Thượng Lâm được bao bọc bởi những dãy núi đá kì vĩ và đẹp đến nao lòng. Cũng vì vậy mà xưa kia người Pháp đã có ý định làm một cầu treo bắc từ núi Ông Tiên sang các ngọn núi bên cạnh, xây dựng hệ thống cáp treo để thưởng ngoạn cảnh đẹp Thượng Lâm, song không thực hiện được, hiện nay vẫn còn hai mố cầu trên núi Ông Tiên.
Về Thượng Lâm đi chợ, thăm chùa
Đến trung tâm xã Thượng Lâm, bạn sẽ được thưởng thức nét đặc sắc của một phiên chợ vùng cao. Chợ Thượng Lâm họp vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Người ta mang đến chợ những sản vật do chính tay mình làm ra, đó có thể là một tấm thổ cẩm, măng rừng, hay rượu ngô men lá… Người đi chợ không nặng chuyện bán mua, họ đi để trò chuyện, gặp gỡ và giãi bày. Phiên chợ Thượng Lâm có sự giao hòa của nhiều dân tộc như Tày, H’Mông, Dao…
Vùng đất Thượng Lâm còn nổi tiếng với chùa Phúc Lâm. Đây là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Tiền Lê với quy mô lớn và là trung tâm Phật giáo của Tổng Thượng Lâm xưa. Khuôn viên của chùa Phúc Lâm nằm trên gò đất rộng khoảng 600m², hiện nay, trên nền cũ của ngôi chùa vẫn còn bình đồ kiến trúc khởi nguyên của nó. Nền móng có hình chữ Đinh, gồm tòa Tiền đường và tòa Thượng điện. Chùa Phúc Lâm ngoài thờ Phật còn thờ các vị thần bản địa, gắn bó với cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây. Đây cũng là một nét sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo tại một ngôi chùa vùng cao.
Tại chùa Phúc Lâm, các chuyên gia cũng đã phát hiện tổ hợp các mảnh tháp đất nung gồm: mái tháp, thân tháp, đế tháp và các mảng phù điêu trang trí kiến trúc với các chủ đề như: rồng, chim phượng hoàng, mảnh tháp có trang trí hình cánh sen cách điệu ở đế tháp. Các mảng phù điêu hình rồng mang đặc trưng tranh rồng thời Trần, các hiện vật được tạo dáng hình khỏe khoắn, đường nét điêu khắc rõ ràng. Đặc biệt, một góc của tầng tháp đất nung có trang trí hình chim thần Garadu đang trong tư thế vươn mình lên, giơ 2 tay đỡ lấy mái tháp rất sống động. Tại đây người ta đã tìm thấy những tảng kê chân cột bằng đá xanh cùng những tháp đất nung và hệ thống tượng thờ có niên đại từ thế kỷ 13.
Chùa Phúc Lâm hiện nay do nhân dân trong vùng dựng lên trên nền đất cũ theo hướng Tây Nam, xung quanh được bao bọc bởi dãy núi Thượng Lâm trùng điệp với nhiều huyền thoại. Điểm đặc biệt là các pho tượng ở đây đều được tạc bằng gỗ, để mộc ở tư thế ngồi thiền. Các pho tượng mang nhiều nét văn hóa vùng cao, không được chạm khắc trau chuốt, đường nét không mềm mại nhưng rất có hồn, dáng vẻ tự nhiên. Theo các nhà khảo cổ thì các pho tượng này có niên đại khoảng thế kỷ 14, là một trong số ít tượng thờ được phát hiện ở vùng núi phía Bắc có niên đại sớm.
Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm
Vẻ đẹp của con gái Thượng Lâm đã được lưu truyền trong một tích chuyện cổ rằng: xưa dưới đỉnh đèo Ái Âu có nàng Bàn Hoa Trang xinh đẹp nghiêng nước, nghiêng thành. Nàng giỏi dệt vải và vẽ tranh, sau được quận công xứ núi tên là Vinh Thành kết duyên. Trước khi đi theo chồng, nàng có truyền lại nghề dệt vải và bí quyết làm đẹp bằng các loại thảo dược sẵn có trong vùng cho các thiếu nữ trong bản. Các thiếu nữ trong vùng đã sử dụng những dược liệu thiên nhiên ban tặng và đều trở thành những mỹ nữ.
Để tìm ra cô gái đẹp nhất trong vùng, người Thượng Lâm xưa thường tổ chức các cuộc thi thôn nữ đẹp trong các lễ hội như lễ hội Lồng Tồng, lễ đình làng… Vào ngày hội, mỗi bản cử 3 đến 4 cô gái xinh đẹp, nết na, giỏi hát then, giỏi đánh đàn tính để dự thi với các thiếu nữ khác trong vùng. Ngày nay cuộc thi này không còn nữa nhưng những người già ở Thượng Lâm vẫn kể cho con cháu nghe trong niềm tự hào và cả sự tiếc nuối về một nét đẹp văn hóa đã bị mai một bởi thời gian. Về miền gái đẹp Thượng Lâm hôm nay, ta vẫn dễ dàng bắt gặp một ánh mắt biết nói, một nụ cười e ấp như những bông hoa rừng giữa phiên chợ Thượng Lâm đậm đà màu sắc.
Khi hồ thủy điện Tuyên Quang hoàn thành và trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, Thượng Lâm càng có thêm tiềm năng và cơ hội để phát triển du lịch.
Thượng Lâm hôm nay vẫn giữ những nét đặc trưng của một mảnh đất vùng cao, đó là hình ảnh những bản làng với nếp nhà sàn ẩn khuất dưới tán cây rừng, đó là hình ảnh những thiếu nữ Tày, Dao miệt mài bên khung dệt, đó là hình ảnh của lễ hội Lồng Tồng, lễ hội cấp sắc, đó là nét đẹp trong văn hóa ẩm thực, là vị cay nồng của những chén rượu ngô, là tấm chân tình của người vùng cao… Về Thượng Lâm rồi sẽ thấy vấn vương, rồi sẽ thấy thật nhớ…
Bùi Cẩm Phượng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)