sen luộc, sen rang muối ớt…
Cá linh
Mỗi năm vào mùa nước nổi, loài cá linh theo con nước thượng nguồn trôi xuôi về sông quê Đồng Tháp và dần trở thành một món ăn, một đặc sản khó quên đối với người dân nơi đây cũng như khách du lịch tứ phương. Cá linh rất dễ chế biến: làm mắm, nướng, kho, chiên giòn, nấu chua… kiểu nào cũng ngon. Cá linh non đem nướng, tiếng mỡ cháy xèo xèo, chỉ cần nhìn và cảm nhận mùi thơm từ thịt cá đã biết cá linh hấp dẫn đến vô cùng.
Lẩu mắm Đồng Tháp
Thiên nhiên đã hào phóng mang lại cho vùng Đồng Tháp Mười rất nhiều tôm cá… Mùa nước nổi được xem là mùa của loại cá linh, cá sặc… Người dân thường mang các loại cá này làm mắm để dành. Mắm làm ra có thể chế biến thành nhiều món ăn phong phú mà tiêu biểu là lẩu mắm. Lẩu mắm gây ấn tượng bởi hương vị đậm đà và mùi thơm đặc trưng riêng từ mắm. Mắm cá sặc hay cá linh được mang nấu rã thịt, lược kỹ xương, nêm cho vừa ăn. Người ta còn bổ sung một ít sả bằm nhỏ, ớt cay vào trong nồi nước lẩu… Mắm làm hương vị chính cho nồi lẩu, nhưng nguyên liệu nấu với mắm không thể thiếu là cà tím, thịt ba rọi, hay cá, lươn tùy thích, cộng với các loại rau xanh sẽ tạo cho nồi lẩu mắm có hương vị thơm ngon và làm phong phú thêm cho món ăn.
Mắm kho bông súng
Mắm kho bông súng từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân miền sông nước Cửu Long, đặc biệt là ở Đồng Tháp. Mắm được chế biến từ những con cá đồng ngon ngọt đã qua công đoạn muối cùng với gia vị và các loại thịt khác như ba rọi, tép bạc, cá rô… tạo thành món mắm kho đặc trưng. Mắm kho thường được người dân vùng sông nước dùng ăn với bông súng, mà ngon nhất là loại bông trắng, cọng nhỏ bằng chiếc đũa rất mềm và ngọt. Đây là món ăn dân dã của người dân nhưng cũng không kém phần ngon miệng và hấp dẫn đối với thực khách.
Bánh xèo Cao Lãnh
Bánh xèo là món ăn quen thuộc của cả miền Trung và miền Nam, thế nhưng tại mỗi địa phương, bánh xèo có cách chế biến khác nhau. Nổi bật nhất tại miền Tây Nam Bộ phải kể đến bánh xèo Cao Lãnh. Loại bánh làm từ bột gạo, đổ thật mỏng trong chảo nhôm, được đốt trên lò củi, khi bánh giòn thì gấp lại làm đôi. Bánh xèo thịt vịt xiêm được xem là đặc trưng của Cao Lãnh. Vịt làm sạch, lóc bỏ bớt các xương to, còn chừa xương nhỏ, bằm nhuyễn cả con. Thay vì cho thịt heo và tôm làm nhân, bánh xèo thịt vịt xiêm chỉ dùng thịt vịt kèm củ sắn và giá.
Chuột đồng Cao Lãnh quay lu
Du khách đến Đồng Tháp sẽ không thể bỏ qua món chuột đồng Cao Lãnh quay lu. Chuột đồng Cao Lãnh khi đem quay lu rất thơm ngon và giòn. Món ăn này thường được dùng trong các buổi tiệc liên hoan. Đặc biệt, món ăn này đã đạt Huy chương Bạc Liên hoan “Ẩm thực đất phương Nam ” lần thứ I năm 2011 tại Công viên Văn hóa Đầm Sen và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn là một trong 50 món ăn ngon của Việt Nam năm 2015.
Cá lóc nướng trui cuốn đọt sen non
Cá lóc là loại cá nước ngọt sống ở đồng ruộng và sông nước nên thịt cá dai, rất thơm và ngọt. Cá lóc thường được dùng để nướng trui rất thơm, khi dùng kèm với đọt sen non thì có hương vị rất ngon và lạ miệng. Đặc biệt món ăn này đã đạt Huy chương Vàng tại hội chợ “Thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long ” năm 2012 tổ chức tại Cần Thơ.
Lẩu cá Chạch nấu mận Hòa An
Lẩu cá chạch nấu mận Hòa An được chế biến từ hai nguyên liệu chính là cá chạch và mận Hòa An. Cá chạch là loại cá sông nên thịt cá dai và ngọt, giàu chất dinh dưỡng, còn mận Hòa An có vị chua, ngọt đậm đà mang nét đặc trưng của mận Hòa An.
Lẩu riêu cua đồng
Đúng như tên gọi nguyên liệu chính tạo nên hương vị cho món ăn chính là cua đồng. Cua đồng ở đây có thịt dai và ngọt, có nhiều canxi, chế biến xong thịt cua xốp, vị cua rất thơm, dùng nấu lẩu chung với cá lóc đồng, tôm sông… tạo nên một hương vị lẩu mang đậm nét hương đồng nội.
Hủ tiếu Sa Đéc
Hủ tiếu Sa Đéc từ lâu đã nổi tiếng thơm ngon do được làm từ bánh hủ tiếu có sợi vừa phải, mềm mà không bở, không dai, vị không chua, thơm mùi gạo mới, trắng tươi màu sữa. Ngoài ra, nước lèo của hủ tiếu Sa Đéc được nấu công phu bằng xương heo, phải thăm chừng độ lửa, phải biết hớt bọt thì nước mới trong và tỏa thơm hương vị. Chính vì độ phức tạp và công phu như vậy nên hủ tiếu Sa Đéc là món ăn ngon và đặc trưng của Đồng Tháp, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn là một trong 50 món ăn ngon của Việt Nam năm 2013 và năm 2015.
T.T