Những điểm mạnh của nguồn lao động du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng
Hiện nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng, số lượng các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch và đào tạo ngoại ngữ cho nguồn nhân lực du lịch ngày càng tăng như trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng, hướng đến nâng cấp lên trường Đại học Du lịch sau năm 2015; Khoa Thương mại và Du lịch của trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng; trường Đại học Duy Tân; Việt Nam học - Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng hay Đại học Ngoại ngữ; Viện Anh ngữ - Đại học Đà Nẵng; một số trường Cao đẳng và trung cấp khác…
Sự phát triển du lịch đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Không ít lao động từ các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ và trực tiếp tham gia làm du lịch, thể hiện ở số lao động sơ cấp và lao động phổ thông chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động du lịch. Do vậy, nguồn nhân lực du lịch trong những năm gần đây được tăng cường đáng kể về số lượng…
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, đội ngũ lao động làm du lịch không ngừng phấn đấu học tập, kết hợp với tự học, tự đào tạo, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ theo hướng chuyên nghiệp. Vì vậy, trình độ lao động ngày càng được nâng cao, số lượng lao động được đào tạo từ Đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao ở lĩnh vực hướng dẫn viên, đơn vị quản lý nhà ước, đội ngũ giáo viên và khối lữ hành.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức đào tạo các khóa ngắn hạn, sơ cấp nghề ở các bộ phận và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hàng nghìn lao động tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các khu du lịch trên địa bàn. Ngoài ra, ngành còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, các lớp ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp… cho nhân viên, cán bộ quản lý ở Ban Quản lý các khu, điểm du lịch, các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch Đà Nẵng cũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế trước yêu cầu phát triển nhanh của Du lịch Thành phố.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng
Sở VHTTDL Đà Nẵng cần phối hợp với các cơ sở kinh doanh du lịch, các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, thống kê, phân tích lao động trong ngành Du lịch, làm cơ sở xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo bồi dưỡng ở từng giai đoạn, trong đó chú trọng nguồn nhân lực trực tiếp, mà chủ yếu là lao động nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chuyển đổi sang lĩnh vực du lịch.
Tiến hành đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, vì số lượng lao động có chuyên môn từ sơ cấp nghề trở lên rất thấp và nguồn lao động chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ du lịch vẫn còn tương đối cao. Điều này hết sức cần thiết với nguồn nhân lực du lịch Đà Nẵng hiện nay đang trong tình trạng “thừa mà thiếu”.
Chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho lao động trong ngành, vì số lao động chưa có trình độ ngoại ngữ còn rất cao như lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, khu điểm du lịch… Phát huy lợi thế so sánh, phối hợp, liên kết đào tạo các khóa ngắn hạn và dài hạn với các cơ sở đào tạo ngoại ngữ có chất lượng cao trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, cần quan tâm hình thức đào tạo lực lượng lao động tại chỗ. Vì hình thức đào tạo này giúp cho các cơ sở du lịch tiết kiệm được thời gian, chi phí và theo dõi, đánh giá được kết quả học tập của nhân viên. Nhân viên vừa được học tập, vừa làm việc tại cơ sở, đáp ứng được tiêu chí học đi đôi với hành.
Chương trình đào tạo nghề hiện nay cần phải được đổi mới và cập nhật để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ của ngành Du lịch, không những của Việt Nam mà còn hướng tới đáp ứng được tiêu chuẩn chung của các nước trong khu vực. Đào tạo phải gắn với thực tiễn, chuyên sâu và đầu tư thích đáng cho việc xuống cơ sở nghiên cứu, học tập, học việc, thực hành. Khuyến khích giảng viên và sinh viên làm việc thực tế, nghiên cứu học tập, trao đổi học thuật tại các cơ sở du lịch trong và ngoài thành phố.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Thành phố tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo du lịch liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo du lịch ở nước ngoài, nhất là các nước thành phố có quan hệ: Singapore, Thái Lan, Australia, Nhật Bản… trong việc trao đổi đội ngũ cán bộ giảng dạy; cử sinh viên tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện về du lịch; hỗ trợ các thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập; trao đổi chương trình giảng dạy, thực tập…
Thu hút, tuyển dụng cán bộ, sinh viên, lao động có trình độ cao về du lịch từ các nơi khác về công tác và làm việc tại thành phố, nhất là cán bộ làm công tác tiếp thị, xúc tiến thị trường, quảng bá du lịch, tổ chức các sự kiện du lịch, cộng với chế độ đãi ngộ thích hợp… nhằm đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, cần có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và sự ủng hộ của nhân dân, nhất là đối tượng trực tiếp làm du lịch. Có như vậy thì du lịch TP. Đà Nẵng mới luôn hấp dẫn, thu hút du khách và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
ThS. Nguyễn Thanh Tưởng