Đó là tên gọi mà bạn bè và những người trong nghề đã dành cho nghệ sỹ Đức Liên - một nhà sưu tập, nghệ sỹ biểu diễn, một người làm sáo và dạy sáo đúng nghĩa đã có 40 năm dấn thân vào nghiệp sáo và đưa sáo Việt lên sân khấu chuyên nghiệp, chinh phục thế giới.
Nghe tiếng sáo, thấy quê hương
Lật giở cho chúng tôi xem từng loại sáo, nghệ sỹ Đức Liên giới thiệu luôn bằng giai điệu. Mỗi cây sáo đều tấu lên những âm thanh riêng, có cảm giác như sau tiếng sáo ấy người nghe tinh tế có thể dễ dàng nhận ra ngay mỗi một vùng văn hóa. Tiếng đàn môi (vốn là dụng cụ quen thuộc của các cô gái Mèo) dìu dặt, trầm buồn. Âm thanh phát ra từ cây sáo nhỏ nhất (chỉ dài 12cm) của dân tộc LôLô lại có khả năng tấu lên những âm vang trầm bổng, có cái xao xuyến, vấn vương của trai gái dập dìu giao duyên dưới ánh trăng vàng. Sáo một lỗ gợi lên không khí được mùa. Sáo đôi lại ngân vang không khí nô nức mùa trảy hội, khi các chàng trai thổi cho các cô gái múa xòe. Sáo tam lay đưa người nghe chìm vào không khí linh thiêng cầu mây, cầu mưa, cầu hồn khi hạn hán, mất mùa của người Thái… Tiếng sáo chọc sàn, gọi gái và cướp vợ của người Mông thì hớt hải, hồi hộp mà ngân vang, xao động…
Tìm ra 43 loại sáo là 43 tiếng nói riêng, với nghệ sỹ Đức Liên là cả một hành trình tìm về mạch nguồn văn hóa của hơn 40 dân tộc; là những chuyến đi, ngắn thì hai đến ba tuần mà dài thì đằng đẵng đến hai, ba tháng. Ăn, ở với bà con, học hỏi từ bà con từ cách thổi, cách làm sáo và quan trọng hơn là trực tiếp lắng nghe giai điệu phát ra từ tiếng sáo ngay trong chính nơi khai sinh ra nó.
Tiếng gọi từ tiềm thứcTiếng gọi tha thiết từ ký ức đã khiến Đức Liên thành một người có nhiều “duyên nợ” với sáo.
Đỗ Đức Liên sinh ra tại Chiêm Hóa, một vùng quê nghèo của Tuyên Quang. Không điện, không đèn, không âm nhạc… âm thanh duy nhất mà tuổi thơ anh nhận được chỉ có tiếng gọi đò lẫn tiếng sáo dìu dặt ven sông những lúc tảng sáng hoặc xế chiều. Là con trai nghệ nhân đánh đàn nên ngay từ nhỏ anh đã mê sáo. Năm 1967, khi 11 tuổi, bố đưa anh xuống Hà Nội gặp ông Đinh Thìn - một nghệ nhân sáo nổi tiếng. Thấy anh nhanh nhẹn, đam mê, không phải cân nhắc nhiều, ông đã nhận anh làm đệ tử. Thế là cứ đến 3 tháng hè, chú bé Liên lại khăn gói từ Tuyên Quang xuống Hà Nội học cho đến khi vào quân ngũ.
Ra chiến trường, cây sáo vẫn luôn có mặt trên ba lô anh trong mọi cuộc hành quân, rồi anh gia nhập vào đoàn văn công quân khu II và sau đó là đoàn Ca múa nhạc Trung ương. Năm 1995 anh vào Nhạc viện theo học, và cũng từ đây, sáo đã mang về cho anh đầy ắp thành tích mà với nhiều nghệ sỹ, đó luôn là mơ ước.
Cứ đi thi là đoạt huy chương!
Trong cuộc thi gần đây nhất tại “Lễ hội sáo tiêu châu Á lần thứ nhất”, nghệ sỹ Đức Liên đã biểu diễn một mình trong 25 phút, với 9 loại sáo của 9 dân tộc khác nhau và đạt giải “Người biểu diễn điêu luyện và xuất sắc nhất châu Á”. Trước đó, cũng chính anh là người đầu tiên đưa chùm sáo dân tộc lên sân khấu chuyên nghiệp và liên tục đoạt Huy chương Vàng cuộc thi dụng cụ dân tộc toàn quốc các năm 1988, 1990. Riêng năm 1989, Đức Liên vinh dự đoạt thêm huy chương Vàng Festival Thanh niên - sinh viên thế giới lần thứ nhất tại Bình Nhưỡng. Rồi anh được cử sang Liên Xô dự hội nghị tuổi trẻ sáng tạo 12 nước xã hội chủ nghĩa.
Bộ sưu tập 43 loại sáo từ hơn 40 dân tộc của anh được đánh giá là lớn nhất nước. Đồng thời cũng là bộ sưu tập “độc nhất vô nhị” từ trước đến nay.
NGUYỄN LÊ THANH HUYỀN