Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Hưng nhấn mạnh: Công tác nghiên cứu thị trường là cơ sở và định hướng cho công tác xúc tiến cũng như liên kết phối hợp giữa các tổ chức, quốc gia nhằm thu hút du khách tại các thị trường trọng điểm tới du lịch Việt Nam, trong đó có thị trường Anh và Đức.
Theo báo cáo của Vụ Thị trường Du lịch, năm 2014, du khách Anh tới Việt Nam đạt 202.256 lượt người, tăng 9,53% so với năm 2013. Việt Nam thu hút khách Anh chủ yếu bởi yếu tố văn hóa đa dạng, vẻ đẹp thiên nhiên và giá chi tiêu rẻ. Mục đích du lịch của du khách Anh tới Việt Nam là nghỉ dưỡng, tìm hiểu, khám phá, học tập, hội nghị, hội thảo… Đặc biệt, sự phù hợp của các sản phẩm du lịch Việt Nam đối với du khách Anh là du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch sinh thái văn hóa sông nước, di sản văn hóa và thiên nhiên…
Điểm mạnh của Du lịch Việt Nam nhằm thu hút du khách Anh là có điểm đến nổi bật; sản phẩm du lịch đa dạng, phù hợp nhu cầu thị hiếu của du khách Anh; hàng không kết nối trực tiếp và gián tiếp qua Thái Lan, Singapore và Malaysia; chênh lệch mùa đối với khu vực Nam Trung Bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long; kết nối Việt Nam với các điểm đến trong khu vực thuận lợi.
Một số giải pháp đưa ra trong báo cáo: xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp; tăng cường xúc tiến quảng bá; thúc đẩy liên kết hàng không – du lịch; đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; thành lập văn phòng du lịch tại Anh.
Theo báo cáo của Vụ Khách sạn, thị trường Đức là một trong những thị trường nguồn trọng điểm và là thị trường khách du lịch châu Âu lớn thứ 4 của Du lịch Việt Nam, sau Anh, Pháp và Nga. Du khách Đức tới Việt Nam thường để nghỉ dưỡng, khám phá và công vụ, Việt kiều thăm thân, một số khách đi theo loại hình MICE. Họ thích tìm hiểu những yếu tố văn hóa bản địa đặc sắc; xem các chương trình nghệ thuật (múa rối nước, hát chèo, thổi khèn, cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế, các trò chơi dân gian…); tham quan các di sản văn hóa nổi tiếng; tự khám phá thiên nhiên, con người, văn hóa cuộc sống của người dân Việt Nam… Năm 2014, du khách Đức tới Việt Nam đạt 142.345 lượt, tăng hơn 45% so với năm 2013.
Theo phân tích, Du lịch Việt Nam có một số những điểm mạnh để thu hút du khách Đức như: tài nguyên du lịch phong phú và hấp dẫn; vận chuyển đường hàng không thuận lợi; cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng đáp ứng được nhu cầu của du khách Đức; quan hệ ngoại giao và quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước tốt đẹp; Việt kiều sống tại Đức khá đông; Việt Nam là đất nước an toàn, thân thiện. Báo cáo đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển thị trường du khách Đức.
Tai hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận những vấn đề doanh nghiệp du lịch đang quan tâm như: công tác xúc tiến quảng bá Du lịch Việt Nam tại hai thị trường Đức và Anh; kế hoạch và chính sách hỗ trợ giá vé máy bay; liên kết các điểm đến trong khu vực nhằm thúc đẩy thị trường du lịch Anh và Đức…
Anh Minh