Bãi biển Quy Nhơn, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Bình Định được mệnh danh là vùng “đất võ, trời văn" - nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa lớn của lịch sử, văn hóa và văn học dân tộc. Bình Định từng là kinh đô của Vương triều Chăm Pa; là vùng đất hiện có di tích và phế tích Chăm nhiều và đồ sộ nhất cả nước với bảy cụm tháp còn khá nguyên vẹn và 52 phế tích đền tháp, kiến trúc, nghệ thuật Chăm.
Riêng cụm tháp Bánh Ít vừa được một nhóm tác giả người Anh bình chọn trong “1.001 công trình kiến trúc cần phải đến trong cuộc đời”. Tỉnh Bình Định cũng đang tiến hành lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận hệ thống di tích văn hóa Chăm là di sản văn hóa thế giới.
Vùng đất rộng 6.025km2 nằm giữa khu vực Nam Trung Bộ cũng từng là kinh đô thời kỳ nghĩa quân Tây Sơn với những giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn, trường tồn theo lịch sử dân tộc. Khu di tích đền thờ Tây Sơn Tam kiệt và bảo tàng Quang Trung vừa được Chính phủ công nhận là Di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Hiện Bình Định vẫn là cái nôi của võ cổ truyền dân tộc. Nơi đây đã khai sinh ra những môn nghệ thuật tuồng, hát bộ, bài chòi… hiện là những giá trị phi vật thể độc đáo mang tầm quốc gia và nhân loại.
Không chỉ là nơi hội tụ những tài năng lẫy lừng về quân sự, chính trị, Quy Nhơn -Bình Định cũng là nơi sinh ra và hội tụ nhiều tài năng lớn về văn hóa, văn học như Đào Duy Từ, Đào Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… Tất cả đều là những giá trị riêng có và độc đáo của vùng đất võ Bình Định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Ngô Đông Hải cho biết: “Ngoài những giá trị văn hóa, lịch sử, Bình Định còn có những giá trị về tự nhiên vô cùng phong phú để phát triển du lịch, đặc biệt là tài nguyên về biển và hệ sinh thái biển với vô số những bãi tắm và thắng cảnh đẹp còn hoang sơ thu hút du khách. Bình Định cũng hội tụ những thuận lợi về địa lý, giao thông để kết nối với các khu vực Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan… Tỉnh Bình Định đã quy hoạch, đưa vào nghị quyết, chương trình hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền về phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển du lịch”.
Du lịch Bình Định mang về nguồn lợi kinh tế 787 tỷ đồng với khoảng hơn 2 triệu lượt khách trong năm ngoái. Đây là con số khá ấn tượng nhưng vẫn còn quá khiêm tốn so với tiềm năng của vùng đất này. Nguyên nhân chủ yếu là sự đầu tư còn thiếu đồng bộ, hạ tầng giao thông kém, đi lại khó khăn… dẫn đến sự kết nối chưa tốt.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết Bình Định cần đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ cùng với phát triển và quảng bá thương hiệu; tạo ấn tượng bằng những giá trị sản phẩm được đầu tư phát triển đồng bộ, có đẳng cấp và hướng vào thị trường lựa chọn. Từ đó, phát triển Bình Định trở thành trung tâm du lịch có tầm cỡ quốc gia và quốc tế với hạt nhân là đô thị du lịch biển Quy Nhơn với những giá trị văn hóa đặc sắc Việt-Chăm. Quy Nhơn-Bình Định sẽ trở thành điểm đến của 3-4 triệu lượt khách vào năm 2020. Những sản phẩm du lịch đặc thù giao hòa các yếu tố sinh thái biển gắn với đô thị, di sản văn hóa, lịch sử, lễ hội, tâm linh, ẩm thực và sự kiện của vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, “đất võ, trời văn” và là nơi hội tụ những giá trị cuộc sống, trải nghiệm về sức sống mới của thời đại bằng tính nghệ thuật và nhân văn.
Hiện nay, với những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp toàn bộ hệ thống giao thông với các tuyến đường bộ như Quốc lộ 1, 1D, 19, 19B, sân bay Phù Cát, đường sắt Bắc-Nam cũng như các cảng biển, Bình Định đang hướng tới sự đồng bộ về hạ tầng, tạo đà cho kinh tế của tỉnh được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, trong đó có du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, cho rằng du lịch Bình Định đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn để phát triển thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Thương hiệu “Du lịch Quy Nhơn-Bình Định” bắt đầu lan tỏa rộng rãi như là một điểm du lịch mới cần khám phá, trải nghiệm trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Tại hội nghị, Hiệp hội Du lịch Bình Định cùng với các Hiệp hội Du lịch Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ký thỏa thuận hợp tác phát triển. UBND tỉnh Bình Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án Avani Resort (Thái Lan), Khu du lịch thủy liệu pháp Kỳ Co Nhơn Hội (Công ty Cổ phần dịch vụ hậu cần cảng biển Quy Nhơn); cấp chủ trương đầu tư cho các dự án Trường Giáo dục Kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam (Singapore) và Khu du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe suối nước nóng Hội Vân (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoáng sản Tấn Phát)./.
Nguồn: TTXVN