Khám phá tuyến, điểm du lịch Việt Bắc
Khám phá tuyến, điểm du lịch Việt Bắc
Thứ sáu, 29/06/2007 | 10:07 GMT+7
Hưởng ứng Năm Du lịch Thái Nguyên 2007, Sở Du lịch Hà Nội vừa phối hợp với Sở Thương mại Du lịch ba tỉnh Việt Bắc (Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang) tổ chức hội thảo “Khám phá tuyến, điểm du lịch hấp dẫn tại Thái Nguyên - Bắc Kạn - Tuyên Quang”.
Các đại biểu đều khẳng định: Năm Du lịch quốc gia Thái Nguyên 2007 là cơ hội vàng để các tỉnh quảng bá, giới thiệu với đông đảo du khách nguồn tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn của địa phương, cũng như của cả vùng Việt Bắc hùng vỹ với những sản phẩm du lịch độc đáo.
Với 2/3 diện tích là rừng núi, Thái Nguyên là địa chỉ lôi cuốn khách du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích nổi tiếng như hồ núi Cốc, đền Đuổm, khu du lịch khảo cổ học Thần Sa, ATK Định Hóa, vùng chè Tân Cương…
Nằm cạnh Thái Nguyên, Bắc Kạn là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nổi bật là hồ Ba Bể (500ha) nằm trong khu vực Vườn quốc gia Ba Bể - một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Bắc Kạn còn là quê hương của nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử được xếp hạng như: ATK Chợ Đồn, động Nàng Tiên - Na Rỳ, đèo Giàng, khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ…
Với những cánh rừng đại ngàn nguyên sinh, những hình sông thế núi được kiến tạo đặc biệt, Tuyên Quang là quê hương của nhiều phong cảnh sơn thủy hữu tình như thác Pác Ban, thác Khuổi Nhi, động Tiên, hang Bó Ngoặng, suối Đát, núi Dùm… Những chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc trong những năm tháng kháng chiến ác liệt còn được lưu giữ trên mảnh đất Tuyên Quang cho đến ngày nay đã trở thành kho tàng du lịch văn hóa - lịch sử quý báu của địa phương, đó là nán Nà Lừa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào… Nơi đây còn là xứ sở của những truyền thuyết, lễ hội, dân ca, dân vũ của 22 dân tộc anh em.
Lãnh đạo ba tỉnh tập trung giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các doanh nghiệp về điều kiện cơ sở vật chất, dịch vụ lưu trú, khả năng thông tuyến giữa các điểm du lịch ba tỉnh và việc xây dựng, khai thác những sản phẩm du lịch đặc trưng tại các địa phương. Lãnh đạo các Sở quản lý Du lịch khẳng định, hiện nay, bên cạnh việc tích cực khai thác nguồn tiềm năng du lịch, các địa phương đã có sự quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây vốn là những điểm mạnh để các tỉnh miền núi phía Bắc có thể khai thác phát triển loại hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các địa phương sẽ phải tiếp tục khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đẩy mạnh liên kết, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch, khai thác các sản phẩm văn hóa - ẩm thực độc đáo, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ khách, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá tiềm năng, các tour, tuyến du lịch từ Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước lên Việt Bắc.
PV