
Người Thái dệt thổ cẩm
Nhà sàn thành hotel
Từ TP. Hòa Bình xuôi theo quốc lộ 6 với dốc Cun cao như cổng trời Tây Bắc thì tới Mai Châu. Qua thị trấn, xuống thung lũng Mai Châu đến xã Chiềng Châu, xe rời khỏi đường quốc lộ đi vào con đường nhỏ chạy giữa cánh đồng. Qua cầu Lác, xe rẽ vào bản. Thật bất ngờ! Là nơi ở của người dân tộc nhưng bản có đường nhựa trải tới tận chân nhà sàn, đây là một bản làng với 100% là đồng bào dân tộc Thái.
Điều lạ lùng nhất với chúng tôi, không phải là thị trấn, thị tứ, cũng không nằm trên đường huyện lộ, thế nhưng những ngôi nhà sàn bằng gỗ vuông vức nằm san sát bên nhau trên những con đường bản kẻ ô như bàn cờ, cứ như là phố thị. Rất nhiều những “ông Tây, bà đầm” đi dạo trên những con đường trong bản. Hơn 100 ngôi nhà sàn được xây cất theo quy hoạch, đầu hồi nhà có đánh số. Nhà sàn bản Lác cái nào cũng to, đẹp và rất tôn trọng truyền thống kiến trúc cổ. Xưa kia người Thái ở bản Lác làm lúa nương và dệt thổ cẩm nổi tiếng, ngày nay người ta biết nhiều đến bản Lác là một địa danh du lịch. Chúng tôi lên nhà sàn số 7, đây là một trong số 25 “hotel” ở bản Lác. Người Thái làm nhà sàn, dù cho kết cấu to nhỏ khác nhau nhưng cầu thang chín bậc thì không thể thiếu bậc nào. Sàn nhà được dát bằng tre rộng mênh mông, đệm gối sắp đều tăm tắp, đây là gian nghỉ ngơi của du khách vào ban đêm. Không có giường, khách “ngủ tập thể” trên sàn nhà, dân dã, ấm cúng.
Buổi tối, ông chủ nhà sàn - nơi chúng tôi nghỉ lại nổi những hồi trống dài, báo hiệu tại nhà sàn này tối nay có múa sạp. Ở bản Lác, nhà nào cũng có thể tổ chức múa sạp nhưng thường thì họ luân phiên nhau, khách đến nhà nào đông thì tối sẽ múa sạp ở nhà đó. Đội múa xòe gồm những cô gái xinh đẹp, họ được học múa, học hát và học cả ngoại ngữ để tiếp khách. Đêm đó, đội biểu diễn trên 10 tiết mục ca múa bằng tiếng Thái, kết thúc là màn múa sạp và mời khách cùng uống rượn cần. Trong tiếng nứa dồn dập vỗ nhịp nhảy sạp, người ta bưng ra bình rượu cần, những cô gái Thái vít cần rượu mời khách, men rượu nung chín đôi má thiếu nữ làm không ít chàng trai ngây ngất. Tiệc rượu tàn trong cái lạnh dịu dàng hòa quyện với vị ngọt rượu cần, đưa du khách vào giấc mộng ấm áp với chăn sui, gối cỏ, trên sàn nhà mộc mạc.
Ông Hà Công Tín - Trưởng bản Lác cho biết, mỗi năm có khoảng 2 vạn lượt du khách đến bản Lác, trong đó phần nhiều là du khách nước ngoài. Hiện tại, bản Lác có 25/112 hộ đăng ký làm du lịch homestay với các dịch vụ: ngủ nhà sàn, ăn cơm lam, uống rượu cần xem biểu diễn văn nghệ dân tộc Thái và đốt lửa trại giao lưu, đi thăm nhà sàn và cả đi rừng tìm đến những hang đá người dân tộc hằng tôn kính. Mỗi khi đến đây, khách ngoại quốc thường ở lại ít nhất 3- 5 ngày để tìm hiểu phong tục tập quán các dân tộc thiểu số Tây Bắc. Họ rất thích thú và lạ lẫm khi được ngủ trên nhà sàn. Khách thường đến vào nửa cuối tháng 7 cho đến đầu tháng 4 sang năm. Các tháng khác trúng vào mùa hè cho nên khách ít đến. Họ muốn xem tục ăn cơm mới (tục cúng cơm và cá cho ông bà tổ tiên sau mùa gặt), những phong tục của đám cưới, lễ cầu mưa, thi ném còn, thi bắn nỏ vào mùa xuân… Ở đầu Bản Lác có một khu đất rộng có thể tổ chức các hoạt động sinh hoạt, giao lưu tập thể như cắm trại, thi hát karaoke.
Sống dậy nghề dệt thổ cẩm

Bản Lác Hòa Bình
Cùng với các hộ làm du lịch, tại bản Lác có 74 hộ mở cửa hàng chuyên bán các sản phẩm thổ cẩm do người dân trong bản sản xuất. Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của dân tộc Thái, nhờ đó tạo nên bản sắc văn hóa riêng hấp dẫn du khách. Chị Vi Thi Oanh, Phó chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm Chiềng Châu cho biết, nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã là một phần trong văn hóa và lối sống của mỗi gia đình ở xã Chiềng Châu. Đây là công việc truyền thống của những người phụ nữ vẫn làm trong thời gian rảnh rỗi để làm đồ dùng trong nhà. Từ những năm cuối thế kỷ 20, hầu hết phụ nữ trong bản đã từ bỏ các hoạt động dệt vì họ quá bận rộn với việc đồng áng, mặt khác giá bán của các sản phẩm thổ cẩm không đủ bù đắp chi phí lao động họ bỏ ra. Năm 2002, huyện Mai Châu được dự án xây dựng cơ sở làng nghề đầu tư nhằm tạo cơ sở ban đầu cho phát triển du lịch làng nghề, nhờ đó hoạt động dệt vải thổ cẩm được khôi phục ở Chiềng Châu. Tuy nhiên, do đồng bào ở đây không trồng bông, trồng dâu để dệt vải nữa, nên những tấm vải thổ cẩm truyền thống của các dân tộc Mai Châu lại được dệt từ những sợi tổng hợp qua xử lý mang từ dưới xuôi lên. Đây chính là nguyên nhân làm cho dệt thổ cẩm ở Mai Châu trở nên mai một, không giữ được sự tinh tuý như vốn có. Sản phẩm làm ra nhiều nhưng du khách không thích.
Người dân mong muốn hoạt động du lịch phải làm tiền đề để dệt thổ cẩm trở thành làng nghề. Muốn vậy, trước hết phải tôn tạo bản sắc văn hóa dân tộc cho thổ cẩm bản địa. Nhắm tới mục tiêu là thúc đẩy người dân sản xuất ra các đồ lưu niệm để phục vụ khách du lịch đến thăm bản Lác, từ năm 2009 tổ chức JICA đã hỗ trợ đầu tư cho bà con trồng dâu và trồng bông làm vải thổ cẩm và vải tơ tằm. với 35 thành viên được thành lập. JICA đã tài trợ HTX Dệt thổ cẩm Chiềng Châu nhiều máy may công nghiệp, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng dệt thổ cẩm cho bà con, phục dựng bí quyết nhuộm màu cổ truyền từ các loại lá cây, thiết kế tìm tòi đa dạng mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu du khách, liên kết giữa các HTX trong khuôn khổ dự án hỗ trợ về mặt mua nguyên liệu thô và bán sản phẩm. Các khóa đào tạo may và thêu đã được triển khai tại HTX với nhiều nội dung: may cơ bản, cải tiến thêu, nâng cao hoàn thiện sản phẩm, thêu theo các mẫu truyền thống, học về phối màu.
Theo chị Vi Thị Oanh, tới nay HTX Dệt thổ cẩm Chiềng Châu sản xuất ra 40 loại sản phẩm khác nhau từ quần áo, giày dép, các con giống bằng vải thổ cẩm… rất được du khách ưa chuộng, nên số lượng hàng thổ cẩm sản xuất và bán tại bản Lác đã tăng cao gấp hàng chục lần so với trước đây. Hiện các chị em xã viên trong HTX đều có việc làm quanh năm, đạt bình quân thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng. Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu cho biết, nhờ thành công với du lịch và khôi phục được nghề dệt thổ cẩm, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 36% năm 2005 xuống còn 9% năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12%.
Chu Minh Khôi