Ngôi nhà cấp 4 với ba gian nếp xưa nằm nép mình dưới những tán cây xanh. Hơn 30 năm qua, ngày ngày ông Võ Đại Hàm (người gọi Đại tướng bằng ông thúc bá) vẫn đều đặn thức khuya dậy sớm nâng niu từng kỷ vật dưới ngôi nhà này. Bộ bàn ghế, chiếc giường, những bức ảnh... sau hàng chục năm vẫn vẹn nguyên bởi bàn tay chăm sóc tỉ mẩn của ông. Năm nay ông đã 73 tuổi, dáng người dong dỏng cao, đôi mắt sáng toát lên sự khí khái của một người con vùng chiêm trũng Lệ Thủy. Chậm rãi châm bình trà, bên chiếc bàn đơn sơ trước hiên nhà lưu niệm, ông Hàm kể: Năm 1947, giặc Pháp đốt cháy trụi ngôi nhà hơn 100 năm tuổi của gia đình Đại tướng. Năm 1977, ngôi nhà được gia đình Đại tướng và chính quyền địa phương phục dựng nguyên trạng trên nền đất cũ. Lúc đầu, địa phương có ý kiến xây dựng ngôi nhà khang trang bằng gỗ lim nhưng gia đình không đồng ý, Đại tướng bảo rằng làm như thế sẽ trở thành tiền lệ cho mọi người phá rừng. Sau đó, ngôi nhà gỗ này đã được phục dựng với ba gian hai chái, lợp ngói, dưới mái lợp thêm chái tranh làm cửa chống lên che mưa, che nắng theo nếp nhà truyền thống của vùng quê lúa Lệ Thủy kiểu xưa.

Gian chính giữa nhà đặt bàn thờ tổ tiên, treo di ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng. Phía ngoài đặt chiếc bàn tiếp khách đơn sơ và gian bên cạnh là phòng ngủ có chiếc giường trải chiếu cói. Xung quanh kèo nhà treo một số ảnh Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và ảnh Đại tướng chụp chung với nhiều chiến sĩ. Những vật dụng ở vùng lúa Lệ Thủy như cày, bừa, cuốc, xẻng, chum, vại... được sắp đặt ngăn nắp.
Phía sau nhà Đại tướng có cây khế ngọt trĩu quả đã hơn 100 năm tuổi. Cây khế là chứng tích duy nhất còn sót lại từ thời Đại tướng. Nhờ cây khế cổ thụ này mới xác định được vị trí chính xác để phục dựng ngôi nhà trên nền đất cũ. Chính trong ngôi nhà nhỏ này, những câu chuyện kể về vua Hàm Nghi, về chiếu Cần Vương, hay những bài thơ “Thất thủ kinh đô”… mà cha của Đại tướng, nhà Nho đức độ Võ Quang Nghiêm kể hàng đêm đã thấm đẫm trong tâm trí ấu thơ của ông, là nền tảng cho ý chí sắt son đánh giặc cứu nước, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc sau này. Những năm tháng tuổi thơ êm đềm chóng qua nhanh, nhưng ký ức về một miền quê hồn hậu, nơi có dòng “nghịch hà Kiến Giang” (dòng sông chảy ngược theo hướng Đông - Bắc) dường như không bao giờ lãng quên trong tâm khảm Đại tướng.
Ông Võ Đại Hàm cho biết, từ ngày Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình, về với Vũng Chùa - Đảo Yến, hàng ngày có rất nhiều đoàn khách từ khắp nơi về thăm nhà lưu niệm và khu mộ để thắp hương tưởng niệm Người. Ngôi nhà nhỏ bên dòng Kiến Giang vẫn như còn đó bóng dáng người anh cả quân đội nhân dân Việt Nam, vẫn như còn đó hình ảnh Đại tướng bình dị ngồi thuyền cổ vũ cho lễ hội bơi thuyền truyền thống của quê hương mỗi dịp Người về thăm quê.
Xuân Hoàng
Tạp chí Du lịch