Nguyên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: mong muốn Du lịch Việt Nam trở thành “tâm điểm” của thế giới
*Khi ông về ngành Du lịch, thuận lợi và khó khăn đối với hoạt động du lịch ra sao?
Tôi về Tổng cục Du lịch vào năm 2006, thời điểm đó đất nước tròn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 - 2006), nền kinh tế hội nhập và chuyển mình mạnh mẽ. Sự chuyển đổi sang kinh tế thị trường có tác động mạnh đến phát triển du lịch. Tôi nhớ, năm 2007 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Và đó cũng là năm Chính phủ ban hành Nghị định số 09/NĐ-CP ngày 8/8/2007 sáp nhập Tổng cục Du lịch vào Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để Du lịch Việt Nam phát triển, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong nền kinh tế nói chung.
Lúc này, cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Du lịch đã tương đối ổn định và “vận hành” nhịp nhàng. TCDL đã có các vụ chức năng, hệ thống các trường (Trường Cao đẳng Du lịch nghề Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Hải Phòng, Lâm Đồng, Cần Thơ, Vũng Tàu…); đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản ở nước ngoài và trong nước, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ tốt, đáp ứng các yêu cầu phát triển của du lịch nhất là việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường xúc tiến quảng bá ở các thị trường mục tiêu của Du lịch Việt Nam. Ở nhiều tỉnh, thành đã có Sở Du lịch (13 sở), nhiều công ty du lịch đã có thương hiệu khá mạnh như Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội…
Trong giai đoạn này, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Du lịch xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1995 - 2010, và ngày 24/5/1995 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 307/TTg phê duyệt Quy hoạch này. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút đầu tư phát triển du lịch cả nước nói chung, du lịch các tỉnh, thành nói riêng. Được sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành Du lịch, mà trực tiếp là Tổng cục Du lịch đã tiếp tục xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010, và xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển các vùng du lịch trọng điểm (Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ - Nam Bộ), cũng như quy hoạch phát triển các trung tâm du lịch (trung tâm du lịch Hải Phòng - Quảng Ninh; trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận; trung tâm du lịch Huế - Đà Nẵng; trung tâm du lịch Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt; trung tâm du lịch thành phố Hồ Chí Minh và phụ cận). Cũng trong thời điểm này, hàng loạt các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển du lịch ở địa phương mình phù hợp với quy hoạch du lịch cả nước và các vùng trọng điểm. Cùng với đó, Luật Du lịch 2005 đã được ban hành và từng bước đi vào thực tiễn. Đây là những điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển du lịch Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khảo sát tiềm năng và tìm kiếm các cơ hội đầu tư; nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước thấy được giá trị kinh tế từ du lịch cũng triển khai các dự án đầu tư du lịch ở nhiều địa phương, nhất là các trọng điểm về du lịch…
Với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, du lịch đã có nhiều bước phát triển; du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng (liên quan đến nhiều bộ, ban, ngành; phối hợp giữa các vùng, các địa phương trong cả nước); có tính xã hội hóa cao (không chỉ có các doanh nghiệp nhà nước làm du lịch mà còn có tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài, cổ phần hóa…); bản sắc của du lịch là văn hóa đã được coi trọng, phát triển (không chỉ là các lễ hội văn hóa, các di tích lịch sử mà ở phạm vi rộng là ứng xử của đội ngũ những người làm du lịch và người dân làm du lịch); Du lịch Việt Nam đã có sự hội nhập, quốc tế hóa (thông qua việc tham gia các tổ chức du lịch thế giới: UNWTO, PATA, APEC…). Đặc biệt, với việc thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch đã có nhiều thành tựu bước đầu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là nhận thức của xã hội về du lịch chưa thực sự đầy đủ. Vai trò, vị trí của du lịch chưa thực sự được coi trọng; chất lượng nguồn lực đào tạo cũng chưa tốt, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, chưa có đào tạo các nhà quản lý cấp cao, các nhà quản trị doanh nghiệp trong các trường du lịch…
*Khi Bộ VHTTDL được thành lập - với cương vị Bộ trưởng đầu tiên - ông đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động của lĩnh vực du lịch trong bộ đa ngành?
Bất cứ Nghị quyết, chỉ thị nào về phát triển du lịch đều có tác dụng rất lớn làm chuyển biến, thay đổi phương pháp tiếp cận làm du lịch; mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội, tạo xung lực mới cho hoạt động của ngành.
Khi về làm Bộ trưởng, thời kỳ đầu rất khó khăn nên phải tập hợp, phát huy sự đoàn kết của cả 3 lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch để cùng phát triển; duy trì thường xuyên sinh hoạt Ban cán sự, cấp lãnh đạo Bộ để trao đổi ý kiến của lãnh đạo 3 lĩnh vực; có sự phối hợp nhịp nhàng: văn hóa bổ trợ cho du lịch, thể thao cũng góp phần quảng bá du lịch, du lịch thu hút khách thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao... Đến giờ, sau 13 năm sát nhập, cá nhân tôi cho rằng, lĩnh vực du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoạt động hiệu quả, ổn định.
Thời kỳ tôi làm Bộ trưởng, ngành đã khắc phục nhiều khó khăn, vươn lên để thực hiện tốt chức năng tham mưu cho nhà nước, chức năng quản lý các lĩnh vực thuộc phạm vi ngành.
Có thể điểm một số nét chính: Du lịch Việt Nam đã có sự ảnh hưởng rất lớn trong khu vực và thế giới. Công tác đào tạo nhân lực du lịch được đẩy mạnh. Bên cạnh những trường du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì nhiều trường khác trong cả nước cũng có Khoa Du lịch để góp phần đào tạo nguồn nhân lực đa dạng hơn. Hình thành những khu du lịch, trung tâm du lịch nổi tiếng. Đặc biệt, uy tín của Du lịch Việt Nam đối với Tổ chức Du lịch thế giới ngày càng cao. Việt Nam là nước đầu tiên đề nghị với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao năm 2016, do nhận thấy tác dụng tích cực qua các lần đại hội Olympic quốc tế, các giải đấu SEA Games, Wolrdcup…
*Thời gian ông làm lãnh đạo ngành, sự kiện nào khiến ông nhớ nhất?
Hồi tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC 2006 tại Quảng Nam. Thời điểm đó do ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 Chanchu khiến nhiều khu du lịch tại Quảng Nam và Đà Nẵng bị hư hỏng nặng nề. Khi đó tôi gặp lãnh đạo Quảng Nam – Đà Nẵng – Huế để trao đổi các biện pháp khắc phục về đường sá, hạ tầng; huy động tất cả lực lượng để sửa chữa các điểm du lịch xuống cấp và đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Du lịch, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các Bộ trưởng. Tôi cho rằng, hình ảnh Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch khu vực miền Trung nói riêng đã có sự lan tỏa rất mạnh mẽ thông qua sự kiện này.
Thứ hai là tổ chức được những Ngày Văn hóa Việt Nam tại nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, ẩm thực… Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Tôi cho rằng, sự kiện này cũng đã tạo hiệu ứng lan tỏa rất tích cực đến với du khách nước ngoài, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm du lịch… qua đó góp phần vào thành công của Du lịch Việt Nam…
*Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Du lịch, ông có điều gì muốn nhắn gửi tới những người làm du lịch thế hệ hôm nay?
Tôi cho rằng, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ đều có những thuận lợi và khó khăn riêng nhưng càng về sau này thì thuận lợi càng cao, do nhận thức của xã hội đã chuyển biến rất tích cực, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với du lịch, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng trưởng thành, các địa phương đều vào cuộc, du lịch có sự đồng thuận tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ để phát triển. Để có được thuận lợi như bây giờ nghĩa là du lịch đã thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của thế hệ trước.
Bởi vậy, những người làm du lịch hôm nay cần dành hết tâm huyết của mình để hiện thực hóa mục tiêu sớm đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn – kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và mong muốn của nhân dân. Thứ hai là du lịch mang bản sắc văn hóa, chất lượng sản phẩm du lịch bao giờ cũng gắn với văn hóa và phát triển du lịch luôn đi liền với phát triển bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường. Và cuối cùng tôi mong muốn Du lịch Việt Nam lan tỏa rộng rãi hơn, nhanh chóng trở thành “tâm điểm” của khu vực và thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Đức Xuyên (thực hiện)
Tạp chí Du lịch tháng 7/2020